Hủy

Thêm ưu đãi, xe nội có bứt tốc?

Ngọc Minh Thứ Năm | 14/11/2019 16:00

Ảnh: Quý Hòa

Ngành ô tô Việt sẽ có thêm cạnh tranh với xe Lào, Myanmar, Campuchia.
 

Sau khi đi một vòng Triển lãm ô tô 2019, anh Nguyễn Văn Quang, Gò Vấp lại quyết định lên đời chiếc xe 4 bánh nhập khẩu với mức giá 1 tỉ đồng. Anh Quang cho biết: “Thời gian đầu, tôi định chọn xe trong nước nhưng thấy giá cũng không chênh quá nhiều nên quyết định mua xe ngoại”.

Xe ngoại đổ bộ ồ ạt

“Người tiêu dùng vẫn hướng đến dòng xe nhập khẩu, vì xe chạy tốt hơn”, ông Đinh Văn Dũng, quản lý một cửa hàng xe tại Hà Nội, chia sẻ. Tuy doanh số thị trường ô tô sản xuất lắp ráp trong nước vẫn luôn cao hơn ô tô nhập khẩu nhưng kể từ đầu năm đến hết tháng 9, tổng số xe lắp ráp bán ra lại giảm 13%, trong khi xe nhập khẩu tăng trưởng tới 150% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, ngành ô tô năm 2019 dự kiến sẽ nhập siêu hơn 3,4 tỉ USD. Trong những năm tiếp theo, kim ngạch nhập khẩu ô tô sẽ tiếp tục tăng theo nhu cầu sử dụng ngày càng cao.

 

Tính đến giữa tháng 10 vừa qua, tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô đạt hơn 2,53 tỉ USD. Thị trường ô tô Việt Nam đang bước vào một cuộc cạnh tranh quyết liệt hơn giữa dòng xe nhập và trong nước. Sau khi các hiệp định thương mại giữa Việt Nam với các nước ASEAN có hiệu lực, ô tô giá rẻ từ các nước Thái Lan, Indonesia ngày càng tràn vào Việt Nam. Cuộc cạnh tranh được dự báo là sẽ tiếp tục trong 7-10 năm tới.

Sắp tới các hiệp định giữa Việt Nam với EU, Nhật, Mexico... cũng giúp thị trường ô tô mở cửa với thuế về 0%, sẽ khiến thị trường ô tô Việt Nam càng thêm sôi động và thêm cạnh tranh. Theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam sẽ còn phải chịu sự cạnh tranh từ sự phát triển của các nước đi sau trong khu vực như Myanmar, Lào, Campuchia. Trong khi mục tiêu đặt ra đến năm 2020-2025, xe sản xuất trong nước đáp ứng 60-70% nhu cầu thị trường và nội địa hóa đến năm 2020 đạt từ 35-40%, đến năm 2021-2025 đạt 40-45%.

Trong nước, có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 680.000 chiếc/năm. Ngoài các hãng lớn nước ngoài hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước, một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi khép kín như câu chuyện của VinFast. Thị phần xe trong nước có Toyota Việt Nam, Trường Hải (Thaco) và TC Motor (Thành Công) hiện chiếm hơn 65% doanh số ô tô bán ra.

Dự báo, công suất lắp ráp trong nước có thể đạt 1 triệu xe/năm. Nếu không có các chính sách khuyến khích người dân sử dụng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thì ngành công nghiệp ô tô trong nước sẽ đầy khó khăn.

Xe nội còn lợi thế?

Lo ngại cuộc cạnh tranh với dòng xe trong nước, vừa qua, Bộ Công Thương cho biết đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất Chính phủ về chính sách cho vay ưu đãi để người tiêu dùng có thể mua ô tô trong nước nhằm kích cầu sản xuất nội địa.

 

Nhiều người Việt Nam mua ô tô vẫn phải vay ngân hàng. Theo thống kê từ các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam, cứ 10 người mua xe thì một nửa phải vay ngân hàng và chịu lãi suất khá cao. Chính sách mới đang được kỳ vọng sẽ giúp ô tô trong nước có lợi thế hơn trong cạnh tranh.

Khảo sát thị trường cho thấy, lãi suất cho vay mua ô tô ưu đãi của các ngân hàng dao động từ 7,4-9,6%/năm, tính cho 6 tháng đến 12 tháng đầu, sau đó sẽ thả nổi. Lãi suất được tính dựa trên lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ từ 3,5-4%/năm. Khách hàng mua ô tô có thể được vay tới 80% giá trị xe, có thể trả trong vòng 6 năm nhưng mức lãi vay này đang khiến nhiều người ái ngại.

Theo Bộ Công Thương, thị trường ô tô trong nước vài năm gần đây tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng. Cụ thể, với tốc độ tăng trưởng ổn định của thị trường xe con dưới 9 chỗ như hiện nay (trung bình 20-30%/năm), Bộ Công Thương cho rằng đến năm 2020, Việt Nam sẽ sớm vượt Philippines cả về sản xuất và bán hàng.

 

Một số dòng xe lắp ráp trong nước có thị phần bán ra khá cao như Vios của Toyota, như i10 của Hyundai (trước nhập khẩu nhưng gần đây chuyển sang lắp ráp). Trong khi đó, hơn 20 năm phát triển, công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn chủ yếu lắp ráp giản đơn với sản lượng thấp, đạt 250.000 xe/năm và mới chỉ có khoảng 2% dân số có ô tô.
Xu thế ô tô hóa tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng hơn nữa khi GDP bình quân đầu người vượt 3.000USD, hiện trung bình khoảng 50 xe/1.000 dân. Trong khi các nước khác như Thái Lan đạt 220 xe/1.000 dân.

Mặc dù vậy, dung lượng thị trường quá nhỏ, số doanh nghiệp lắp ráp lại quá nhiều so với quy mô thị trường sẽ là điểm nghẽn của ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam mặc dù nhiều chính sách hỗ trợ đã được đưa ra. Bên cạnh đó, giá bán cao vẫn là điểm cản trở của xe sản xuất, lắp ráp trong nước trong khi chất lượng thua xe nhập khẩu.

Ông Vũ Tấn Công, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cho rằng, doanh nghiệp trong nước không thể cạnh tranh được với xe nhập khẩu vì chi phí sản xuất ô tô Việt Nam cao hơn các nước khác từ 18-20%. Rõ ràng, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam phải tăng tốc nếu không muốn một quốc gia gần 100 triệu dân lại đi nhập khẩu quá nhiều ô tô.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới