Hủy

Vì sao lãi suất trái phiếu giảm?

Nguyệt Nguyễn Thứ Hai | 12/09/2016 12:30

Trong 8 tháng đầu năm 2016, tổng khối lượng huy động trái phiếu chính phủ đã đạt 92,68% so với kế hoạch đề ra.
 

Tính trong 8 tháng đầu năm 2016, tổng khối lượng huy động trái phiếu chính phủ đã đạt 92,68% so với kế hoạch đề ra, trong đó đáng lưu ý kỳ hạn 5 năm và 15 năm đều đã phát hành vượt kế hoạch. Nếu tiếp tục đà huy động này, có thể chỉ vài tuần tới trước khi kết thúc quý III, Kho bạc Nhà nước sẽ sớm hoàn thành kế hoạch huy động trái phiếu chính phủ đề ra cho cả năm.

Quan sát 27 phiên đấu thầu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trong tháng 8 vừa qua đã cho thấy xu hướng lãi suất trúng thầu trái phiếu (yield) đang giảm. Giải mã đà rơi này, ngoài nguyên nhân Kho bạc Nhà nước hoàn thành mục tiêu phát hành của năm 2016 trước thời hạn, còn nhiều nhân tố hỗ trợ khác từ thị trường tín dụng và ngoại hối.

Trái phiếu chính phủ vốn dĩ được xếp loại là sản phẩm tài chính đặc biệt do kênh phát hành phức tạp (được bán lẻ qua hệ thống Kho bạc Nhà nước - thị trường thứ cấp và đấu thầu qua thị trường giao dịch chứng khoán - thị trường sơ cấp). Thêm nữa, bản chất kinh doanh trái phiếu là kinh doanh “giá ngược”. Theo đó, khác với ngoại hối hoặc các tài sản cơ sở khác, “giá chào bán trái phiếu” trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp có xu thế giảm thì tương ứng với việc tổ chức phát hành hoặc phía người bán đang nắm giữ càng có lợi. Bởi lẽ, dòng tiền đem ra đầu tư đã được chiết khấu và phản ánh trực tiếp vào giá bán tại thời điểm giao dịch.

Vi sao lai suat trai phieu giam?

Trên sàn HNX trong tháng 8, lãi suất của trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm nằm trong khoảng 5,76-6,48%/năm (giảm khoảng 0,34 điểm phần trăm/năm) và 7 năm trong khoảng 6,34-6,6%/năm (giảm 0,02 điểm phần trăm/năm). Đối với các kỳ hạn dài hơn, đường lãi suất trúng thầu cũng được điều chỉnh “cong mềm mại” hơn với lãi suất trúng thầu của trái phiếu Kho bạc Nhà nước kỳ hạn 10 năm, 15 năm và 30 năm lần lượt là 7,5%/năm, 7,65%/năm, 8%/năm.

Thế nên, áp lực huy động từ nay đến cuối năm đối với tổ chức phát hành gần như không còn. Vì vậy, dự báo lãi suất trúng thầu các phiên đấu thầu tới nhiều khả năng sẽ có xu hướng đi ngang ở các kỳ hạn dài trên 10 năm và giảm nhẹ quanh mức 0,1% so với mức hiện tại ở các kỳ hạn ngắn 5-7 năm.

Lý giải những chuyển biến tích cực cả về số lượng phát hành thành công cũng như giá đấu thầu, giới chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính nằm ở chính sách nới lỏng lượng cung tiền, đưa vào lưu thông qua 2 cánh cửa chính là hút ngoại tệ và tăng trưởng tín dụng. Cụ thể, 8 tháng đầu năm nay Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng thành công 10 tỉ USD ngoại tệ (nâng mức dự trữ ngoại hối lên 40 tỉ USD), tức tương đương từng đó lượng tiền nội tệ được bơm vào lưu thông. Ngoài ra, trong cùng thời gian, mở rộng tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống đã chạm ngưỡng gần 10%, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,45%. Khi một lượng lớn tiền mặt được đưa vào lưu thông thì các ngân hàng đã “phân luồng” dòng chảy vốn này vào thị trường tín dụng và thị trường nợ. Vì vậy, không ngạc nhiên khi lượng đấu thầu trái phiếu chính phủ từ phía các tổ chức tín dụng tăng cao.

Vi sao lai suat trai phieu giam?
Có thể chỉ vài tuần tới trước khi kết thúc quý III, Kho bạc Nhà nước sẽ sớm hoàn thành kế hoạch huy động trái phiếu chính phủ đề ra cho cả năm. Ảnh: Sơn Phạm

Lướt qua báo cáo lợi nhuận của khối các ngân hàng thuộc tốp đầu thị trường, tỉ trọng lợi nhuận đến từ hoạt động kinh doanh, đầu tư trái phiếu khá cao. 6 tháng đầu năm, Vietcombank báo lãi 4.271 tỉ đồng, tăng 35% so cùng kỳ. Theo đó, tính đến ngày 30.6, tổng tài sản của Vietcombank đạt 678.000 tỉ đồng; thu nhập lãi thuần tăng 29,5%, đạt 9.150 tỉ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 427 tỉ đồng, tăng trưởng 10,3% so với dư nợ cuối năm 2015.

Khi lần đầu nhận chức quản lý mảng kinh doanh nguồn vốn của Ngân hàng DBS tại TP.HCM, vài năm trước đây, một chuyên gia kinh tế người Singapore đã thắc mắc: Mỗi năm, các thành viên thị trường xây dựng chỉ tiêu kinh doanh và lợi nhuận thuần mà hầu như phụ thuộc khá nhiều vào thông báo chỉ tiêu phát hành trái phiếu từ Chính phủ. Tính đến hiện tại, một câu hỏi đặt ra: khi Nhà nước hoàn thành mục tiêu phát hành thì điều này có đồng nghĩa với việc các ngân hàng đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận (vì như đã nói ở trên, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trái phiếu luôn chiếm tỉ trọng cao trong ngân hàng)?

Khi lãi suất phát hành trái phiếu giảm xuống, nghĩa là loại tài sản này đã đắt lên và sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư chính là các tổ chức tín dụng. Còn nhớ năm ngoái, khi thanh khoản thị trường trái phiếu hầu như đóng băng, tổ chức phát hành đứng trước áp lực lớn phải tăng lãi suất để thu hút nhà đầu tư, tức họ chấp nhận áp lực phải trả lợi tức cuống phiếu hằng năm cao cho phía người mua.

Xét trên bình diện tỉ giá, năm 2016 đã qua đi yên ả hơn nửa chặng đường khi tỉ giá biến động không đáng kể, nhất là từ khi áp dụng tỉ giá trung tâm. Những cú sốc tỉ giá như từng xảy ra trong quá khứ đã nhường chỗ cho một môi trường ổn định hơn, tạo điều kiện cho chính sách đầu tư carrying trade của khối kinh doanh ngoại hối và khối nguồn vốn tại các ngân hàng thương mại. Họ có điều kiện hoạch định kế hoạch sử dụng nguồn vốn cho hoạt động đầu tư trái phiếu ngay từ đầu năm dựa trên lòng tin về mức lãi suất cuống phiếu hấp dẫn trong bối cảnh tỉ giá duy trì ổn định. Tuy vậy, những tháng cuối cùng năm 2016, áp lực lợi nhuận sẽ đặt trọng trách lên vai khối tín dụng của các ngân hàng, nhất là khi chỉ tiêu tín dụng vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng.

Nguyệt Nguyễn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới