Hủy
Công Nghệ

Củng cố an ninh lương thực bằng công nghệ

Cẩm Tú Thứ Tư | 08/03/2023 16:34

Trang trại sử dụng nước khử muối để tưới tiêu ở Arab. Ảnh: CNBC

Các cường quốc đang trong cuộc đua ứng dụng công nghệ để tăng sức mạnh cho an ninh lương thực.
 

Sau cuộc khủng hoảng thiếu thịt gà năm 2022 khi bị Malaysia hạn chế xuất khẩu, Singapore càng ra sức thu hút các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm: Từ sản xuất thịt nhân tạo cho đến hàng hóa từ các "hải sản" được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, và cả bánh bao làm từ trái cây nhiệt đới thay vì thịt lợn.

Tính đến nay, Singapore thu hút được hơn 30 công ty thử nghiệm phát triển các sản phẩm thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm nhằm nỗ lực cải thiện an ninh lương thực. Công ty Eat Just có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất thịt nhân tạo lớn nhất châu Á ở Singapore vào cuối năm nay, với sản lượng hàng chục tấn.

Các sản phẩm thịt thay thế có nguồn gốc thực vật đang xuất hiện ngày càng nhiều tại các siêu thị và nhà hàng
Các sản phẩm thịt thay thế có nguồn gốc thực vật đang xuất hiện ngày càng nhiều tại các siêu thị và nhà hàng. Ảnh: Mashable SEA

Trong khi đó, công ty Avant Meats có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) đang có tham vọng sản xuất bong bóng cá, một loại thực phẩm cao cấp trong ẩm thực Trung Quốc, từ phòng thí nghiệm. Hiện Avant Meats đã nộp đơn cấp phép cho sản phẩm của mình tại Singapore và có kế hoạch xây dựng một nhà máy thí điểm để bắt đầu sản xuất vào đầu năm 2024. Hãng tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey dự đoán giá trị thị trường của ngành sản xuất thịt nhân tạo ở Singapore sẽ tăng lên 25 tỉ USD vào năm 2030.

Tại Nhật Bản, chính quyền tỉnh Ibaraki, nơi có sản lượng đánh bắt cá thu lớn nhất nước này đang thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quá trình nuôi cá thu trong lồng. Các nhà khoa học đã xây dựng một hệ thống camera dưới nước và các thiết bị khác để theo dõi nhiệt độ nước, tình trạng của cá, đồng thời sử dụng AI để kiểm soát thời gian và khối lượng thức ăn cho cá. Bằng cách sử dụng công nghệ mới, chính quyền tỉnh hy vọng sẽ phát triển một hệ thống cho cá ăn tự động để giảm thiểu thức ăn thừa, từ đó cắt giảm chi phí nuôi và bảo tồn môi trường biển.

đang thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quá trình nuôi cá thu trong lồng.
Nhật Bản đang thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào quá trình nuôi cá thu trong lồng. Ảnh: Japan News

Nhưng gây chú ý nhất hiện nay là dự án của một quốc gia phải nhập đến 90% lương thực. Năm ngoái, Chính phủ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã xây dựng một trang trại rộng 400 ha ở thị trấn Mleiha của Sharjah và sử dụng nước khử muối để tưới tiêu. Trang trại Mleiha dự kiến sẽ đạt sản lượng khoảng 1.600 tấn lúa mì/năm, một bước tiến tới mục tiêu lớn hơn của đại gia dầu mỏ này là tăng cường trồng trọt.

Trang trại không sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất và hạt giống biến đổi gene. Giới chức UAE cho biết, chi phí năng lượng để sản xuất 18.000m3 nước khử muối dùng cho tưới tiêu mỗi ngày sẽ tăng ít hơn khi dự án mở rộng quy mô lên tới 1.400 ha vào năm 2025 và tiến tới 1.900ha. Trang trại sử dụng trí tuệ nhân tạo và hình ảnh nhiệt để thu thập dữ liệu về thời tiết và thổ nhưỡng nhằm điều chỉnh tốc độ tưới và theo dõi quá trình tăng trưởng của cây trồng.

Các nhà khoa học Saudi Arabia  phát đã minh ra một hệ thống thông minh có khả năng sản xuất điện và nước
Các nhà khoa học Saudi Arabia đã phát minh ra hệ thống thông minh có khả năng sản xuất điện và nước. Ảnh: Forbes India

Các nhà khoa học Saudi Arabia cũng vừa công bố đã phát minh ra một hệ thống thông minh có khả năng sản xuất điện và nước, phục vụ cho việc phát triển cây trồng trên vùng sa mạc khắc nghiệt. Hệ thống thông minh này được đặt tên là WEC2P, viết tắt của hệ thống đồng sản xuất nước, điện, cây trồng. Theo đó, hydrogel sẽ hấp thụ nước có trong khí quyển, ngay cả ở những khu vực khô cằn nhất. Năng lượng mặt trời sẽ giúp làm nóng hydrogel và không khí xung quanh để tạo ra nước ngọt tưới cây.

Nhóm nghiên cứu đã trồng rau bina (rau chân vịt) trên sa mạc Saudi Arabia vào tháng 6 khi nhiệt độ ban ngày lên tới 550C. 57 trong số 60 hạt giống rau bina được trồng đã phát triển đến 18cm. Giới chuyên gia cho rằng, phát minh mới sẽ không chỉ giúp giải quyết vấn đề khan hiếm nước vốn tác động tới 400 triệu người ở riêng khu vực hạ Sahara của châu Phi, mà còn góp phần vào việc cải thiện an ninh nguồn nước và môi trường.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới