Hủy
Công Nghệ

Ấn Độ đầu tư 15 tỉ USD vào ngành công công nghiệp bán dẫn

Lam Ngọc Thứ Năm | 07/03/2024 15:09

Đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực bán dẫn trong nước. Ảnh: CNBC.

Trong nhiều năm, Ấn Độ đã đặt mục tiêu trở thành cường quốc trong ngành công nghiệp bán dẫn.
 

Ấn Độ đã thông qua đề án phân bổ 15,2 tỉ USD để xây dựng ba nhà máy bán dẫn mới, bao gồm cả việc thành lập cơ sở sản xuất chất bán dẫn đầu tiên, nhằm cạnh tranh với Trung Quốc, Đài Loan và các quốc gia khác trong cuộc đua chip.

Chiến lược đầu tư

Điều đáng chú ý là mặc dù chip trí tuệ nhân tạo (A.I) hiện đang là chủ đề được nhiều sự quan tâm trong ngành công nghệ, nhưng không có nhà máy nào trong ba nhà máy này tập trung vào lĩnh vực đó của thị trường. Những nhà máy được xây dựng với mục tiêu tạo ra lực kéo mạnh mẽ trong các ứng dụng có mục đích chung.

Nội các Ấn Độ đã thông qua việc thành lập cơ sở sản xuất chất bán dẫn đầu tiên của đất nước do Tập đoàn Tata Group và Power Chip của Đài Loan thực hiện. Cơ sở sản xuất này sẽ được xây dựng tại vùng Dholera thuộc bang Gujarat. Cơ sở này dự kiến có khả năng sản xuất 50.000 tấm wafer mỗi tháng và mục tiêu sản xuất 3 tỉ chip mỗi năm cho nhiều phân khúc thị trường, bao gồm máy tính công suất cao, xe điện, viễn thông và điện tử công suất.

Ông Ashwini Vaishnaw, Bộ trưởng Công nghệ thông tin và Truyền thông Ấn Độ, cho biết việc xây dựng nhà máy bán dẫn sẽ bắt đầu trong vòng 100 ngày tới. Thông thường, một nhà máy bán dẫn cần ba đến bốn năm để hoàn thành quá trình xây dựng. Ông Vaishnaw bày tỏ, Ấn Độ sẽ rút ngắn thời gian xây dựng một cách đáng kể.

Ngoài ra, chính phủ Ấn Độ cũng thông qua khoản đầu tư 3,2 tỉ USD vào một đơn vị lắp ráp, thử nghiệm, đánh dấu và đóng gói chất bán dẫn dự kiến được thành lập ở bang Assam phía Đông Bắc do Tata Semiconductor Assembly and Test điều hành. Đây sẽ là đơn vị bán dẫn thứ ba của quốc gia và có khả năng sản xuất 48 triệu con chip mỗi ngày. Nhà mày này sẽ phục vụ cho bảy phân khúc thị trường: ô tô, xe điện, điện tử tiêu dùng, viễn thông và điện thoại di động.

Ông Vaishnaw cho biết, đơn vị Assam sẽ cung cấp chip cho nhiều công ty, bao gồm các công ty Ấn Độ, Mỹ, châu Âu và một số công ty Nhật Bản. “Sản phẩm này có tiềm năng xuất khẩu cũng như tiêu thụ rất tốt ở thị trường trong nước”, ông nói.

Bên cạnh hai nhà máy này, chính phủ Ấn Độ cũng phê duyệt khoản đầu tư 916 triệu USD từ Renesas Electronics của Nhật Bản và Stars Microelectronics của Thái Lan để hợp tác với công ty CG Power của Ấn Độ trong việc sản xuất chip chuyên dụng tại Sanand thuộc bang Gujarat. Nhà máy này sẽ sản xuất chip cho các lĩnh vực như quốc phòng, không gian, xe điện và tàu cao tốc. Cơ sở sản xuất chip chuyên dụng này sẽ có công suất sản xuất hàng ngày là 15 triệu chip.

Đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực bán dẫn trong nước. Trong nhiều năm, Ấn Độ đã đặt mục tiêu trở thành cường quốc trong ngành công nghệ này, nhưng một số nỗ lực lớn hơn của nước này đã không nhận được nhiều sự quan tâm.

Nỗ lực thu hút nhà đầu tư nước ngoài

Vào năm 2021, chính phủ Ấn Độ đã công bố chương trình khuyến khích trị giá 10 tỉ USD để thu hút sự quan tâm của các nhà sản xuất chip và nhà sản xuất màn hình. Tuy nhiên, kế hoạch này đã phải sửa đổi vào năm ngoái, sau khi các nhà đầu tư nước ngoài không mấy “mặn mà”.

Các lý do khiến các công ty nước ngoài không ủng hộ từ quy trình đăng ký phức tạp cho đến thiếu hệ sinh thái sẵn có. Các công ty lớn trên thế giới không tin tưởng Ấn Độ có đủ lao động chất lượng cao và điều kiện thuận lợi để xây dựng và vận hành các doanh nghiệp.

Theo nguồn thạo tin, chính phủ Ấn Độ đang cố gắng thuyết phục TSMC, nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, tham gia vào thị trường. Động thái này cũng khiến Qualcomm, MediaTek và Intel đưa ra nhiều kế hoạch hơn trong lĩnh vực bán dẫn trong nước. 

Chính phủ cũng cho biết các đơn vị mới này sẽ trực tiếp tạo ra 20.000 việc làm công nghệ tiên tiến và 60.000 việc làm gián tiếp.

Khi xem xét đà phát triển dài hạn của hệ sinh thái sản xuất chip của Ấn Độ, điều cần lưu ý là A.I không thực sự nằm trong mục tiêu của nước này. Nền kinh tế lớn thứ năm thế giới đang nỗ lực trong công cuộc phát triển các chất bán dẫn khác.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết chính phủ Ấn Độ đã phê duyệt gói ưu đãi trị giá 7 tỉ USD cho ba nhà máy bán dẫn mới được công bố và cơ sở Micron trị giá 2,75 tỉ USD , thông qua chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Narendra Modi vào năm ngoái. Công ty Mỹ đã cam kết đầu tư 825 triệu USD cho cơ sở này.

Nhìn chung, Ấn Độ đang tìm cách thu hút các nhà sản xuất bán dẫn nước ngoài bằng cách tạo điều kiện với những ưu đãi trị giá hàng tỉ USD. Foxconn và AMD là hai công ty đã công bố kế hoạch đầu tư để thành lập các cơ sở sản xuất tại nước này.

Ông Vaishnaw cho biết Ấn Độ có kế hoạch phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong vòng 20 năm. Quốc gia này hiện có khoảng 300.000 kỹ sư thiết kế đang làm việc trong lĩnh vực thiết kế chip cho các công ty toàn cầu.

“Chúng ta sẽ sớm chứng kiến nhiều sáng kiến bán dẫn khác từ chính phủ”, Bộ trưởng Vaishnaw nói.

Có thể bạn quan tâm:

Thị trường giao đồ ăn Trung Quốc đạt 208 tỉ USD

Nguồn CNBC


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới