Hủy

Yếu điểm ngân hàng Việt: Những đánh giá trực diện

Thứ Bảy | 30/08/2014 15:58

Một loạt yếu điểm của hệ thống ngân hàng Việt Nam qua đánh giá của tổ chức quốc tế uy tín.
 

“Tiền đâu để thâu tóm ngân hàng?”, câu hỏi từng được đặt ra tại diễn đàn Quốc hội nay lại phảng phất một phần câu trả lời, có trong bản đánh giá toàn diện và sâu rộng về hệ thống ngân hàng Việt Nam vừa công bố.

Đây là bản báo cáo về kết quả Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) do Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam.

Bản báo cáo hoàn thành vào tháng 6/2014, nhưng đến nay mới chính thức được công bố. Các dữ liệu để nhóm công tác của hai tổ chức trên làm cơ sở phân tích, đưa ra đánh giá chủ yếu chốt vào cuối năm 2012, hiện đã có nhiều thay đổi sau hai năm (bao gồm cả nỗ lực thay đổi của các cấp quản lý, điều hành). Dù vậy, những yếu điểm của hệ thống ngân hàng Việt Nam mà họ chỉ ra một cách trực diện hẳn vẫn cần nhiều thời gian và nỗ lực nữa để xử lý.

Đầu tiên là con số về nợ xấu. Một lần nữa, khi mà sổ sách các ngân hàng báo cáo vẫn gọn gàng quanh mức 3%, thậm chí thấp hơn, thì báo cáo FSAP lại đề cập đến mức độ lớn hơn nhiều.

Theo báo cáo trên, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tích tụ một lượng lớn nợ xấu (NPL) được ước tính một cách thận trọng là 12% trên tổng dư nợ tại thời điểm cuối năm 2012.

Khuyến nghị đưa ra là việc kiểm toán tài chính đặc biệt đối với các ngân hàng sẽ cho kết quả đánh giá chính xác về NPL, nhu cầu cấp vốn bổ sung tương ứng và thông tin quan trọng để xây dựng các đề án xử lý nợ.

Về tín dụng, tăng trưởng được nhìn nhận ở diễn biến bất thường kể từ năm 2006, thể hiện qua việc tăng đột ngột rồi giảm mạnh. Năm 2007 tăng tới 54% (tương đương 20% GDP). Vào cuối 2008, do ảnh hưởng khủng hoảng toàn cầu, tín dụng và hoạt động kinh tế chậm lại. Ngay sau đó, việc nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ đã gây ra một đợt bùng nổ tín dụng khác vào năm 2009 và 2010.

Lo ngại về việc có thể đã thắt chặt quá mức trong bối cảnh môi trường toàn cầu suy yếu đã đưa đến một đợt nới lỏng mạnh chính sách khác trong năm 2012 bằng cách cắt giảm lãi suất chính sách và thực hiện một nhóm các biện pháp hành chính. Tuy nhiên, dù đã nới lỏng chính sách nhưng lần này tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp, phản ánh chất lượng bảng cân đối tài sản của các ngân hàng đã suy giảm và đòi hỏi phải giảm tỷ lệ đòn bẩy.

Một nội dung đậm nét trong kết quả của FSAP là tình trạng sở hữu chéo. Theo báo cáo đánh giá, hệ thống ngân hàng Việt Nam có đặc điểm là mức độ sở hữu chéo cao giữa các ngân hàng với nhau và giữa các ngân hàng và doanh nghiệp. Mức độ sở hữu này bao gồm sở hữu các ngân hàng thương mại cổ phần bởi các ngân hàng khác, bởi các tập đoàn kinh tế với cấu trúc chưa hiểu rõ được.

“Cơ cấu cổ đông phức tạp đã gây ra những quan ngại sâu sắc về xung đột lợi ích và hoạt động cho vay bên có quan hệ/liên quan nhằm tài trợ cho các dự án thiếu minh bạch. Cơ cấu này cũng dẫn đến tình trạng phóng đại vốn do cho vay mua cổ phần lẫn nhau và đã tạo điều kiện lách các quy định an toàn như giới hạn tập trung tín dụng”, báo cáo viết.

Đặc biệt, là tổ chức quốc tế từ bên ngoài nhìn vào, đoàn công tác của WB và IMF bày tỏ hoài nghi về chất lượng số liệu và báo cáo được công bố, từ đó định hình về hiệu quả hoạt động của hệ thống.

Cụ thể, họ hoài nghi: Kết quả hoạt động của khu vực ngân hàng đã xấu đi trong những năm gần đây và có lẽ còn kém hơn so với báo cáo. ROA bình quân của tất cả các ngân hàng giảm từ 1,8% năm 2007 xuống còn 0,5% năm 2012, trong đó con số 0,5% có vẻ là đã bị phóng đại do chất lượng số liệu tài chính còn thấp.

Nói một cách khái quát hơn, thì chất lượng số liệu tài chính thấp đã ảnh hưởng đến việc đo lường một cách chính xác hầu hết các chỉ số hiệu quả hoạt động như ROA, tỷ lệ NPL và các hệ số vốn.

“Yếu kém về số liệu bắt nguồn từ một số yếu tố như các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng còn chưa thỏa đáng (bao gồm cả việc phân loại các khoản nợ được tái cơ cấu), định giá tài sản thế chấp không đáng tin cậy và phân loại một số tài sản nhất định là thanh khoản cần đặt dấu hỏi.

Thêm vào đó, còn có những quan ngại về việc xác định giá trị các tài sản phi tín dụng lớn trên bảng cân đối của các ngân hàng, đặc biệt là xác định chưa đầy đủ các khoản đầu tư (một số khoản liên quan đến các nghiệp vụ nhằm báo cáo thấp NPL) và thiếu minh bạch khi báo cáo về các hạng mục khác như các khoản phải thu”, các chuyên gia của WB và IMF lý giải.

Và như họ đề cập ở trên, do tình trạng sở hữu chéo phổ biến nên hoạt động cho vay góp vốn mua cổ phần lẫn nhau cũng là nội dung cần lưu ý khi nói về sự yếu kém của số liệu báo cáo.

Chất lượng danh mục cho vay và mức vốn của một số ngân hàng là những vấn đề rất đáng lo ngại, theo đánh giá của FSAP.

Do những yếu kém về số liệu đã nêu ở phần trên nên số liệu báo cáo tài chính đã được điều chỉnh trên cơ sở các giả định không quá chặt chẽ. Việc điều chỉnh như vậy đã làm cho tỷ lệ NPL tăng lên 12% vào cuối năm 2012 và làm giảm mạnh tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của một số ngân hàng.

Kết quả kiểm định sức chịu đựng sử dụng các số liệu đã điều chỉnh cho thấy các ngân hàng có nguy cơ gặp phải rủi ro tín dụng và rủi ro tập trung cao. Phân tích độ nhạy với những thay đổi về giả định đã xác nhận các phát hiện chính mặc dù số liệu tài chính còn thấp và đòi hỏi phải dựa vào các giả định để tính toán đồng nghĩa với việc các kết quả ước tính khi kiểm tra sức chịu đựng có khoảng tin cậy rộng.

Bản báo cáo của chương trình FSAP còn đề cập đến nhiều vấn đề khác, liên quan đến những gạch nối quan trọng trong cơ cấu tổ chức quản lý, hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam, như với Bảo hiểm Tiền gửi (DIV), Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC), Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)…

Cùng đó là loạt khuyến nghị gắn với các lộ trình thực hiện để hướng tới khắc phục, hoàn thiện hệ thống tài chính Việt Nam.

Và quan trọng hơn, phía cơ quan quản lý Việt Nam đón nhận những đánh giá trực diện, những khuyến nghị cụ thể đó như thế nào?

Nguồn VnEconomy


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới