Hủy
Công Nghệ

Tiền mã hóa và cái giá phải trả của môi trường

Văn Quốc Thứ Ba | 29/06/2021 07:30

Tính toán mới nhất từ Đại học Cambridge cho thấy hoạt động đào bitcoin tiêu thụ lượng điện năng lên tới 133,68 TWh/năm.

Môi trường đang phải trả giá đắt cho sự phát triển bùng nổ của tiền mã hóa.
 

Ở 2 bên bờ hồ Seneca, New York, một công ty đầu tư tư nhân đã mua lại một nhà máy điện than không còn sử dụng và chuyển đổi công năng sang điện từ khí đốt. Sau đó, công ty này lại chuyển đổi thành cái mà nó gọi là “lai giữa nhà máy điện và công ty khai thác tiền mã hóa”. Greenidge Generation Holdings, đơn vị đứng đằng sau nhà máy này, dự kiến sẽ trở thành công ty đại chúng vào cuối năm nay và cho biết sẽ trở thành “công ty đào tiền mã hóa niêm yết ở Mỹ duy nhất có sở hữu nguồn điện riêng”.

Công ty cho biết rất tự hào vì không dựa vào than đá, dự kiến mua thêm các nhà máy điện khác và tăng cường quy mô khai thác tiền mã hóa. Tuy nhiên, các chuyên gia môi trường vẫn rất lo lắng trước lượng nhiên liệu hóa thạch dự kiến được đốt để khai thác tiền mã hóa (còn được gọi là tiền điện tử, tiền số hoặc tiền ảo) và đang thúc giục giới chức trách phải thẳng tay đối với dự án này và các dự án tương tự nhằm kìm hãm đà tăng mạnh của khí thải nhà kính, một nhân tố chủ yếu gây biến đổi khí hậu. 

Các thuật toán tiền mã hóa đòi hỏi công suất máy tính cực mạnh để xử lý các giao dịch, gây áp lực rất lớn lên lưới điện trong khi các hoạt động đào tiền mã hóa chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đây là một lý do để quan ngại về tác động môi trường của tiền mã hóa.

Elon Musk, CEO Tesla, là người rất thích tiền mã hóa khi sở hữu 1,5 tỉ USD đồng tiền này nhưng tháng 5 vừa qua tuyên bố ông đã đổi ý, không chấp nhận thanh toán mua xe Tesla bằng bitcoin - loại tiền mã hóa phổ biến nhất hiện nay. “Tiền mã hóa là một ý tưởng tuyệt vời ở nhiều khía cạnh và chúng tôi tin rằng nó có một tương lai đầy hứa hẹn, nhưng không thể vì thế mà bất chấp thiệt hại gây ra cho môi trường từ việc khai thác loại tiền này”, ông nói.

Sự bùng nổ tiền mã hóa thời gian qua cũng bắt đầu thu hút sự chú ý của chính phủ nhiều nước. Ngân hàng Trung ương châu Âu mới đây đã lên tiếng lượng carbon quá lớn mà các tài sản tiền ảo tạo ra là rất đáng lo ngại. Đầu tháng 5, Ngân hàng Trung ương Ý cho biết hệ thống thanh toán Tips của khu vực đồng euro có lượng carbon còn thấp hơn 40.000 lần so với hệ thống thanh toán bằng bitcoin vào năm 2019.

Tính toán mới nhất từ Đại học Cambridge cho thấy hoạt động đào bitcoin tiêu thụ lượng điện năng lên tới 133,68 TWh/năm - một con số đã tăng đều đặn trong suốt 5 năm qua. Mức tiêu thụ điện năng này cao hơn cả Thụy Điển, một quốc gia chỉ sử dụng 131,8 TWh vào năm 2020.

Mức tiêu thụ điện năng của bitcoin trên thực tế cao hơn rất nhiều vì tính toán của Đại học Cambridge dựa trên kịch bản các thợ đào tiền ảo sử dụng các loại máy tính tiết kiệm điện năng nhất trên thị trường. Mặt khác, kể từ tháng 11.2020, giá bitcoin đã tăng phi mã. Khi giá bitcoin tăng cao càng thu hút nhiều thợ mỏ mới tham gia đào bitcoin, trong khi nhiều người trong số họ sử dụng các thiết bị máy tính lỗi thời và ít tiết kiệm điện năng hơn (vì có ý nghĩa về mặt tài chính hơn).

Một nghiên cứu cũng cho thấy khoảng 65% hoạt động khai thác tiền mã hóa đến từ Trung Quốc, nơi than đá chiếm tới 60% tổng lượng điện năng. Dù rằng theo nghiên cứu năm 2020 của Cambridge, có khoảng 75% thợ mỏ có sử dụng một phần năng lượng tái tạo, nhưng 2/3 lượng điện năng mà họ tiêu thụ vẫn đến từ nhiên liệu hóa thạch. Một số hoạt động đào tiền mã hóa cũng không nằm trong lưới điện, nên càng khó theo dõi. Vì thế, lượng tiêu thụ điện năng của bitcoin trên thực tế có thể lên tới 500 TWh mỗi năm.

Bitcoin không phải là loại tiền mã hóa tiêu tốn điện năng duy nhất nhưng cho đến nay là lớn nhất. Các loại tiền mã hóa khác còn có litecoin, ether, dogecoin... Theo nghiên cứu vào tháng 3.2020 của tạp chí nghiên cứu năng lượng Joule, bitcoin đã chiếm đến khoảng 80% vốn hóa thị trường của tiền mã hóa và chiếm khoảng 2/3 lượng điện năng tiêu thụ. Những đồng tiền khác chưa được nghiên cứu nhưng cũng "đóng góp" không nhỏ vào việc gia tăng khí thải, theo báo cáo này.

Một số tiền mã hóa đang tìm cách chuyển sang mô hình khai thác sử dụng ít năng lượng hơn. Ether, chẳng hạn, đang tìm cách chuyển sang mô hình này trong hơn 2 năm qua nhưng dự án lại gặp trở ngại do các vấn đề kỹ thuật. Về mặt lý thuyết, một phiên bản bitcoin xanh hơn là khả thi. Nhưng điều này đòi hỏi mỗi thợ mỏ phải chuyển sang phương thức khai thác mới. Những người trong ngành cho rằng rất khó mà tưởng tượng toàn bộ cộng đồng khai thác tiền mã hóa sẽ ủng hộ một kế hoạch như vậy. Các ý tưởng khác (như định danh bitcoin nào là sạch hay dơ tùy thuộc vào loại năng lượng được dùng để khai thác nó) thì lại càng khó xác minh, thẩm định.

Hồi tháng 4, một tổ chức phi lợi nhuận đã tung ra sáng kiến toàn cầu Crypto Climate Accord nhằm thúc giục các doanh nghiệp tiền mã hóa phải chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Liên Hiệp Quốc đang tìm cách ngăn cản sự phát triển của tiền mã hóa làm suy yếu nỗ lực chống biến đổi khí hậu của tổ chức này và cũng đang ủng hộ sáng kiến Crypto Climate Accord, theo Nigel Topping, người được Chính phủ Anh chỉ định hợp tác với các doanh nghiệp về các mục tiêu khí hậu trước thềm đàm phán COP26 vào cuối năm nay. Tổ chức này không nhằm mục đích làm chậm lại những cải tiến về tài chính kỹ thuật số nhưng muốn đảm bảo rằng các dự án dựa trên blockchain trong tương lai được thiết kế sao cho tiêu thụ ít năng lượng hơn.

Mới đây, World Bank đã bác bỏ yêu cầu của El Salvador trong việc hỗ trợ triển khai áp dụng bitcoin như tiền tệ lưu thông hợp pháp do những quan ngại về ảnh hưởng môi trường từ việc khai thác bitcoin. Một số thành phố của Mỹ đã nỗ lực hạn chế hoặc cấm đào bitcoin. Tại Trung Quốc, tỉnh Thanh Hải và một số nơi khác đã yêu cầu các dự án đào tiền mã hóa phải đóng cửa...

Dù vậy, những người ủng hộ tiền mã hóa vẫn tin rằng lợi ích từ bitcoin vẫn vượt xa chi phí môi trường, rằng tiền mã hóa cung cấp nền móng cơ sở cho hệ thống tài chính của tương lai. Rõ ràng, những rủi ro môi trường từ tiền mã hóa vẫn không ngăn cản được sự nhiệt thành của một số tổ chức tài chính, dù họ vẫn cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Goldman Sachs, chẳng hạn, đã tái mở các giao dịch phái sinh bitcoin hay Morgan Stanley dự định cho khách hàng tiếp cận các quỹ bitcoin..


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới