Hủy

Việt Nam ETF: Cơ hội và thách thức

Thứ Tư | 08/04/2015 13:36

Diễn biến không lạc quan của Market Vectors Vietnam cho thấy Việt Nam cần nhiều cố gắng hơn nữa.
 

Những khoản đầu tư tốt sẽ dẫn đến lợi nhuận cao. Đây là kết luận của nhà đầu tư sau khi xu thế kích thích tiền tệ trên toàn thế giới đã khiến 17 thị trường chứng khoán lên mức cao kỷ lục trong quý 1/2015. Tuy nhiên, những thị trường không bị cuốn theo xu thế toàn cầu này thì có vẻ ít lạc quan hơn.

Thị trường Việt Nam là một ví dụ. Quỹ Market Vectors Vietnam ETF (VNM) đã giảm hơn 13% từ đầu năm đến nay và khoàng 25% trong 1 năm qua. Tuy nhiên, biểu hiện không lạc quan này có thể đại biểu cho những cơ hội trong dài hạn.

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng gần 8%/năm trong những năm 2000 nhờ sự tăng tốc trong công cuộc cải cách. Mặc dù vậy, tiến độ này đã chậm lại trong những năm gần đây, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm xuống còn khoảng 5%, thấp hơn một số quốc gia Châu Á khác. Vì vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bỏ lỡ xu thế tăng trưởng của thị trường thế giới trong 5 năm qua.

Tuy nhiên, những thay đổi trong chính sách năm 2015 sẽ giúp cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán có sự tăng trưởng mới.

Sự gia tăng hoạt động tư nhân hóa, vốn đã bị chậm lại trong vài quý gần đây, là một nguyên nhân. Theo Phó Chủ tịch Nikhil Bhatnagar của Auerbach Grayson, trong 6-9 tháng tiếp theo thì nhà đầu tư sẽ biết rõ những doanh nghiệp quốc doanh nào sẽ được cổ phần hóa ra công chúng. Qua đó giải tỏa lo lắng của nhà đầu tư về cam kết tư nhân hóa của chính phủ.

Chuyên gia Amrita Nandakumar của Market Vectors cho biết chính phủ Việt Nam đã xác định được hơn 500 “ứng cử viên” cho việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Một số doanh nghiệp trong danh sách trên, như ngành dược phẩm, có thể giúp đa dạng hóa danh mục của Market Vectors. Động thái điều chỉnh của Market Vectors sẽ không được thực hiện ngay do quỹ này tái cấu trúc đầu tư định kỳ theo quý.

Tỷ lệ đầu tư vào các công ty niêm yết trên sàn, chiếm hơn 50% lợi nhuận tại Việt Nam của Market Vectors, cho thấy kinh tế Việt Nam vẫn còn thiếu những cơ sở sản xuất nội địa. Rất nhiều những nhà máy lớn sở hữu bởi doanh nghiệp Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc.

Do đó, cổ phiếu ngành tài chính chiếm tỷ trong lớn trong danh mục đầu tư (42%), ngành tiêu dùng chiếm 28%. Chính phủ Việt Nam đang cố gắng phát triển ngành dầu khí, vì vậy cổ phiếu ngành năng lượng chiếm 16% trong quỹ.

Ảnh hưởng từ những nước lớn

Mặc dù Việt Nam bị ảnh hưởng bởi những nền kinh tế lớn hơn trong khu vực nhưng sẽ là sai lầm nếu cho rằng thị trường này sẽ thua trong cuộc đua kinh tế. Việt Nam có dân số khoảng 90 triệu người với độ tuổi trung bình là 30, thấp hơn rất nhiều so với 37 và 46 của Trung Quốc và Nhật Bản.

Để tận dụng được những điểm mạnh này, Việt Nam cần xây dựng một tầng lớp trung lưu phát triển, bắt đầu từ việc đào tạo tốt lực lượng lao động. Đáng chú ý là Việt Nam đứng thứ 17 trong Chương trình Phát triển Học sinh Quốc tế (PISD) về kỹ năng đọc hiểu, toán học và khoa học, cao hơn nhiều quốc gia khác như Australia, Áo và Pháp.

Nhà sáng lập Darshan Bhatt của Glovista cho rằng những ưu thế của Việt Nam như nhân khẩu học, giáo dục và vị trí địa lý (gần các tuyến đường biển quan trọng) là nguyên nhân khiến những công ty lớn như Samsung và Intel đầu tư mạnh vào đây. Bên cạnh đó, chi phí nhân công tại Trung Quốc đang tăng mạnh và Việt Nam hiện trở thành nơi thu hút làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tình hình địa chính trị cũng đang gia tăng sức hấp dẫn của Việt Nam. Chuyên gia Bhatnagar cho biết Việt Nam sẽ nhận được rất nhiều nguồn vốn phát triển từ Nhật Bản do những vấn đề địa chính trị trong khu vực.

Cũng đồng ý với quan điểm trên, bà Nandakumar dự đoán việc gia nhập Hiệp đinh Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), với tổng GDP của các thành viên chiếm 40% thế giới, sẽ thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. “Hiệp định này sẽ thúc đẩy mạnh ngành xuất khẩu của Việt Nam.”

Tuy nhiên, vẫn còn một khoảng cách rất lớn giữa tiềm năng và tình hình hiện tại của Việt Nam. Chuyên gia Bhatt cho rằng thị trường chứng khoán đánh giá khá khách quan giá trị các cổ phiếu, nhưng nhà đầu tư nước ngoài lại đang sợ hãi do tính thanh khoản yếu. Mặc dù vậy, ông cho rằng công cuộc tư nhân hóa sắp tới đây sẽ giải tỏa mọi khó khăn cho thị trường. “Động thái của chính phủ trong việc mở cửa nhiều lĩnh vực (để đầu tư) rõ ràng là một tín hiệu tích cực- tính thanh khoản đang dần được cải thiện.”

Ngoài ra, giá trị cổ phiếu mà quỹ đầu tư nắm giữ cũng khá hấp dẫn. Ông Nandakumar lưu ý rằng giá trị các cổ phiếu nắm giữ của VNM chỉ gấp 1,3 lần giá trị sổ sách, mức gần thấp nhất trong 5 năm qua và chỉ bằng một nửa so với Market Vectors Indonesia ETF (IDX).

Mặc dù tình hình hiện tại không quá lạc quan, nhưng quỹ đầu tư lại có cơ hội tốt trong dài hạn. Nền kinh tế Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng 6% trong năm nay, mức cao nhất kể từ năm 2011. Hơn nữa, kế hoạch tư nhân hóa các doanh nghiệp quốc doanh, gia tăng tiêu dùng nội địa và các thỏa thuận thương mại quốc tế có thể đem lại vị trí dẫn đầu trong tăng trưởng kinh tế tại những quốc gia mới nổi.

Hiện tại, quỹ Market Vectors Vietnam là quỹ ETF đơn thuần (thực hiện việc sao chép chỉ số với mục đích tracking error thấp nhất so với danh mục mẫu) đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nguồn NDH


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới