Hủy
Công Nghệ

App sửa điện nước: Thị trường tỉ USD

Minh Lan Thứ Năm | 24/08/2023 07:30

Ra mắt vào cuối tháng 7/2023, FixME, app cung cấp dịch vụ sửa điện nước, đã có hơn 300.000 lượt xem, chia sẻ và hơn 3.000 lượt tải chỉ riêng tại TP.HCM.
 

“Tiềm năng của thị trường này vô cùng lớn. Nếu biết cách khai thác, có thể phát triển không kém các nền tảng giao đồ ăn công nghệ hoặc đặt xe”, ông Lê Thanh Bình, sáng lập FixME, nói. Tham vọng của ông Bình hoàn toàn có cơ sở. Thống kê từ Điện lực TP.HCM cho thấy, thành phố hiện có hơn 5 triệu căn nhà (chưa tính chung cư, tòa nhà), trong khi con số từ Cơ quan Cấp thoát nước là 3 triệu căn nhà đặt đồng hồ nước. Theo ước tính riêng của FixME, con số trên đồng nghĩa TP.HCM có từ 2-2,5 triệu máy lạnh. Ông Bình nhẩm tính, mỗi nhà có 1-2 máy lạnh, chi phí vệ sinh cho một lần khoảng 400.000-800.000 đồng, chỉ cần cung cấp dịch vụ giá cạnh tranh hơn, kèm theo nhiều ưu đãi, chắc chắn sẽ chinh phục được thị trường này.

Hoạt động theo hình thức kinh tế chia sẻ, huy động người lao động có tay nghề nhàn rỗi, app FixME hiện có khoảng 700 người lao động, trong đó thợ sửa chữa điện nước là gần 400 người, đều có bằng cấp nghề hoặc được kiểm tra đầu vào kỹ càng. Xuất thân là kỹ sư điện, từng làm nhiều công trình dân dụng có tiếng, ông Bình thuận lợi trong việc huy động thợ cũng như xây dựng đội ngũ nhằm kiểm tra đầu vào. Đội ngũ này hiện có 12 thành viên chủ chốt, đảm nhận các công tác kiểm tra tay nghề thợ trực tiếp. Bên cạnh đó, nhờ mối liên hệ với nhiều nhà cung cấp uy tín, ông Bình có thể cung cấp cho khách hàng các mặt hàng giá cả cạnh tranh nếu buộc phải thay mới thiết bị.

 

Trước FixME, từng có nhiều mô hình tương tự ra đời như Thế Giới Thợ, Rada, Thợ Việt, Home Services, Hi FPT... Nhiều mô hình được hậu thuẫn bởi các ông lớn như Thế Giới Di Động, FPT, Vietel VCC... Tuy nhiên, các startup này hoặc thất bại hoặc hoạt động cầm chừng. Mặc dù trên thị trường hiện vẫn còn khoảng hơn 20 app hoạt động nhưng không app nào gây tiếng vang hay vượt lên nổi trội.

Chuyên gia marketing Lê Anh Duy cho rằng, sở dĩ các mô hình app sửa chữa điện nước hay giúp việc nhà ra đời ồ ạt rồi thất bại là vì không giải quyết được bài toán an ninh cho gia chủ. “Khác với ứng dụng gọi xe hay giao đồ ăn, chỉ thuần về giao nhận, các mô hình app sửa chữa này liên quan nhiều đến yếu tố con người, bao gồm cả vấn đề đạo đức của người thợ cũng như sự an toàn của gia chủ khi cho người lạ vào nhà. Nhiều người rất e ngại vấn đề này”, ông Duy nói. Chị Phương Thùy (35 tuổi, quận 6) cho biết, nhà neo người, việc gọi thợ sửa đến nhà từ các trung tâm sửa chữa mỗi khi gấp gáp khiến chị vô cùng băn khoăn. “Việc đặt qua app khiến tôi lo thêm”, chị Thùy nói.

Ông Bình thừa nhận, đây cũng chính là vấn đề ông quan tâm và tốn nhiều công sức nhất khi xây dựng FixME. “10 năm trước, tôi đã nhìn thấy tiềm năng của thị trường nhưng cho đến bây giờ mới ra mắt, một khi không có sự chuẩn bị kỹ càng, có rất nhiều rủi ro không lường trước được”. Để giải quyết bài toán này, ông Bình huy động thợ theo 3 cách. Thứ nhất, từ những tốp thợ đã đồng hành cùng ông và đội ngũ trong các công trình xây dựng. Thứ 2, ông dựa vào lực lượng ghi đồng hồ điện nước tìm kiếm và giới thiệu. Thứ 3, ông cho nhân viên giới thiệu mô hình đến từng tổ dân phố tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Cách làm này ngốn của ông Bình hơn 50% chi phí trong tổng chi phí đầu tư cho app, nhưng giải quyết được phần lớn nỗi lo của ông cũng như khuyết điểm lớn nhất của mô hình.

Sự cạnh tranh lớn nhất, theo ông Bình, không đến từ các nền tảng khác mà đến từ lực lượng thợ truyền thống với thói quen tin tưởng người quen của người Việt. Do đó, cần tối ưu từ nền tảng công nghệ đến trải nghiệm người dùng. Chỉ riêng việc xây dựng app, ông Bình đã có 2 lần xây rồi lại bỏ, lại tiếp tục xây và bỏ vì trải nghiệm không mượt mà, quá phức tạp và không tiện dụng như ông hình dung. 

“Sau quá trình giới thiệu, chúng tôi kiểm tra tay nghề đầu vào. Song song đó là chụp ảnh cá nhân, lưu trữ các thông tin có liên quan đến lý lịch của người thợ. Công việc này đòi hỏi nhiều thời gian và công sức nhưng chúng tôi muốn đảm bảo cho khách hàng sự yên tâm nhiều nhất. Tôi không đảm bảo tránh được 100% rủi ro, nhưng ít nhất chúng tôi hạn chế và có giải pháp ngày từ đầu”, ông Bình chia sẻ.

Khách hàng sử dụng dịch vụ chụp ảnh, báo lên hệ thống vấn đề gặp phải. App sẽ đề xuất thợ nhận trong khu vực gần nhất, đáp ứng các yêu cầu của khách như bằng cấp, độ tuổi... Trong quá trình sửa chữa, nếu phát sinh ngoài yêu cầu đã báo, khách có thể gửi thông tin về bộ phận quản lý để có các bước phù hợp tiếp theo, tránh trường hợp thợ không trung thực. Trường hợp khách tự thỏa thuận với thợ, các bảo hành ngoài yêu cầu sẽ không được áp dụng. Sau khi sử dụng, khách có thể đánh giá, phản hồi về thợ tương tự các app công nghệ khác.

Ông Bình cũng tính đến trường hợp tự thỏa thuận giữa khách và thợ hoặc thợ sửa một lần sẽ để lại liên lạc cho khách trong những lần gọi tiếp theo. Tuy nhiên, ông cho rằng, con số này không nhiều. “Khách hàng chọn sự an toàn và ưu đãi, bảo hành về dịch vụ hơn là mạo hiểm chỉ để có chi phí rẻ hơn”. Hiện chi phí cho các khoản sửa chữa trên app không cố định, vì phụ thuộc vào yêu cầu sửa chữa khác nhau. App giữ lại khoảng 20% chi phí.

 

Không chỉ có sửa chữa điện nước, FixME còn kèm theo dịch vụ giúp việc nhà. Tuy nhiên, ưu tiên của ông Bình là nhắm vào thị trường sửa chữa điện nước. Bởi lẽ, theo số liệu của Spherical Insights & Consulting, chỉ riêng năm 2022, thị trường này đã đạt giá trị 50,26 tỉ USD, dự kiến đến năm 2032 sẽ đạt 138,9 tỉ USD với tốc độ tăng trưởng kép 10,7%.

Ông Bình đặt mục tiêu trong vòng 1 năm tới, FixME có thể đạt được 30.000 lượt tải, trong đó có hơn 15.000 lượt sử dụng thường xuyên tại 2 địa phương là TP.HCM và Phú Quốc. “Nếu chinh phục được mục tiêu này, tôi sẽ phát triển ứng dụng tại Úc”, ông Bình khẳng định. Về việc chọn Phú Quốc trở thành thị trường thứ 2, ông Bình cho rằng, Phú Quốc sở hữu nhiều đặc điểm tương đương với Úc, từ cách sinh hoạt, làm việc của người dân cho đến cách làm dịch vụ.

“Tôi chọn Úc làm thị trường tiếp theo vì thời gian làm việc tại đây, tôi nhận ra nhu cầu sửa chữa điện nước đầy tiềm năng nhưng hiện tại vẫn chưa có mô hình nào hoạt động. Quá trình triển khai tại Việt Nam giúp tôi nhận được các phản hồi trung thực nhất để hoàn thiện app cũng như có thêm kinh nghiệm và tự tin để chinh phục thị trường Úc”, ông Bình nói.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới