Hủy
Công Nghệ

Greenhandshake gắn kết cộng đồng nhập cư tại Mỹ

Thứ Hai | 17/08/2015 12:39

“Mỗi năm có hơn 1 triệu người nhập cư đến Mỹ. Nhưng hiện chỉ có Greenhandshake là nơi đầu tiên lắng nghe và kết nối tới người họ cần”, Hoàng Sơn nói.
 

Trang tin Bloomberg đang giới thiệu một tiện ích mới mẻ dành cho người nhập cư. Ðó là mô hình khởi nghiệp công nghệ (start-up) Greenhandshake.com, giúp kết nối cộng đồng kiều bào đang sống tại Mỹ với người sắp nhập cư từ khắp nơi trên thế giới. Tại Greenhandshake, người mới đến Mỹ có thể nhờ đồng hương hỗ trợ những khó khăn thường gặp như thủ tục visa, tư vấn chọn trường cho con hay đưa đón ở sân bay… Dựa vào mô hình kinh tế chia sẻ, mỗi yêu cầu trợ giúp trên Greenhandshake đều đi kèm một mức phí riêng. Nhưng nhờ hình thức đấu giá, chi phí này được hạ thấp hơn hẳn so với phí dịch vụ của các công ty tư vấn.

Hoạt động từ tháng 12.2014, Greenhandshake hiện đã tập hợp được hơn 1.000 thành viên kiều bào Việt phủ khắp 50 bang, kể cả những nơi xa lục địa Mỹ như Hawaii và Alaska. Dù chưa hề quảng bá ra ngoài nước Mỹ, nhưng tháng nào mô hình này cũng xuất hiện trên 10 yêu cầu cần giúp đỡ từ dân mới nhập cư và du học sinh ngoài Mỹ. Theo Nguyễn Hoàng Sơn, cha đẻ của Greenhandshake, thì start-up này tin tưởng tuyệt đối vào tiềm năng phát triển trong lâu dài. “Mỗi năm có hơn 1 triệu người nhập cư và 900.000 du học sinh đến Mỹ. Nhưng hiện chỉ có mỗi Greenhandshake là nơi đầu tiên lắng nghe và kết nối tới người họ cần”, Sơn nói.

Nhập cư mới hiểu nhau

Greenhandshake hình thành từ chính trải nghiệm của Sơn trên hành trình nhập cư vào Mỹ. Năm 2009, một mình đến Mỹ học thạc sĩ và quyết chí lập nghiệp tại đây khi mới 23 tuổi, Sơn tận dụng mọi cách để chuẩn bị cho chuyến đi xa. Như nhiều du học sinh khác, anh tìm hiểu về Mỹ qua 3 kênh là diễn đàn internet, Facebook và công ty tư vấn. Trên diễn đàn và Facebook, thắc mắc thường nhận được rất nhiều câu trả lời nhưng nguồn khó xác thực. “Tôi bị rối vì biển thông tin mờ mịt trên Facebook và diễn đàn, nên cuối cùng đành tốn khá nhiều tiền tìm đến công ty du học”. Sơn nhớ lại.

Tốn tiền, nhưng theo Sơn, do nhân viên tư vấn chỉ biết lo khâu giấy tờ chứ chưa đi du học bao giờ nên rất khó cung cấp thông tin có ích. Vì thế khi đến California, Sơn phải mất một khoảng thời gian dài chỉ để tự ổn định cuộc sống do nhiều vấn đề phát sinh ngoài kế hoạch. Muốn nhập cư vào Mỹ, người mới đến còn bị bủa vây bởi rất nhiều rào cản như thiếu thông tin xin việc, bảo lãnh và làm visa. 

“Ðiều lạ là tôi nói đến những khó khăn trên xảy ra với người nhập cư, người Mỹ nào cũng ngạc nhiên. Nhưng họ lại khích lệ tôi hãy thử làm thứ gì để giúp nhau”, Sơn nhớ lại.

Thế là năm 2014, Sơn đầu tư 50.000 USD để xây dựng Greenhandshake theo mô hình kinh tế chia sẻ. Khác với các kênh tư vấn truyền thống, start-up này đóng vai trò trung gian phân loại và kết nối người mới đến với đồng hương tại Mỹ. Ngoài tư vấn đa dạng nhiều chủ đề qua internet, cộng đồng nhập cư còn có dịp tiếp xúc trực tiếp với nhau qua công việc đời thực như đưa đón, hướng dẫn viên du lịch, trợ giảng…

Mô hình sáng tạo

Greenhandshake hoạt động tương tự như một sàn giao dịch việc làm. Nhưng trên tinh thần cộng đồng, nhóm đăng việc (phía cần giúp đỡ) sẽ luôn cao hơn so với nhóm cần việc (phía muốn giúp). Do đó, suốt 1 năm đầu hoạt động, Sơn chỉ tập trung tập hợp đội ngũ nhập cư nhiệt tình giúp đỡ cộng đồng.

80% trong số 1.000 thành viên của Greenhandshake hiện là du học sinh từ các hội sinh viên ở nhiều trường đại học khắp nước Mỹ. Với 1.000 thành viên hiện tại, Sơn dự tính sẽ hỗ trợ được 35-40% lượng việc đăng tải trên Greenhandshake trong thời gian tới.

Greenhandshake áp dụng hình thức đấu giá chọn việc, nhưng tính cạnh tranh lại bị triệt tiêu hoàn toàn. “Dựa vào mức giá do người đăng đề xuất, các thành viên sẽ đấu giá. Nhưng họ sẽ không thấy giá của nhau để đè giá xuống”, Sơn chia sẻ.

Theo anh, giá thấp đi kèm chất lượng công việc kém. Ngược lại, người đấu giá được tự do đề xuất mức giá họ cảm thấy phù hợp với chất lượng dịch vụ cung cấp.

Chẳng hạn, cùng một việc đón ở sân bay. Người đăng việc sẽ nhận được 3 mức giá khác nhau từ các thành viên của Greenhandshake, tùy vào đi xe buýt, ôtô hay đi ô tô có kèm tư vấn chọn trường… Sau khi chọn giá phù hợp, người đăng việc sẽ thanh toán qua hình thức chuyển khoản hoặc PayPal. Chỉ khi công việc hoàn tất và xác nhận hài lòng từ họ, số tiền này mới được chuyển từ Greenhandshake đến người nhận việc. Ngược lại, người đăng việc sẽ được bồi hoàn 100% số tiền. Vừa nâng cấp xong phiên bản tiếng Trung, Greenhandshake cũng có dự định sẽ quảng bá dịch vụ tập trung vào thị trường Việt Nam, Trung Quốc và Đài Loan.

Đáp lại câu hỏi đến khi nào Greenhandshake mới phát sinh lời, từ mức phí 20% giữ lại trên mỗi việc hoàn thành. Sơn thoáng ngập ngừng: “Tôi chỉ mới nghĩ lấy 20% là đủ cho bộ máy chạy vững thôi chứ chưa tính tới chuyện có lời”. Tuy nhiên, anh lại cười và chỉ vào logo xanh ngọc của start-up: “Hai bàn tay nắm lấy nhau trong một trái tim là động cơ tôi sinh ra Greenhandshake. Thiếu tiền không giết chết mô hình này. Nhưng start-up này sẽ chết nếu thiếu cái tâm giúp nhau của cộng đồng những người nhập cư".

Đoàn Hoa


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới