Hủy
Công Nghệ

Xuất khẩu văn hóa qua board game Việt

Huy Vũ Thứ Năm | 14/03/2024 14:00

2 nhà đồng sáng lập Ngũ Hành Games, Nguyễn Thiện Toàn và Trần Ngọc Tuệ Mẫn (thứ 2 và thứ 3 từ trái sang). Ảnh: TL

Ngũ Hành Games đã làm được một việc ý nghĩa là đem một sản phẩm văn hóa của người Việt ra khu vực và được chấp nhận.
 

Nguyễn Thiện Toàn, đồng sáng lập Ngũ Hành Games, tham vọng đưa board game Việt Nam gia nhập ngành công nghiệp đã có hàng ngàn năm tuổi trên thế giới.

Lọt vào mắt xanh của nhà phát hành 

Toàn đang kiêm cả 2 chức vụ ở Ngũ Hành Games, đơn vị sáng tác board game do anh và vợ thành lập. Sáu sản phẩm do chính tay Toàn chỉ đạo mỹ thuật, một số do chính tay tự vẽ đã được phát hành ra thị trường Việt Nam, 3 trong số đó được bán qua đối tác phân phối ở Nhật và Đài Loan.

Hội Phố, board game bán cho các nhà phát hành Nhật, là sản phẩm mà Toàn ưng ý nhất. Trò chơi là một dạng chiến thuật lấy bối cảnh thế kỷ XVII, thời kỳ mà thương gia, lái buôn các nơi tập trung giao thương tại Phố cổ Hội An. Ngoài việc giao thương với nhau, các thương gia còn phải giành được hợp đồng từ triều đình. Người chơi sẽ vào vai chủ thương hội, điều hành 12 thương nhân được tượng trưng bằng 12 con giáp với các chức năng riêng biệt và tìm cách giành 3 bản hợp đồng từ triều đình để chiến thắng chung cuộc.

Cách chơi hấp dẫn, có tính cạnh tranh cao cùng với các địa điểm, hoạt động văn hóa phổ biến của Hội An được lồng ghép khéo léo thông qua các lá bài chính là nguyên nhân Hội Phố lọt vào mắt xanh của nhà phát hành Nhật. Thậm chí, BoardGameGeek, website được ví như Google trong ngành board game, cũng nhắc tên Hội Phố. “Nhìn chung, người châu Á rất thích các trò chơi có tính cạnh tranh, mua bán”, Toàn chia sẻ.

Một lý do khác khiến Hội Phố là sản phẩm Toàn ưng ý nhất hiện nay vì đó cũng là phao cứu sinh của Công ty sau dự án đầu không mấy thành công và nhiều giai đoạn khó khăn sau này. Có vốn từ Hội Phố, anh tiếp tục các game sau và hồi sinh Lên Mâm, board game nấu ăn với hơn 100 thẻ bài chia sẻ cách nấu các món ăn dân gian của Việt Nam và được dịch sang tiếng Anh.

Đặc biệt là Du Ký, board game đầu tiên của Ngũ Hành Games được mua bản quyền bởi công ty Singapore và rất được ưa chuộng tại Đài Loan. Cũng phải nói thêm, Ngũ Hành là đơn vị đầu tiên của Việt Nam sáng tạo ra các board game và xuất khẩu sang các nước trong khu vực.

“Đối với một công ty 4 năm tuổi mà trong đó hết 2 năm là vướng dịch bệnh thì đó là khởi đầu không tệ với chúng tôi”, Toàn nói.

Theo Statista, doanh thu ngành board game toàn cầu dự kiến đạt hơn 8,3 tỉ USD trong năm 2023. CAGR giai đoạn 2023-2028 ước đạt 3,58%. Mỹ vẫn là quốc gia tiêu thụ board game nhiều nhất với 2,6 tỉ USD trong năm 2023. Số liệu này không bao gồm game bài như poker, tarot, các trò chơi xếp hình, sudoku hay các phiên bản kỹ thuật số của cờ tỉ phú, cờ vua...

Ngành công nghiệp ngàn năm tuổi

Toàn tiếp xúc với board game từ thời học trung học với các sản phẩm quen thuộc như Ma Sói, Uno... nhưng đến khi trong một dịp thăm người thân ở bên Úc, anh mới bất ngờ về ngành công nghiệp này. “Tôi vẫn còn nhớ lúc bước vào cửa hàng board game, nó rất rộng, phải có hàng trăm sản phẩm tôi chưa từng biết được trưng bày”, Toàn nhớ lại.

Học ngành tài chính, nên Toàn rất nhạy với các con số, nhìn lượng trưng bày lớn như vậy nhiều câu hỏi về xuất xứ, mô hình kinh doanh của trò chơi này bắt đầu hình thành trong đầu anh.

Theo Wikipedia, board game cổ nhất được phát hiện ở Ai Cập có từ năm 3.500 trước công nguyên. Qua từng thời kỳ, chúng được phân thành 3 loại là nhập vai, chiến tranh (đi lên từ quý tộc châu Âu dùng sa bàn mô phỏng chiến tranh) và cuối cùng là board game đại chúng (tất cả các trò chơi đặt trên bàn cờ, sử dụng lá bài, xí ngầu, quân cờ... để hỗ trợ cho người chơi).

Đối với dòng thứ 3, là dòng phổ thông nhất hiện nay có 100 thể loại và 200 cơ chế vận hành (đổ xí ngầu, chia bài, chia tiền, mua bán...). Board game phổ biến nhất thế giới và ở Việt Nam ai cũng biết là cờ tỉ phú, được làm ra cách đây hơn 130 năm.

Nhưng lúc đó Toàn chỉ dừng ở việc tìm hiểu, sau vài dự án khởi nghiệp không thành công, anh mới bắt đầu suy nghĩ về việc khởi nghiệp với sở thích hồi trung học. Tham khảo trên BoardGameGeek, Toàn nhận ra các board game về Việt Nam chỉ có 2 sản phẩm và tất cả đều về chiến tranh. “Chúng tôi không đồng ý điều này, vì Việt Nam có nhiều điều thú vị có thể chia sẻ với thế giới hơn ngoài chiến tranh”, anh nói.

Thời điểm đó board game ở Việt Nam phần lớn là của nước ngoài, được các đơn vị mua bản quyền, dịch thuật lại và phát hành trên thị trường. 2 lý do này là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của Ngũ Hành Games, đó là vào năm 2019.

Thoạt đầu, Toàn nhẩm tính board game cơ bản vẫn là ngành in, với tỉ suất lợi nhuận gộp có thể đạt hơn 50% giá thành sản phẩm, như vậy phần dành cho tiếp thị, chia sẻ với kênh phân phối sẽ đủ hấp dẫn. Đây là yếu tố quan trọng giúp đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng dễ dàng hơn.

Nhưng Toàn đã tính sai, in thẻ bài trong board game không giống như in sách, vốn có sẵn các khuôn cùng kích cỡ. Board game thì khác, ứng với mỗi dòng sản phẩm sẽ có kích cỡ thẻ bài khác nhau.

 năm 2022 Toàn đưa sản  phẩm của Ngũ Hành Games tham gia các hội  chợ board game trong khu vực, nhờ vậy anh  tìm được các đối tác nước ngoài hiện nay. Ảnh: TL
Năm 2022 Toàn đưa sản phẩm của Ngũ Hành Games tham gia các hội chợ board game trong khu vực, nhờ vậy anh tìm được các đối tác nước ngoài hiện nay. Ảnh: TL

Quan trọng hơn, yêu cầu hoàn thiện của thẻ bài rất cao, nếu in mờ một vài thẻ thì xem như mất giá trị toàn bộ sản phẩm. Thu nhập tác giả trong ngành board game phụ thuộc vào quy mô sản phẩm bán ra với khoảng 3-7% doanh thu sản phẩm ở khu vực châu Á, 5% đối với Mỹ và châu Âu. Chính vì thế, các thị trường non trẻ như Việt Nam không đủ hấp dẫn trong mắt các tác giả phát triển game.

Đó cũng là lý do Toàn từ người học về tài chính kiêm luôn vai trò họa sĩ để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, sản phẩm đầu chưa có quy trình rõ ràng dẫn đến đội chi phí in cùng thị trường Việt Nam bị cạnh tranh mạnh bởi các sản phẩm in lậu đã khiến sản phẩm đầu tiên của Ngũ Hành Games là Lên Mâm lỗ nặng khi chỉ một nửa trong 300 bản phát hành được tiêu thụ.

Nhưng đó cũng là bài học để Toàn tối ưu lại quy trình in ấn, đầu tư nhiều hơn cho sản phẩm. Anh bắt đầu đem sản phẩm đến chào các cửa hàng quà lưu niệm ở khu du lịch, gõ cửa các nhà sách lớn. Kết quả, Fahasa chấp nhận đưa sản phẩm của Ngũ Hành vào hệ thống toàn quốc, các cửa hàng lưu niệm, nhà sách ở khu du lịch từ Nha Trang và TP.HCM phần lớn đều có sản phẩm của Ngũ Hành. Chưa dừng lại ở đó, năm 2022 Toàn đưa sản phẩm của Ngũ Hành Games tham gia các hội chợ board game trong khu vực, nhờ vậy anh tìm được các đối tác nước ngoài hiện nay.

Bước nhỏ, nghĩ lớn

Hiện nay, với 5 nhân sự vận hành tính luôn cả Toàn, các sản phẩm của Ngũ Hành Games đã được lên kế hoạch phát hành tới năm 2025. Trung bình mỗi năm, Công ty sẽ cho ra 3 game mới với số lượng phát hành khoảng 1.000 sản phẩm/game. Với giá bán trung bình 300.000 đồng/sản phẩm, doanh thu của Công ty là rất khiêm tốn so với ngành nghề khác, nhưng cái Toàn làm được thì không hề nhỏ: đem một sản phẩm văn hóa của người Việt ra các nước trong khu vực và được người tiêu dùng chấp nhận.

Toàn vẫn còn nhớ thời gian đầu, anh rất khó có thể giải thích cho gia đình, những người thuộc thế hệ 7x, hiểu được board game là gì và vì sao có những khách hàng sẵn sàng mua nó. Chỉ đến khi sản phẩm của Ngũ Hành Games được các nhà phát hành trong khu vực mua bản quyền, việc anh làm mới được ghi nhận. Cũng đã có các nhà đầu tư ngỏ ý đồng hành cùng Ngũ Hành Games vì lý tưởng anh theo đuổi nhưng Toàn chỉ dừng ở việc tạo mối quan hệ.

Ngành này rất lạ, Toàn nói, không thể dành tình yêu hoàn toàn cho một sản phẩm thành công vì có thể giết chết nó hoặc bóp nghẹt cơ hội cho các sản phẩm khác. Tương tự như chính Toàn dù rất yêu thích Hội Phố nhưng anh luôn sẵn sàng tạo ra các sản phẩm thay thế nó trong tương lai. “Tôi sợ không nhiều nhà đầu tư chấp nhận suy nghĩ này”, Toàn nói.

Toàn vẫn có tham vọng riêng, bất cứ nhà phát hành board game nào cũng đều hướng tới phát hành một bộ TCG (trading card game). Về cơ bản, đây là board game song đấu nên tính cạnh tranh và hấp dẫn cực kỳ cao. Yêu cầu của trò chơi là người chơi phải sưu tầm những quân bài với thuộc tính khác nhau để giành ưu thế trong các trận giao đấu. Việc sưu tầm các thẻ bài có thể đến từ trao đổi với bạn bè hoặc mua từ nhà phát hành. Đặc biệt là việc mua từ nhà phát hành, giá trị càng cao càng có cơ hội nhận các lá bài mạnh.

Magic: The Gathering là TCG tượng đài đầu tiên của thể loại này kể cả cách chơi và cách nó đem về lợi nhuận cho công ty chủ quản. Phát hành năm 1993 bởi Wizards of the Coast, tính đến nay nhà phát hành này đã cho ra đời hơn 20 tỉ lá bài. Năm 2022 trò chơi này mang về hơn 1 tỉ USD lợi nhuận cho công ty chủ quản của nó.

Nhưng Toàn hiểu đó là con đường xa và có nhiều cột mốc cần vượt qua. Trước mắt anh đang hướng tới giải Spiel des Jahres của Đức, được ví như giải Oscar trong ngành board game. Trong ngắn hạn, Công ty sẽ thử sức với các sản phẩm song đấu để học hỏi kinh nghiệm trước khi bước vào sân chơi TCG. Trong con đường chông gai đó, thỉnh thoảng anh và các cộng sự lại gặp được những niềm vui nho nhỏ, đó là nhiều người chơi từ cấp 2 trở lên ở Việt Nam đã bắt đầu biết đến các sản phẩm của Ngũ Hành Games và rất thích chúng. “Không có gì tuyệt vời bằng sản phẩm của bạn là tuổi thơ của nhiều người”, Toàn nói.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới