Hủy
Công Nghệ

Liệu Uber có nên dè chừng Hillary Clinton?

Thứ Tư | 15/07/2015 15:17

Những tuyên bố mới đây của bà Hillary Clinton lại tiếp tục làm dấy lên những câu hỏi pháp lý về các công ty như Uber hay Airbnb.
 

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống vào hôm thứ hai tại New York vừa qua, ứng cử viên hàng đầu của Đảng Dân chủ bà Hillary Clinton tuyên bố: "Tôi sẽ thẳng tay trừng trị những công ty lợi dụng nhân viên bằng cách chỉ ký hợp đồng nhà thầu độc lập hay thậm chí là đánh cắp đồng lương của họ".

Với bà Hillary Clinton, các công ty như Uber, Airbnb hay Etsy đang mở ra nhiều cơ hội cho người lao động kiếm thêm thu nhập. “Nhiều người Mỹ đang kiếm thêm tiền từ việc cho thuê lại các phòng trống trong nhà họ, thiết kế website, bán các sản phẩm mà họ thiết kế ở nhà hay thậm chí là làm nghề lái xe. Nền kinh tế theo yêu cầu (on-demand economy) hay còn gọi là nền kinh tế "thợ đụng" (gig economy) đang tạo ra những cơ hội thú vị và phát huy sức mạnh đổi mới." Tuy nhiên, bà Hillary cũng đặt ra nghi vấn: "Bên cạnh đó, nó cũng đặt ra các câu hỏi khó giải đáp về vấn đề an toàn lao động và liệu một công việc tốt trong tương lai sẽ là như thế nào".

Tuy bà không đề cập đến bất kỳ tên một công ty cụ thể nào nhưng những lập luận của bà khiến nhiều người liên tưởng đến các công ty như Uber, Airbnb và hàng trăm các dịch vụ chia sẻ vừa mới thành lập. Các dịch vụ chia sẻ này thường dựa vào các lao động tự do được ký hợp đồng dưới dạng nhà thầu độc lập (independent contractor) chứ không phải là các nhân viên có biên chế (employee). Lập luận của các công ty này cho rằng họ đang tạo ra điều kiện linh hoạt cho người lao động, nhưng cũng có nhiều ý kiến khác cho rằng những người lao động này đang bỏ lỡ những khoản phúc lợi mà đáng ra họ phải được hưởng.

Tuyên bố sẽ xiết chặt lại các lỗ hổng trong nền kinh tế chia sẻ của bà Hillary Clinton khiến đã làm dấy lên các bình luận rằng giới doanh nhân công nghệ ở Silicon Valley có thể sẽ quay lưng lại với bà. Đối thủ Jeb Bush của đảng Cộng hòa đã ngay lập tức phản pháo bà Hillary bằng cách tuyên bố sẽ sử dụng xe Uber cho đợt vận động tranh cử tới đây của ông tại "thánh địa" công nghệ San Francisco.

Ông Shawn Carolan, giám đốc điều hành quỹ Menlo Ventures hiện đang đầu tư vào Uber, nhận xét: “Những người đứng đầu chính phủ nên thấy hạnh phúc và tìm thêm các cách để khuyến khích loại hình kinh tế chia sẻ này”. Theo ông Carolan, “Đây là những việc làm có mức lương cao hơn mức lương tối thiểu và cho phép người lao động có giờ làm việc linh hoạt hơn”.

Trong khi đó, nhà đầu tư mạo hiểm John Lilly của Greylock Partners thì nhận định trên Twitter: "Bà ấy nói đúng, chúng ta cần quan tâm nhiều hơn vấn đề này”.

2 công ty dẫn đầu thị trường taxi tự do là Uber và Lyft đã từ chối bình luận về bài phát biểu của bà Clinton.

Từ lâu, đã có nhiều người lo ngại rằng nền kinh tế chia sẻ có thể bị biến tướng để tạo ra những doanh nghiệp khổng lồ nhưng không chịu trách nhiệm cho quyền lợi của người lao động. Điều này có thể dẫn tới sự hình thành một thế hệ người lao động không được bảo đảm phúc lợi xã hội đầy đủ cũng như không có việc làm ổn định, đe dọa phát triển kinh tế bền vững.

Mới gần đây, Sở Lao động bang California đã đưa ra phán xét rằng một cựu tài xế Uber phải được xem là nhân viên của công ty này, chứ không phải chỉ là nhà thầu độc lập. Nhiều công ty môi giới dịch vụ khác như Postmates, Shyp và Washio cũng đang đối phó với các vụ kiện đòi được quyền công nhận là nhân viên chính thức.

Để đối phó với các rủi ro về pháp lý, một số công ty như Shyp và Instacart đã chủ động tuyên bố sẽ ký hợp đồng lao động bán thời gian đối với một bộ phận nhân sự đang làm việc cho họ.

Đinh Hạnh

Nguồn Tổng hợp


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới