Hủy

Vì sao người Singapore quan tâm Ngân hàng Việt?

Thanh Phong Thứ Ba | 20/09/2016 08:00

Với khoản vốn dự định rót vào Vietcombank, GIC đang muốn tạo chỗ đứng vững chắc hơn tại Việt Nam.
 

Những ngày cuối tháng 8, thị trường xôn xao trước thương vụ ký kết giữa Vietcombank và quỹ đầu tư quốc gia của Singapore (GIC) có giá trị, theo ước tính của Bloomberg, không lớn hơn 400 triệu USD. Theo đó, GIC sẽ sở hữu 7,73% cổ phần trong Vietcombank. Thương vụ này vẫn còn chờ được cấp phép. Nếu thành công, sẽ đánh dấu bước tiến mạnh mẽ của Singapore vào thị trường tài chính Việt Nam.

Thực ra, người Singapore từng bước chân vào hệ thống ngân hàng Việt Nam, nhưng gần như đều bỏ cuộc. Ngân hàng OCBC rút lui khỏi VPBank, còn UOB thất bại với tham vọng sở hữu 100% vốn của ngân hàng đang buộc phải tái cấu trúc là GPBank.

Tuy nhiên, trường hợp của GIC thì lại khác so với các ngân hàng đi tiên phong. Quỹ đầu tư này đại diện cho Chính phủ Singapore quản lý quỹ ngoại hối của đảo quốc sư tử, trong khi chủ sở hữu trực tiếp của Vietcombank lại là Chính phủ Việt Nam. Với lợi thế này, GIC sẽ bước xa đến đâu trên bản đồ tài chính Việt?

Vũ khí của người Singapore

Có thể thấy Singapore là một quốc gia có nền kinh tế phát triển khá đồng đều ở các ngành. Trong đó, lĩnh vực tài chính bảo hiểm đóng góp 12,6% GDP năm 2015, xếp sau ngành công nghiệp sản xuất (18%) và dịch vụ kinh doanh (15,7%) và thương mại (15,6%). Dù vậy, tài chính được xem là lĩnh vực trọng tâm của Singapore, chiếm 69% giá trị tổng tài sản (cuối năm 2014) theo số liệu của Cục Thống kê Singapore.

Người Singapore chỉ có 5 ngân hàng, nhưng lại có đến hơn 200 ngân hàng quốc tế lựa chọn đặt bản doanh tại đây để phục vụ cho các hoạt động trong khu vực. Với quy mô tổng tài sản 2.000 tỉ USD vào cuối năm 2013, ngân hàng đóng vai trò là nguồn cung cấp các dịch vụ tài chính quan trọng không chỉ ở nội địa mà còn cả ở khu vực. Số lượng định chế tài chính phi ngân hàng thậm chí tăng trưởng mạnh mẽ hơn, có đến 273 công ty quản lý quỹ đăng ký hoạt động (tăng 3,7 lần so với năm 2013) và 533 giấy phép hoạt động trên thị trường vốn (tăng 2,4 lần so với năm 2010).

Nói như vậy để thấy rằng “vũ khí” để người Singapore đem qua xứ người không thể thiếu những định chế tài chính và đặc biệt hơn là định chế đó thuộc quyền quản lý của Chính phủ. Tất nhiên, GIC về cơ bản vẫn là một quỹ đầu tư và sẽ đặt vấn đề lợi nhuận lên trên hết.

Chia sẻ trên Bloomberg, GIC cho rằng tỉ suất lợi nhuận trong danh mục đầu tư của quỹ này đang tăng trưởng chậm nhất trong chu kỳ 5 năm và sự tăng trưởng này sẽ tiếp tục còn ở mức thấp trong thập niên tới vì lợi suất trái phiếu và kỳ vọng tăng trưởng toàn cầu thấp. Cụ thể, tỉ suất lợi nhuận hằng năm (tính theo USD danh nghĩa) cho chu kỳ 5 năm tính đến tháng 3.2016 chỉ 3,7%, trong khi con số là 6,5% trong 5 năm tính tới tháng 3.2015.

Vi sao nguoi Singapore quan tam  Ngan hang Viet?
Giá trị thương vụ ký kết giữa Vietcombank và GIC được Bloomberg ước tính không hơn 400 triệu USD. Ảnh: Sơn Phạm

Phải chăng đó là lý do để GIC tiến vào những thị trường mới nổi được đánh giá là nhiều tiềm năng như Việt Nam? Thực ra, trước đây, GIC đã đầu tư vào các công ty ở Việt Nam như PAN, FPT hay Masan, song với khoản vốn dự định rót vào Vietcombank, GIC đang muốn tạo chỗ đứng vững chắc hơn tại đây.

Tăng tốc vào Việt Nam

Singapore được đánh giá là khá chậm chân so với các quốc gia khác khi dòng FDI đổ về nhiều, nhưng hệ thống ngân hàng chưa theo kịp. Hồi giữa năm ngoái, Chính phủ Singapore và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cũng đã lên tiếng về việc đẩy nhanh tốc độ cấp giấy phép cho các ngân hàng Singapore hoạt động.

Trong thời điểm hiện tại, đẩy nhanh tốc độ hiện diện ở Việt Nam phải nói đến các ngân hàng từ Hàn Quốc, cũng là quốc gia rót nhiều vốn FDI nhất vào Việt Nam. Gần đây là thương vụ cấp phép của Shinhan Bank, Woori Bank.

Tuy nhiên, Hàn Quốc với thế mạnh văn hóa gần gũi với người Việt, thường “tấn công” ở mặt trận văn hóa thông qua những lĩnh vực giải trí, bán lẻ, hơn là góp vốn cổ phần trực tiếp vào ngân hàng.

Một quốc gia khác cũng xem Việt Nam là thị trường trọng tâm là Nhật. Nước này cung cấp nhiều dòng vốn quan trọng cho Việt Nam để xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhật cũng đưa “vũ khí” riêng của mình trong lĩnh vực tiêu dùng cá nhân (gồm bán lẻ, tài chính tiêu dùng) để tiến vào thị trường Việt. Song ở lĩnh vực ngân hàng, xem ra Nhật vẫn là ông lớn giữ ngôi vị số 1.

Các định chế tài chính của Nhật đã tham gia vào hệ thống ngân hàng Việt từ sớm, với những thương vụ quy mô khủng. Lấy ví dụ như thương vụ Mizuho rót vốn vào Vietcombank (567 triệu USD) năm 2011 và Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ vào VietinBank (743 triệu USD) năm 2013. Ở nhóm ngân hàng tư nhân Việt có quy mô lớn, các đại gia Nhật cũng nhảy vào như Sumitomo Mitsui Financial Group vào Eximbank. Sacombank vừa ký biên bản ghi nhớ hợp tác với 3 ngân hàng Resona Bank, Saitama Resona Bank và The Kinki Osaka Bank (trực thuộc Resona Holdings).

Sau thông tin về thương vụ Vietcombank - GIC, Ngân hàng Mizuho dự kiến sẽ mua thêm cổ phần của Vietcombank để giữ vững ngôi vị là cổ đông ngoại số 1 tại ngân hàng Việt này.

Trong khi đó, với Singapore, dường như quốc gia này lấy quỹ đầu tư làm chủ lực để chinh phục thị trường Việt. Hiện có nhiều quỹ đầu tư Singapore vào Việt Nam, nhưng nổi tiếng trong số đó phải kể đến Temasek Holdings. Nếu xem GIC là cánh tay trái của Chính phủ Singapore, chịu trách nhiệm quản lý danh mục 100 tỉ USD thì Temasek chính là cánh tay phải (242 tỉ USD), giúp quản lý vốn nhà nước. Ở Việt Nam, Temasek đầu tư rất nhiều vào các công ty tư nhân lẫn công ty niêm yết. Temasek thông qua Fullerton Financial Holdings đã từng sở hữu 20% Ngân hàng Phát triển Mê Kông, nay đã sáp nhập vào BIDV.

Hãy trở lại với thương vụ Vietcombank - GIC. Không có thông tin chính thức từ hai bên, song thông tin bên lề cho rằng GIC sẽ bỏ ra 28.000 đồng/cổ phiếu để mua cổ phiếu VCB, trong khi mức giá Mizuho Bank chi ra hồi năm 2011 là 34.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, xét theo tiêu chí P/B, mức giá chào mua của hai thương vụ này xấp xỉ nhau (2,2 lần). Có thể nói GIC chấp nhận chi ra mức giá cao hơn tương đối vì P/B của Vietcombank hiện không những cao hơn các ngân hàng nội địa khác, mà còn cao hơn cả mức bình quân trong khu vực (như  Philippines 1,6 lần, Thái Lan 1,47 lần).

Giả sử thương vụ này diễn ra, theo Công ty Chứng khoán SSI, áp lực sẽ đặt nặng lên giá cổ phiếu VCB trong thời gian tới vì hai quỹ ETF dự kiến sẽ phải bán ra số cổ phiếu VCB đang nắm giữ (khoảng 0,9% lượng cổ phiếu đang lưu hành) vì không thỏa điều kiện room nhà đầu tư ngoại của Vietcombank còn trống.

Theo SSI, giá VCB thấp hơn sẽ tạo điều kiện cho nhiều nhà đầu tư có cơ hội sở hữu cổ phiếu này. Có thể thấy giá VCB có thời điểm lên trên 55.000 đồng/cổ phiếu, trong khi các ngân hàng phần lớn dưới mốc 20.000 đồng/cổ phiếu. Dù vậy, giá VCB nếu quá cao cũng không có lợi cho ngân hàng này. Cũng cần nói thêm, thời điểm hết năm 2016 cũng là lúc hợp tác 5 năm với Mizuho chấm dứt, hết hạn hạn chế quyền chuyển nhượng cổ phiếu. Tuy nhiên, hồi tháng 7 vừa qua, Vietcombank đã ký biên bản ghi nhớ với Mizuho về việc tiếp tục sẽ trở thành đối tác chiến lược. Mizuho cũng được Vietcombank chào mời mua cổ phần phát hành thêm trong đợt này để giữ tỉ lệ sở hữu ở mức 15%.

Còn với Vietcombank, giống như nhiều ngân hàng Việt khác, cũng đang cần tiền mặt tăng vốn. “Tăng trưởng tín dụng cao trong nửa đầu năm đã khiến tỉ lệ an toàn vốn CAR giảm nhanh từ trên 11,04% xuống 9,74%. Bên cạnh đó, việc áp dụng thí điểm Basel II trong năm tới có thể khiến CAR chịu áp lực giảm thêm 2%, theo tính toán của Vietcombank”, báo cáo của Công ty Chứng khoán VCBS viết.

Với các ngân hàng Việt Nam, thương vụ bán vốn cho nước ngoài trong thời điểm hiện nay gần như là giải pháp toàn vẹn nhất để có thể vừa tăng vốn, vừa tăng nội lực. Dù vậy, không phải ai cũng may mắn khi gọi được vốn từ 2 tổ chức lớn như Vietcombank. BIDV, Ngân hàng Quân Đội nhiều năm nay cũng mong chờ đối tác chiến lược ngoại thích hợp, nhưng vẫn chưa tìm được.

Thanh Phong


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới