Hủy
Công Nghệ

5 công ty Trung Quốc dẫn đầu về công nghệ nhận dạng gương mặt

Huy Khang Thứ Năm | 22/02/2018 13:25

Chicago Tribune

Tham vọng trở thành quốc gia hàng đầu về AI của Trung Quốc được thể hiện rõ nét qua hệ thống nhận diện gương mặt tại đất nước 1,4 tỉ dân.
 

Hệ thống nhận dạng khuôn mặt là các ứng dụng sinh trắc học công nghệ cao, có khả năng tự động xác định một cá thể từ cơ sở dữ liệu hình ảnh kỹ thuật số. Hệ thống này đang được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như an ninh công cộng, dịch vụ tài chính, vận tải và bán lẻ trên toàn Trung Quốc. Và nếu như AI của hệ thống này có thể theo dõi được cơ sở dữ liệu của gần 1,4 tỉ dân, thì chắc chắn rằng nó đang là một trong những AI tiên tiến nhất thế giới.

Công nghệ nhận dạng gương mặt đã len lỏi vào từng ngóc ngách đời sống người Trung Quốc vào năm 2017. Với mục đích giám sát công dân chặt chẽ hơn, Trung Quốc đã tích hợp công nghệ nhận diện khuôn mặt vào mạng lưới camera giám sát rộng khắp ở nước này, hiện đã lên đến con số 176 triệu camera, trong khi ở Mỹ chỉ có 50 triệu, theo kết quả điều tra của IHS Markit.

Theo ước tính mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Technavio, thị trường công nghệ nhận dạng khuôn mặt toàn cầu dự kiến sẽ đạt 6,5 tỉ USD vào năm 2021. Mặc dù thường bị lo ngại về vấn đề quyền riêng tư và chưa có nhiều quốc gia nào khác ứng dụng, nhưng các công ty đứng sau công nghệ nhận dạng gương mặt của Trung Quốc đã có kế hoạch tấn công thị trường này, nơi các sản phẩm và dịch vụ của họ sẽ được các tổ chức trong cả khu vực công và thương mại sử dụng. Dưới đây là 5 công ty startup đang thúc đẩy các tiến bộ trong công nghệ nhận dạng khuôn mặt của Trung Quốc, và có thể sẽ thống lĩnh thị trường toàn cầu một khi công nghệ này được phổ biến rộng rãi.

1. DeepGlint

Được thành lập vào năm 2013, DeepGlint là công ty AI chuyên về lĩnh vực khai thác tự động, phân tích hành vi và trích xuất các thông tin hữu ích từ một hình ảnh hoặc một chuỗi hình ảnh. Công nghệ DeepGlint độc quyền của công ty này được sử dụng trong hệ thống nhận dạng gương mặt tại Trung Quốc để tìm kiếm, phát hiện, theo dõi các loại phương tiện và người. DeepGlint còn đang nghiên cứu để ứng dụng kỹ thuật của mình vào công nghệ xe tự hành cũng như các hệ thống robot và y tế công nghệ sao.

Công nghệ phân tích hành vi DeepGlint

2. Megvii

Megvii có trụ sở tại Bắc Kinh, được thành lập vào năm 2011 bởi ba sinh viên tốt nghiệp đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh). Công ty này đã tạo ra Face++, nền tảng phần mềm nhận dạng khuôn mặt được công nhận là lớn nhất thế giới, đang được hơn 300.000 nhà phát triển ở 150 quốc gia sử dụng.

Face++ là nền tảng của nhiều ứng dụng phổ biến nhất Trung Quốc hiện nay, như dịch vụ thanh toán di động Alipay, công cụ chỉnh sửa ảnh di động Meitu, ứng dụng gọi xe Didi Chuxing… Công nghệ của Megvii cũng được sử dụng bởi Bộ công an, cơ quan giám sát cơ sở dữ liệu khuôn mặt của hơn 1,3 tỉ người Trung Quốc. Kể từ năm 2016, công nghệ này đã giúp cảnh sát Trung Quốc bắt giữ hơn 4.000 phạm tội.

5 cong ty Trung Quoc dan dau ve cong nghe nhan dang guong mat
 

Face++ là nền tảng phần mềm nhận dạng khuôn mặt lớn nhất thế giới

3. SenseTime

Được thành lập vào năm 2014, SenseTime đã trở thành công ty unicorn đầu tiên về công nghệ tại Hong Kong - sau khi hoàn thành vòng gọi vốn Series B vào tháng 7/2017. SenseTime hiện đang có trị giá hơn 2 tỉ USD sau khi được Alibaba đầu tư 227 triệu USD vào tháng 11/2017.

SenseTime hiện có hơn 400 khách hàng và đối tác chiến lược, bao gồm China Mobile, HNA Group, Wanda Group, Meitu, nhà sản xuất bộ xử lý đồ họa Nvidia, China UnionPay, Sina Weibo, China Merchants Bank và các công ty sản xuất smartphone như Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi.

4. Zoloz

Khi Trung Quốc chậm chân hơn về một công nghệ nào đó, họ sẽ tìm cách… mua luôn cả công ty đang sở hữu công nghệ đó. Zoloz là một ví dụ, khi công ty này có tiền thân là EyeVerify, được sáng lập tại Mỹ và có trụ sở tại Kansas City, Missouri. Vào năm 2016, EyeVerify đã có thỏa thuận tích hợp ID Eyeprint - công nghệ bảo mật sinh trắc học bằng mắt - vào hệ thống xác thực thanh toán của Alipay. Chỉ vài tháng sau đó, EyeVerify được bán cho Ant Financial của tỉ phú Jack Ma với giá 100 triệu USD.

5 cong ty Trung Quoc dan dau ve cong nghe nhan dang guong mat
 

Khách hàng cười vào máy quét để thanh toán tại KFC ở Hàng Châu

Vào tháng 8/2017, EyeVerify đổi tên thành Zoloz để phản ánh sứ mệnh của công ty tập trung vào mảng di động nhằm tạo ra công nghệ xác thực sinh trắc học hiện đại, có thể tích hợp toàn diện vào nhiều nền tảng, cho phép mọi người kết nối thông suốt qua tất cả các thiết bị và hoạt động. Zoloz tuyên bố đang có hơn 200 triệu người dùng trên toàn thế giới. Vào năm ngoái, công ty này đã phát triển ứng dụng "Smile to Pay” cho chuỗi KFC ở Hàng Châu, cho phép khách hàng cười vào máy quét để xác thực thanh toán tại quầy.

5. Yitu Technology

Được thành lập vào năm 2012, Yitu được biết đến nhờ phát triển công nghệ Dragonfly Eye System - một nền tảng cho phép quét và phân tích đặc điểm khuôn mặt nhằm có thể xác định một người từ cơ sở dữ liệu hàng tỉ người chỉ trong vài giây. Công ty này đã mở cửa văn phòng quốc tế đầu tiên tại Singapore vào tháng 1/2018 và đang hình thành mối hợp tác chiến lược với chính quyền địa phương và các tổ chức khác nhau ở Anh trong lĩnh vực an ninh, tài chính và chăm sóc sức khoẻ.

Nguồn SCMP


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới