Hủy

Việt Nam có thiếu gạo xuất khẩu?

Chủ Nhật | 17/08/2014 11:37

Hiện có hai luồng ý kiến trái chiều về sản lượng gạo tồn kho và nguy cơ thiếu gạo xuất khẩu.
 

Trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo từ các nước trong khu vực như Philippines, Malaysia và Indonesia đang tăng mạnh.

Đâu là con số chính xác?

Ông Huỳnh Thế Năng - Tổng giám đốc Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cho biết, lượng gạo dành cho nhu cầu Hiện có hai luồng ý kiến trái chiều về sản lượng gạo tồn kho và nguy cơ thiếu gạo xuất khẩu. hiện đã không còn nhiều. Theo phân tích của ông Năng, căn cứ vào báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì vụ Đông xuân có 4,15 triệu tấn gạo; vụ Hè thu 3,15 triệu tấn; vụ Thu đông dự kiến có 400.000 tấn; vụ mùa 200.000 tấn và tồn kho của năm 2013 chuyển sang 400.000 tấn thì tổng cộng chỉ có 8,3-8,4 triệu tấn gạo hàng hóa cần tiêu thụ trong năm nay.

Trong khi đó, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lũy kế xuất khẩu gạo từ đầu năm đến ngày 7/8/2014 đạt 3,669 triệu tấn. Ngoài ra còn có 1,6 triệu tấn đã được bán tiểu ngạch qua Trung Quốc (con số này ông Năng cho biết là theo Công ty CP Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam công bố).

“Như vậy, nếu tính luôn 2 triệu tấn đã ký hợp đồng nhưng đang chờ giao, thì coi như Việt Nam đã bán được hơn 7 triệu tấn gạo, trong khi lượng gạo hàng hóa cần tiêu thụ năm 2014 chỉ 8,3-8,4 triệu tấn”, ông Năng nói.

Tuy nhiên, con số 1,6 triệu tấn gạo xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc có thể chưa chính xác vì theo báo cáo của Ban chỉ đạo thương mại biên giới tuyến biên giới Việt - Trung, trong số các mặt hàng nông sản xuất sang Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2014, gạo là mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu lớn nhất với 529.000 tấn, đạt giá trị khoảng 198 triệu USD. Báo cáo của Ban chỉ đạo thương mại biên giới tuyến biên giới Việt – Trung cũng cho biết, hiện lượng gạo xuất qua đường chính ngạch sang Trung Quốc trung bình chỉ từ 30.000 - 70.000 tấn/tháng, nhưng lượng gạo xuất tiểu ngạch có thể lên tới 100.000 tấn/tháng, thậm chí cao hơn. Có tới 97% lượng gạo được xuất qua cửa khẩu phụ, khu vực thí điểm xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Ông Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, sau khi cân đối giữa lượng gạo đã xuất khẩu, tồn kho của năm 2013 chuyển sang và dự kiến sản lượng lúa sẽ thu hoạch thì còn khoảng 5 triệu tấn gạo hàng hóa cần được tiêu thụ từ nay đến cuối năm. Bên cạnh đó, theo kết quả báo cáo của 11/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL gửi về Bộ Công Thương thì lượng gạo đang tồn đọng ở khu vực này là rất lớn, khoảng 500.000 tấn trong thương lái và 800.000 tấn trong dân (quy gạo).
Nhu cầu lớn

Ông Huỳnh Thế Năng cho biết thêm, nhu cầu nhập khẩu của các nước hiện còn rất lớn. Ngoài việc thực hiện các hợp đồng đã ký, thì Vinafood 2 đang đàm phán bán tiếp tục cho Philippines thêm 500.000 tấn nữa. Đối thủ của Việt Nam trong cuộc đua cung cấp 500.000 tấn cho Philippines chỉ có Thái Lan. Bởi Ấn Độ không thể xuất gạo thông thường (gạo 5% tấm) được nữa vì từ đầu năm đến nay họ chỉ mới xuất được 5 triệu tấn (tương đương 25% dự trữ quốc gia) nhưng lạm phát đã tăng lên rất nhanh.

Còn Campuchia, Myanmar chỉ xuất các đơn hàng nhỏ lẻ nên không đáng lo ngại. Cũng theo ông Năng, dù Thái Lan đang là một ẩn số chưa rõ nhưng với quy định của Philippines chỉ mua gạo mới thu hoạch trong năm 2014 thì Thái Lan gần như không đáp ứng được. Ngoài ra Vinafood 2 cũng đang xúc tiến ký tiếp hợp đồng với Indonesia, Malaysia.

Theo đánh giá của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), việc quay trở lại của các thị trường châu Á sẽ tạo sự chủ động cho ngành lúa gạo trong nước, khi thị trường Trung Quốc vẫn luôn được các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam đánh giá là một thị trường khó lường, rủi ro cao. Bởi vậy, bên cạnh việc cung ứng tốt cho thị trường có nhu cầu lớn này, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần nỗ lực để vẫn giữ được những thị trường truyền thống của gạo Việt Nam và mở thêm những thị trường khác ở châu Phi.

Xu hướng xuất khẩu gạo cho đến hết năm 2014 vẫn chủ yếu là những loại gạo giá thấp như gạo 5% tấm và 15% tấm, còn việc đẩy mạnh xuất khẩu gạo thơm và gạo nếp vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do Việt Nam chưa thể cạnh tranh về chất lượng cùng loại gạo với những nước như Thái Lan và Ấn Độ. Tuy nhiên, việc xuất khẩu được những đơn hàng nhỏ sang Mỹ và Nhật Bản sẽ tạo tâm lý tự tin hơn cho những nhà xuất khẩu, từ đó chú trọng hơn vào chất lượng gạo và bảo quản, đóng gói, duy trì những điều khoản đã cam kết với các đối tác.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian gần đây, gạo Việt Nam rất được giá và có thời điểm, giá gạo Việt Nam còn cao hơn gạo Thái Lan. Nguyên nhân là thời gian qua, Thái Lan có lượng lớn gạo tạm trữ trong kho, vì nhu cầu xả hàng, cộng với việc gạo đã được tạm trữ trong một thời gian nhất định, chất lượng bị ảnh hưởng nên giá gạo được bán ở mức thấp. Bên cạnh đó, gạo Việt Nam lại có đặc điểm là hầu như được tiêu thụ trực tiếp ngay sau khi thu hoạch nên chất lượng đảm bảo và có sự “hút” hàng rất lớn. Việc này đã góp phần tạo lợi ích cho nông dân và DN trong việc đảm bảo lợi nhuận của mình.Để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo, Việt Nam đang ưu tiên xúc tiến thương mại gạo với một số thị trường truyền thống, tập trung (Indonesia, Philipines, Malaysia…) và một số thị trường khác như Trung Quốc, Singapore, Hồng Kông, châu Phi… Ngoài ra, những thị trường mới như Haiti, Mỹ La tinh, Mexico cũng đang được Bộ Công Thương quan tâm để phối hợp với các cơ quan, VFA cùng đẩy mạnh phát triển. Cho dù là thị trường nào thì điều quan trọng nhất mà Bộ Công Thương, Hiệp hội và DN đang đẩy mạnh thực hiện là làm sao nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật để tạo thuận lợi lớn nhất cho hoạt động xuất khẩu.


Nguồn Báo Hải quan


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới