Hủy

Vì sao PV GAS phải ngừng cung cấp khí PM3?

Thứ Bảy | 05/07/2014 21:30

Sự cố rò rỉ đường ống khí PM3 Cà Mau trước đó cũng làm gián đoạn hoạt động cung ứng khí cho điện, đạm.
 

Theo thông báo của Tập đoàn Điện lực VN (EVN), từ ngày 6 - 19.7.2014, nguồn khí tại lô PM3 để phát điện cho khu vực miền Nam sẽ ngừng cung cấp hoàn toàn để thực hiện các công tác bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị. Việc tạm ngừng cung cấp khí sẽ ảnh hưởng ra sao đến việc cung ứng điện? Phóng viên Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Vỹ, Trưởng ban Điều độ khí, TCty Khí VN (PV Gas).

Thưa ông, vì sao PV GAS lại ngừng toàn bộ việc cung cấp khí PM3 trong thời gian kéo dài tới 14 ngày?

- Ông Nguyễn Vỹ: Nhằm đảm bảo an toàn của hệ thống khai thác khí, chủ mỏ khí PM3- CAA & 46 Cái Nước (PM3 Cà Mau) là nhà thầu Talisman (Canada) có kế hoạch dừng cấp khí hoàn toàn 14 ngày, từ 6-19.7.2014 để thực hiện các công tác bảo dưỡng sửa chữa (BDSC) thiết bị.

Đợt bảo dưỡng này nằm trong kế hoạch bảo dưỡng định kỳ hàng năm và đã được Talisman thực hiện liên tục nhiều năm vào khoảng đầu tháng 7 dương lịch. Đây là công tác do nhà thầu nước ngoài thực hiện trên các cụm thiết bị ngoài khơi của họ chứ không thuộc phạm vi quản lý của PV GAS.

Sau thời gian dừng cấp khí, việc cấp khí của Talisman sẽ trở lại bình thường.

Việc ngừng cung cấp khí trên ảnh hưởng thế nào tới việc cung ứng nhiệt điện khí, khi mà thời điểm này đang là cao điểm mùa khô, thưa ông?

- Việc dừng cấp khí để BDSC định kỳ là bắt buộc nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống cung cấp khí. Để giảm thiểu ảnh hưởng của công tác BDSC này đến việc cung cấp khí cho sản xuất điện, Tập đoàn Dầu khí VN và PV Gas đã làm việc với nhà thầu Talisman, TCty Điện lực Dầu Khí VN (PV Power) và EVN để đàm phán rút ngắn tối đa thời gian dừng cấp khí, thống nhất đợt dừng cấp khí năm nay vào đầu tháng 7 dương lịch là khoảng thời gian bắt đầu mùa mưa.

Bên cạnh đó, PV GAS cũng đang nỗ lực cung cấp tối đa nguồn khí Cửu Long và Nam Côn Sơn cho các nhà máy điện tại khu vực Đông Nam Bộ để bù đắp cho lượng khí thiếu hụt tại miền Tây Nam Bộ. Hiện tại lượng khí Cửu Long và Nam Côn Sơn cấp cho các nhà máy điện tại khu vực Đông Nam Bộ đang cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái từ 4-5 triệu m3/ngày. Vì vậy, ảnh hưởng của việc ngừng cấp khí PM3 Cà Mau tới công tác sản xuất điện đã được giảm xuống mức thấp nhất.

Sự cố rò rỉ đường ống khí PM3 Cà Mau trước đó cũng làm gián đoạn hoạt động cung ứng khí cho điện, đạm. Liệu thời gian tới, sau khi hết thời gian bảo dưỡng, việc cung ứng khí hoạt động trở lại có đảm bảo an toàn, liên tục?

- Thời gian qua, chủ khí Talisman gặp một số sự cố ngoài ý muốn làm ảnh hưởng đến việc cấp khí cho các hộ tiêu thụ nhưng đây là các sự cố trên phần thiết bị do nhà thầu nước ngoài quản lý, nằm ngoài tầm kiểm soát của PV GAS. Trong thời gian xảy ra sự cố của Talisman, PV GAS đã nỗ lực phối hợp cùng với chủ khí, liên tục có các văn bản cũng như các cuộc điện đàm đốc thúc Talisman sớm đưa thiết bị vận hành trở lại.

Trên thực tế công tác khắc phục sự cố vừa qua của Talisman đều được hoàn thành trước thời hạn dự kiến. PV GAS cũng đã tăng cường huy động các nguồn khí không bị sự cố, phối hợp chặt chẽ với các hộ tiêu thụ, đảm bảo thông tin liên lạc kịp thời, thực hiện điều tiết linh hoạt các nguồn khí, giảm thiểu tác động của các sự cố ngoài khơi đến các hộ tiêu thụ.

Mặc dù gặp khó khăn do sự cố của một số chủ khí, nhưng trong 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng khí cấp cho sản xuất điện cả hai khu vực Đông và Tây Nam Bộ vẫn đạt 4,5 tỉ m3, vượt 12,8% so với nghĩa vụ hợp đồng cung cấp khí cho các nhà máy điện. Trong thời gian tới, PV GAS sẽ tiếp tục duy trì vận hành an toàn, ổn định phần đường ống và thiết bị do mình quản lý, đồng thời yêu cầu phía nhà thầu nước ngoài tăng cường hơn nữa công tác duy tu, bảo dưỡng thiết bị để giảm thiểu nguy cơ sự cố, nỗ lực đảm bảo cung cấp khí tối đa cho sản xuất điện.
Xin cảm ơn ông!

Nguồn Lao Động


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới