Hủy
Công Nghệ

Tham vọng sản xuất chip của Trung Quốc

Thứ Ba | 02/02/2016 08:30

Chính phủ Trung Quốc dự định sẽ tập trung một lượng vốn lên tới 100-150 tỉ USD cho lĩnh vực thiết kế, sản xuất và đóng gói chip.
 

Kể từ những năm 1970, Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần cố công xây dựng một ngành chip mũi nhọn cho nước mình. Nhưng những tham vọng này chưa bao giờ lớn và ngân sách cho mục đích này cũng chưa bao giờ “khủng” như vào lúc này đây. Khoảng nửa sau của thập niên 1990, Chính phủ Trung Quốc đã chi ra chưa tới 1 tỉ USD, theo Morgan Stanley.

Nhưng lần này, theo một kế hoạch quy mô được công bố vào năm 2014, Chính phủ nước này sẽ tập trung lượng vốn lên tới 100-150 tỉ USD cho các quỹ công và quỹ tư nhân. Mục đích là nhằm bắt kịp về công nghệ với các tập đoàn hàng đầu của thế giới vào năm 2030 trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất và đóng gói chip các loại, để không bị phụ thuộc vào nguồn cung nước ngoài. Vào năm 2015, Chính phủ Trung Quốc đã đặt ra thêm một mục tiêu: Trong vòng 10 năm Trung Quốc muốn sản xuất tới 70% chip được tiêu thụ bởi ngành công nghiệp nước này.

Đó là một con đường dài. Năm ngoái, các nhà sản xuất tại Trung Quốc, cả nội địa lẫn do nước ngoài sở hữu, đã tiêu thụ 145 tỉ USD giá trị chip các loại. Nhưng sản lượng của ngành chip nội địa Trung Quốc chỉ chiếm 1/10 giá trị nói trên. Trong một số loại chip giá trị cao như chip xử lý, vốn là bộ não của máy tính thì Trung Quốc phải nhập khẩu hoàn toàn.

Để đạt được giấc mơ ngành chip, Chính phủ Trung Quốc nhận ra rằng họ phải thâu tóm càng nhiều công nghệ của nước ngoài càng tốt. Trong những tháng gần đây, các doanh nghiệp quốc doanh và nhiều tổ chức thuộc chính quyền Trung Quốc đã ồ ạt đi thâu tóm, đầu tư hoặc hợp tác với các công ty chip nước ngoài.

Vào ngày 17.1 vừa qua, tỉnh Quý Châu đã công bố liên doanh với Qualcomm, một nhà thiết kế chip Mỹ, để đầu tư khoảng 280 triệu USD thành lập một nhà sản xuất chip chuyên dụng cho máy chủ. Quỹ đầu tư của tỉnh này sẽ sở hữu 55% trong liên doanh nói trên. Trước đó 2 ngày, các cổ đông của Powertech Technology, một công ty Đài Loan chuyên đóng gói và thử nghiệm chip, đã đồng ý cho doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc là Tsinghua Unigroup mua 25% cổ phần với giá 600 triệu USD.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng phát triển một ngành chip nội địa là một nhu cầu bức thiết mang tính chiến lược, nhất là xét trong bối cảnh nước này quá phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Một ví dụ là một lượng rất lớn chip nhập khẩu mà các nhà máy Trung Quốc tiêu thụ chỉ để sử dụng cho các thiết bị như iPhone của Apple và máy tính laptop của Lenovo, rồi sau đó được xuất khẩu ra nước ngoài.

Điều quan trọng hơn, phát triển ngành chip hoàn toàn phù hợp với chính sách chung của Chính phủ Trung Quốc trong việc chuyển từ ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động sang các ngành sạch hơn và mang lại giá trị cộng thêm cao hơn.

Theo Morgan Stanley, biên lợi nhuận của các công ty chip thành công thường ở mức từ 40% trở lên, trong khi máy tính, thiết bị và các phần cứng khác mà sử dụng chip lại thường có biên lợi nhuận chưa tới 20%. Vì thế, nếu các doanh nghiệp Trung Quốc thiết kế và sản xuất một lượng lớn hơn chip của thế giới và một ngày nào đó chiếm lĩnh một số tiêu chuẩn kỹ thuật quan trọng như Intel đã thành công với chip máy chủ và máy tính cá nhân, thì Trung Quốc sẽ hưởng một tỉ trọng lớn hơn lợi nhuận của ngành điện tử toàn cầu.

Trước đây, khi đẩy mạnh sản xuất trong nước các tấm pin năng lượng mặt trời và đèn LED, Trung Quốc đã quá hào phóng rót vốn vào nhiều công ty nội địa. Kết quả là nguồn cung dư thừa và giá giảm mạnh. Lần này, Trung Quốc dường như chỉ tập trung “đạn dược” cho một số ít các tập đoàn lớn của quốc gia. Chẳng hạn, SMIC của Thượng Hải dự kiến sẽ là nhà sản xuất lượng lớn các chip được thiết kế bởi các công ty khác, còn HiSilicon của Thâm Quyến (thuộc nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei) sẽ là một trong số ít những công ty được chọn trong lĩnh vực thiết kế chip. Đặc biệt, Tsinghua Unigroup đã vươn lên trong năm qua trở thành doanh nghiệp được chọn làm đối trọng với gã khổng lồ Mỹ Intel. Công ty này bắt đầu thu hút sự chú ý vào năm 2013 khi bỏ ra 2,6 tỉ USD mua 2 công ty thiết kế chip Trung Quốc là Spreadtrum và RDA Microelectronics. Đến tháng 5 năm ngoái, Tsinghua đã chi 2,3 tỉ USD mua 51% cổ phần trong H3C, thuộc Tập đoàn HP (Mỹ), chuyên sản xuất thiết bị mạng dữ liệu. Đến tháng 11, Tsinghua lại công bố phát hành cổ phiếu trị giá 13 tỉ USD để tài trợ cho dự án xây dựng một nhà máy chip nhớ khổng lồ.

Các doanh nghiệp Trung Quốc khác cũng đang vung tiền. Jiangsu Changjiang, một doanh nghiệp đóng gói chip, đã trả 1,8 tỉ USD vào năm 2014 để giành quyền kiểm soát STATS ChipPac, một công ty Singapore hoạt động trong cùng lĩnh vực. Vào năm 2015, JianGuang Asset Management (do Nhà nước Trung Quốc nắm quyền kiểm soát) cũng đã trả số tiền tương tự để thâu tóm một bộ phận của NXP (Hà Lan), vốn sản xuất chip chuyên dụng cho các trạm di động.

Nhưng không giống như cuộc thâu tóm các nhãn hàng tiêu dùng nước ngoài, cuộc thâu tóm các công ty chip của doanh nghiệp Trung Quốc lần này không phải lúc nào cũng được chào đón nồng nhiệt. Năm ngoái, Tsinghua đã ra giá 2,3 tỉ USD mua lại Micron, nhà sản xuất chip nhớ DRAM của Mỹ, nhưng vấp phải sự phản đối của giới chính trị. Tsinghua cũng đề nghị mua lại SK Hynix, nhà sản xuất chip DRAM và chip nhớ nhanh của Hàn Quốc, nhưng cũng bị khước từ.

Tham vọng chip của Trung Quốc cũng khó thực hiện hơn, bởi theo Douglas Fuller, Giáo sư Đại học Chiết Giang ở Hàng Châu, sự bão hòa của ngành chip toàn cầu trong những năm gần đây sẽ khiến cho Trung Quốc gặp nhiều trở ngại. Những kẻ thống trị trong lĩnh vực chip nhớ đã bám trụ vững vàng hơn, đặc biệt sau làn sóng sáp nhập thâu tóm gần đây. Và bản thân các con chip, với phần mềm được tích hợp, đang ngày càng trở nên phức tạp hơn, nghĩa là càng khó cho các doanh nghiệp Trung Quốc “làm chủ” được chúng. Tien Wu, Giám đốc Điều hành của Advanced Semiconductor Engineering (ASE), nhà đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới, cho biết thêm, ngày trước các doanh nghiệp Đài Loan bước được vào thị trường chip vì khi đó họ đang tận hưởng thời kỳ bành trướng mạnh mẽ, trong khi Trung Quốc sẽ khó thành công hơn trong bối cảnh tăng trưởng chậm hiện nay.

Muốn thành công, các doanh nghiệp chip Trung Quốc cần phải vượt qua 3 thách thức lớn. Theo Lee Wai Keong, đứng đầu ASM Pacific Technology, nhà cung cấp thiết bị cho ngành chip, trước hết, doanh nghiệp Trung Quốc phải chuyển đổi từ “văn hóa chi phí sang văn hóa cải tiến”. Và khi được hỏi liệu các doanh nghiệp như Tsinghua có thể mua được công nghệ tiên tiến, có lợi thế cạnh tranh thông qua các thương vụ thâu tóm thì ông nói rằng, “không có con đường tắt nào trong ngành chip”.

Các doanh nghiệp chip Trung Quốc cũng tụt xa đằng sau các tập đoàn toàn cầu trong lĩnh vực phát minh (HiSilicon là một ngoại lệ). Chỉ riêng Intel đã rót vào hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) gấp 4 lần số tiền toàn ngành chip Trung Quốc chi ra, theo ước tính của Christopher Thomas, chuyên gia phân tích thuộc hãng tư vấn McKinsey.

Ngoài rót vốn mạnh vào nghiên cứu, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng cần phải thu hút nhiều hơn các nhà khoa học và kỹ sư giỏi. Điều này không khó với lượng cung nhân tài từ Thung lũng Silicon. Nhưng nếu các doanh nghiệp như Tsinghua muốn thu hút họ, thì cần phải học cách cải tiến trên phương diện toàn cầu, chẳng hạn bằng cách điều hành nhiều trung tâm R&D trên khắp thế giới. Điều này lại dẫn đến thách thức thứ hai: nhu cầu chuyển sang lối tư duy kiểu toàn cầu. Đây là thách thức rất khó và cần nhiều thời gian.

Thách thức cuối cùng có thể cũng là thách thức lớn nhất: các nhà đầu tư vào các doanh nghiệp chip Trung Quốc cần phải sẵn sàng cho một hành trình dài và gian khó. Phân tích của hãng McKinsey cho thấy trên khắp ngành chip toàn cầu, cả trong lĩnh vực chip nhớ hay chip xử lý và trong việc thiết kế, sản xuất và đóng gói chip, chỉ có 1-2 công ty dẫn đầu trong mỗi lĩnh vực “ôm” trọn lợi nhuận, còn các công ty còn lại đều thua lỗ.

Một tấm gương mà Trung Quốc có thể nhìn vào nếu không muốn uổng phí 150 tỉ USD đầu tư của mình là Samsung. Samsung đã trở thành một gã khổng lồ trong ngành chip nhờ đầu tư mạnh vào R&D, gom về một lực lượng hùng hậu các tài năng công nghệ và chấp nhận mức sinh lời thấp trong nhiều năm trời.

Đàm Hoa

Nguồn The Economist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới