Hủy
Công Nghệ

Giáo dục đại học nắm bắt cơ hội từ AI

Cẩm Tú Thứ Tư | 10/05/2023 14:00

Tại các nước phát triển, sự kết hợp giữa công nghệ, Al và các vấn đề khoa học, học thuật thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính tạo ra những tiềm năng rất lớn cho sinh viên. Ảnh: CCS.

Để đào tạo đạt chất lượng, trường đại học cần nắm bắt các công cụ - ứng dụng AI, điều chỉnh chúng để đưa vào sử dụng cho vấn đề thực tế.
 

Tại hội thảo về AI mới đây, một số doanh nghiệp cho rằng hiện nay nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo của Việt Nam chỉ đáp ứng được phần nhỏ nhu cầu thị trường, dẫn đến khó khăn trong tuyển dụng. Để thực hiện được mục tiêu cung cấp cho xã hội đội ngũ kỹ sư có trình độ chuyên môn cao, giải pháp quan trọng là đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, thông qua các khóa học ngắn hạn hay đưa các môn học về chủ đề này vào chương trình đào tạo trong các trường đại học.

 

Phân tích về những cơ hội và thách thức trong đầu tư phát triển AI, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Torus AI cho biết: Trí tuệ nhân tạo là ngành mở ra rất nhiều cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên. Giới nghiên cứu dự đoán rằng AI sẽ tạo ra hơn 15 nghìn tỉ USD, tương đương với hơn 10% sản lượng kinh tế thế giới mỗi năm kể từ 2030.

Theo GS Dũng, điểm mạnh lớn nhất hiện nay là Việt Nam có một đội ngũ nghiên cứu trẻ về AI được đào tạo bài bản ở nước ngoài, đứng thứ hai Đông Nam Á về số lượng bằng phát minh sáng chế về AI. Điểm yếu của Việt Nam chính là hạ tầng dữ liệu và tính toán mới đang ở mức sơ khởi, dữ liệu dù có rất nhiều nhưng lại rải rác ở khắp nơi và nếu có dữ liệu thì chủ yếu chỉ ở dạng thô, chưa được xử lý và chuẩn hóa. Theo đó, muốn hưởng lợi nhiều từ AI thì Việt Nam phải đầu tư thật mạnh vào hệ sinh thái AI gồm nhiều yếu tố, lĩnh vực khác nhau, trong đó có phần cứng và phần mềm máy tính, điện toán đám mây, dữ liệu, thuật toán học máy, ứng dụng AI, thị trường người sử dụng, hệ thống luật lệ….

AI có thể được ứng dụng để dự đoán nhu cầu tuyển sinh trong tương la
AI có thể được ứng dụng để dự đoán nhu cầu tuyển sinh trong tương lai. Ảnh: PC Mag.

Ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm: Việc theo dõi, nắm bắt các công cụ và ứng dụng AI hiện đại, điều chỉnh chúng để đưa vào sử dụng cho các vấn đề thực tế sẽ giúp tăng năng suất lao động. Một ví dụ là nền tảng AI xử lý ngôn ngữ tự nhiên như ChatGPT (hệ thống chatbot dựa trên AI xử lý ngôn ngữ tự nhiên để tạo các cuộc hội thoại) đã xuất hiện rất nhiều ứng dụng chuyên môn hóa dựa trên nền tảng này, cho nhiều công việc khác nhau từ dịch thuật cho đến kê đơn thuốc, lập trình, sáng tác nghệ thuật…

Tại các nước phát triển, sự kết hợp giữa công nghệ, Al và các vấn đề khoa học, học thuật thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính tạo ra những tiềm năng rất lớn cho sinh viên, người học để có thể tiếp cận những cơ hội mới trong quá trình phát triển nghề nghiệp, cho các nhà nghiên cứu trong việc sáng tạo và hợp tác học thuật, hướng tới sản phẩm công bố quốc tế có thứ hạng cao trên thế giới. 

Đồng thời, ứng dụng AI có thể giúp các nhà quản lý giáo dục phân tích dữ liệu và đưa ra quyết định thông minh, hiệu quả hơn trong việc quản lý các hoạt động giáo dục. Ví dụ, họ có thể sử dụng công nghệ AI để phân tích dữ liệu về kết quả học tập của sinh viên và đưa ra các chương trình giảng dạy phù hợp, cá thể hóa đối với từng sinh viên. Họ cũng có thể ứng dụng công nghệ AI để dự đoán nhu cầu tuyển sinh trong tương lai và đưa ra các kế hoạch phát triển giáo dục.

Có thể bạn quan tâm:

Mỹ và Israel phát triển nghiên cứu y dược trên vũ trụ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới