Hủy
Công Nghệ

Libra tứ bề thọ địch

Thứ Ba | 30/07/2019 18:00

Ảnh: news.yahoo.com

Đồng tiền ảo của Facebook chưa ra đời đã phải đối mặt với nhiều sóng gió.
 

Sau khi bị phạt 5 tỉ USD vì những vi phạm về quyền riêng tư của người sử dụng, Facebook đã phải tiếp tục điều trần trước Quốc hội Mỹ để thuyết phục các nhà lập pháp về tương lai của đồng tiền mã hóa Libra.

Có thể thấy dự án Libra của Facebook đang nóng lên từng ngày dù chưa xuất hiện. Tờ The Washington Post mới đây đã lên tiếng cảnh báo tình trạng lừa đảo khi xuất hiện hàng loạt tài khoản rao bán đồng tiền mã hóa Libra của Facebook, với những hình ảnh và mô tả khá thuyết phục cùng nhiều tài liệu chi tiết.

Trước đó, Facebook công bố kế hoạch phát hành đồng tiền mã hóa Libra cùng sự xuất hiện của nhiều tên tuổi lớn trong lĩnh vực tài chính vào đầu tháng 6. Dự kiến ra mắt vào năm 2020, đồng Libra được mô tả sẽ giúp cho người dùng mạng xã hội dễ dàng giao dịch, chuyển tiền cho nhau nhờ công nghệ blockchain, phục vụ đối tượng khách hàng thậm chí không thể tiếp cận đến ngân hàng.

Libra tu be tho dich
 

Nhưng cũng từ đó, dự án Libra được nhiều cơ quan quản lý các nước đưa vào “tầm ngắm”, vì nhiều lo ngại rằng đồng tiền mã hóa này sẽ làm khuynh đảo thị trường tài chính xuyên biên giới, đặc biệt là giới chính trị gia, các nhà quản lý điều hành chính sách tiền tệ lớn trên thế giới và nhiều chuyên gia kinh tế lẫn thương mại.

Giữa tháng 7, David Marcus, Giám đốc dự án tiền số Libra của Facebook, đã phải ra điều trần trước các nhà lập pháp Mỹ về ý tưởng và kế hoạch phát hành đồng Libra. Hàng loạt các câu hỏi được đặt ra cho dự án tiền mã hóa non trẻ của mạng xã hội nhiều người dùng nhất thế giới, được điều hành bởi một cơ quan độc lập được có trụ sở tại Thụy Sĩ.

Một trong số mối quan tâm hàng đầu của các chính trị gia là hệ thống giao dịch của Libra nhiều khả năng sẽ bỏ qua hệ thống ngân hàng với những quy định dày đặc hiện hữu, từ đó có thể được sử dụng để rửa tiền và các hoạt động bất chính khác. Ở một khía cạnh khác, chuyện một nền tảng mạng xã hội sở hữu 2,4 tỉ người dùng có thể tiếp cận và sử dụng chung một đồng tiền mới cũng sẽ khiến nhiều người lo ngại.

Trong khi đó, đại diện dự án Libra của Facebook cho rằng người dùng Ví điện tử Calibra (chứa tiền Libra) sẽ phải được chính phủ xác thực danh tính, nhằm ngăn chặn hành vi rửa tiền hoặc các hoạt động bất chính. Trong tài liệu chuẩn bị cho cuộc điều trần trước đó, David Marcus cũng nói thẳng rằng Libra không có ý định cạnh tranh với bất kỳ loại tiền tệ chính thức nào, hay tham gia vào cuộc chơi chính sách tiền tệ, vốn là công cụ kiểm soát của các ngân hàng trung ương. Marcus cũng nhấn mạnh rằng, họ chỉ là một trong nhiều thành viên khác của tổ chức Libra (mỗi tổ chức đầu tư 10 triệu USD).

Trước phiên điều trần của Facebook, trong lần tweet của mình, Tổng thống Donald Trump có vẻ như không thích đồng Libra. “Nếu Facebook hoặc các công ty khác muốn trở thành một ngân hàng, họ phải có giấy phép ngân hàng và tuân thủ theo luật chơi, như nhiều nhà băng khác”, ông viết.

Sự lo ngại cũng đến từ FED khi trước đó, ông Jerome Powell, Chủ tịch FED cho biết đã gặp gỡ các đại diện của Facebook trong tháng trước. Quan điểm của FED đưa ra là hỗ trợ các công ty Fintech, miễn là các rủi ro liên quan được nhận định và quản lý phù hợp. “Các ngân hàng trung ương sợ rằng nếu đồng Libra được áp dụng rộng rãi, có thể đe dọa sự ổn định tài chính”, tờ The Economist nhận định.

Không chỉ có giới chức Mỹ muốn tìm hiểu thêm về Libra và ảnh hưởng của đồng tiền này với cả người tiêu dùng và hệ thống tài chính toàn cầu. Trên thực tế, Facebook cũng giống như nhiều công ty công nghệ khác, đang được các nhà quản lý và chính trị gia đưa vào “tầm ngắm”.

Libra tu be tho dich
 

Chẳng hạn, mới đây, Nhật thành lập đội điều tra những rủi ro về tiền ảo Libra của Facebook, sẽ trình bày vào cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) sắp tổ chức tại Pháp. Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh tại Nhật vào tháng 6, các nhà lãnh đạo G20 cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ và “cảnh giác” với những diễn biến mới trên thị trường tài chính, liên quan đến tài sản tiền mã hóa.

Theo Reuters, cuộc họp bộ trưởng tài chính G7 năm nay sẽ đặc biệt tập trung vào các loại tiền mã hóa đang dần tham gia vào dòng tiền chính thức. Vấn đề lớn nhất được đặt ra là làm thế nào để đảm bảo rằng các loại tiền tệ như Libra được sử dụng hợp lý.

Libra tu be tho dich
 

Tất nhiên, bên cạnh những nghi ngại, đồng Libra cũng nhận được những ý kiến đồng tình. Ông Mike Crapo, Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, cho rằng dù mọi chuyện chưa rõ ràng, nhưng mục tiêu mà Facebook hướng tới là đáng khen ngợi. Đó là nhóm người hiện không có khả năng tiếp cận ngân hàng chính thức. Cuộc tranh cãi về tính hiệu quả và những rủi ro đồng Libra mang lại sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Nhưng hướng đi tiếp theo thế nào rõ ràng phụ thuộc vào quy tắc mà các nước phát triển công nghệ đặt ra.

Trở lại câu chuyện Facebook bị phạt 5 tỉ USD, số tiền này chỉ chiếm gần 20% lợi nhuận từ hoạt động, gần tương đương với nhiều công ty công nghệ khác như Apple hay Google. Vì vậy, chuyện phạt tiền sẽ chẳng thấm vào đâu, nhưng phạt ngừng xử lý dữ liệu hoàn toàn thì sẽ làm các công ty này dễ tổn thương hơn, tờ The Economist bình luận.

(Tổng hợp)

Dũng Nguyễn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới