Hủy

Vì sao tôm Thái Lan xuất khẩu ít gặp rào cản trên các thị trường khó tính?

Thứ Hai | 03/06/2013 14:02

Thái Lan dẫn đầu về xuất khẩu tôm trên thế giới nhưng ít khi phải đương đầu với rào cản “chất cấm” tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU.
 

Trên thực tế, số lô tôm Thái Lan bị cảnh báo trên các thị trường này ít hơn so với các nước khác và chất lượng tôm Thái Lan ổn định hơn.

Theo ý kiến của các chuyên gia và doanh nghiệp tại Hội thảo “Thực hành Nuôi trồng thủy sản tốt hơn và Thương mại Thủy sản Quốc tế” do VASEP tổ chức đầu tháng 5/2013 vừa qua, có thể tìm thấy nguyên nhân dẫn đến thành công của ngành nuôi tôm Thái Lan khi tìm hiểu chính sách quản lý theo chuỗi “từ trại nuôi tới bàn ăn” mà chính phủ Thái Lan áp dụng trong sản xuất thủy sản nói chung và ngành tôm nói riêng.

Từ nhiều năm qua, Thái Lan đã chủ động áp dụng chính sách quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với tôm nuôi theo chuỗi sản xuất. Bên cạnh các nội dung tiêu chuẩn kỹ thuật cốt lõi như GAP, CoC, GMP và HACCP, Thái Lan tập trung triển khai 5 chương trình kiểm soát hiệu quả và hỗ trợ nhau theo cách tiếp cận của an toàn thực phẩm, từ trại nuôi tới sản phẩm xuất khẩu là: chương trình kiểm soát dư lượng chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản và kiểm soát thức ăn thủy sản, chương trình truy xuất nguồn gốc, chương trình kiểm tra điều kiện sản xuất Nhà máy chế biến thủy sản, chương trình giám sát thẩm tra sản phẩm, hệ thống chứng nhận điện tử.

Cụ thể, Chương trình kiểm soát dư lượng các chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản được xây dựng theo tiêu chuẩn của EU nhằm loại bỏ việc sử dụng hóa chất và kháng sinh cấm trong nuôi trồng thủy sản. Chương trình truy xuất nguồn gốc từ trại nuôi tới nhà máy chế biến thông qua Hồ sơ vận chuyển. Việc vận chuyển tôm giống từ trại giống tới vùng nuôi và vận chuyển tôm nguyên liệu từ vùng nuôi tới nhà máy chế biến phải ghi rõ mọi thông tin như thời gian, địa điểm, mã số... trong Hồ sơ vận chuyển.

Chương trình kiểm tra điều kiện sản xuất Nhà máy chế biến thủy sản yêu cầu các nhà máy áp dụng GMP/HACCP. Tiến hành thanh tra toàn diện quy trình chế biến của nhà máy ít nhất 2 lần/năm. Sử dụng Hồ sơ vận chuyển cho việc truy xuất nguồn gốc tại nhà máy chế biến.

Ngoài ra, Chương trình giám sát thẩm tra sản phẩm được căn cứ trên mức độ đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà máy để xác định tần suất lấy mẫu kiểm tra sản phẩm. Đối với doanh nghiệp loại 1, cứ 3 tháng lấy mẫu 1 lần; với doanh nghiệp loại 2, cứ 2 tháng lấy mẫu 1 lần. Hệ thống chứng nhận điện tử được kết nối giữa các cơ quan quản lý/phòng kiểm nghiệm vùng hoặc trung tâm thông qua VPN (Mạng riêng ảo – Virtual Private Network). Có thể yêu cầu cấp chứng thư vệ sinh trực tuyến qua một hệ thống duy nhất.

Nguồn Báo Hải quan


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới