Hủy

Vicofa chỉ ra 3 điểm yếu của ngành cà phê Việt Nam

Thứ Hai | 12/08/2013 11:33

Theo ông Nguyễn Viết Vinh, tổng thư ký Vicofa, nếu không giải quyết những khó khăn hiện nay ngành cà phê sẽ đi vào bế tắc.
 

Thị trường cà phê thế giới đang trên đà phục hồi trở lại, giá những năm gần đây đều trên 2.000 USD/tấn. Tuy nhiên ngành cà phê Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam (Vicofa), sản xuất cà phê Việt Nam hiện nay đang gặp 3 khó khăn rất lớn và nếu không giải quyết được thì không những người dân, doanh nghiệp mà cả ngành cà phê Việt Nam sẽ đi đến "ngõ cụt".

Thứ nhất, vấn đề tái canh lại cây cà phê đang là vấn đề khó khăn nhất. Hiện nay lượng cây cà phê già tức là có tuổi đời trên 25 năm chiếm đến 30% trong tổng diện tích 520.000 ha cây cà phê đang khai thác của cả nước như vậy vào khoảng 130.000 ha. Những cây cà phê già cỗi này cho năng suất sản lượng thấp vì vậy vấn đề tái canh, trồng mới lại diện tích cà phê già cỗi là vấn đề bức thiết đề ra.

Thứ hai trong sản xuất cà phê Việt Nam chi phí đầu vào như phân bón, nông dược (thuốc bảo vệ thực vật - PV) đang tăng lên nhanh chóng. Tuy chưa có con số điều tra chính thức nhưng hiện nay chi phí sản xuất 1 kg cà phê của người nông dân khoảng 3.000 đồng, trong khi giá bán ra khoảng 3.800 đồng. Chi phí đầu vào sản xuất cà phê đang tăng lên tạo ra áp lực về giá bán ra gây khó khăn cho ngành sản xuất cà phê.

Thứ ba, sản xuất cà phê Việt Nam thiếu yếu tố ổn định về giá kể cả trong nước cũng như thị trường nước ngoài. Mặt hàng nông sản nói chung và đặc biệt là mặt hàng cà phê chịu tác động rất nhiều của giá cả quốc tế, đặc biệt phụ thuộc vào thị trường London và thị trường NewYork. Lúc ở mức giá cao nhưng có khi giá lại xuống thấp có năm xuống cả vài trăm USD.

Theo ông Nguyễn Viết Vinh, dù Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) đánh giá Việt Nam đã vượt qua Brazil để trở thành nhà xuất khẩu cà phê số 1 trên thế giới nhưng tình hình xuất khẩu vẫn khó khăn, bà con nông dân có lãi thấp. Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại đã cho rằng: "Ở thời điểm Việt Nam vào chính vụ thu hoạch cà phê nên xuất khẩu cao hơn Brazil, chứ không phải Việt Nam là số một về cà phê trên thế giới".

Ông Nguyễn Viết Vinh đề xuất phải có một quỹ riêng phát triển ngành cà phê để bình ổn giá đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Được biết hiện Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam vẫn đang đề nghị Chính phủ nên có một cơ chế tạm trữ cà phê một cách thường xuyên đặc biệt trong giai hiện nay.

Nguồn Báo Giáo dục Việt Nam


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới