Hủy

Việt Nam dẫn đầu Asean về số thương vụ M&A với Nhật Bản

Thứ Năm | 07/08/2014 17:33

Từ 2010, số các giao dịch M&A giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 69, tương đương với Thái Lan và lớn nhất trong số tất cả 9 nước thành viên Asean.
 

Chiều nay (7/8), tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2014, ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cấp cao Recof - một trong những công ty hỗ trợ M&A lớn nhất tại Nhật Bản đã trình bày triển vọng M&A giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Theo ông Yoshida, số lượng các giao dịch mua bán sáp nhập (M&A) giữa Việt Nam và Nhật Bản đang có sự sụt giảm mạnh khi 6 tháng đầu năm mới chỉ có 4 giao dịch diễn ra, so với con số 20 giao dịch của cả năm 2013. Từ năm 2010, số lượng các giao dịch M&A giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 69, tương đương với Thái Lan và lớn nhất trong số tất cả 9 nước thành viên Asean.

Tổng số thương vụ M&A của Nhật Bản với các nước khu vực Asean
Tổng số thương vụ M&A của Nhật Bản với các nước khu vực Asean

Khảo sát của JETRO trong năm 2013 cho thấy, doanh nghiệp Nhật Bản xếp Việt Nam đứng đầu khu vực Asean về chi phí lao động thấp, sự ổn định cao trong lực lượng lao động và chất lượng lao động cao. Đánh giá chung cho thấy Việt Nam tương đối thu hút với các nhà đầu tư nhờ nguồn nhân lực dồi dào và sự tăng trưởng của thị trường nội địa.

Năm 2013, số lượng các giao dịch M&A giữa Việt Nam và Nhật Bản diễn ra trong 12 lĩnh vực, mỗi lĩnh vực không quá 3 thương vụ. Trong đó, dẫn đầu là lĩnh vực dịch vụ, sau đó là xây dựng, thực phẩm, thông tin và truyền thông, bán lẻ, gốm thủy tinh...

Để vượt qua những khác biệt trong giao dịch, ông Yoshida đưa ra một vài lời khuyên cho doanh nghiệp Việt Nam khi giao dịch M&A với Nhật Bản như phải kiên nhẫn, không tiếp cận nhà đầu tư qua nhiều cố vấn, cung cấp thông tin chính xác tới nhà đầu tư Nhật.

Ông cũng lưu ý doanh nghiệp Việt Nam nên thuê một cố vấn tài chính có trình độ, hiểu được sự khác biệt trong phong cách kinh doanh và hải quan giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đồng thời, doanh nghiệp Việt Nam nên hiểu được giá cả không phải là tất cả mọi thứ trong các giao dịch M&A.

Trong "Làn sóng M&A lần thứ hai" - cổ phần hóa các Doanh nghiệp Nhà nước tại Việt Nam, theo ông Yoshida, các công ty Nhật Bản kỳ vọng có các giao dịch có quy mô tương đối lớn như các công ty có thị phần cao trong các ngành công nghiệp chủ chốt, tham gia và các ngành vốn gặp khó khăn để thâm nhập.

Nguồn Theo DVO


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới