Bán thép trực tuyến qua Mỹ, được không?
Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng các hình thức bán hàng trực tuyến và đạt được nhiều thành công. Tuy nhiên, đối với ngành vật liệu xây dựng ở Việt Nam, cách thức mua hàng truyền thống vẫn còn rất phổ biến và rất ít doanh nghiệp tham gia mô hình trực tuyến. Cuối năm ngoái, Tôn Hoa Sen triển khai bán hàng trực tuyến, đây là bước đầu cho hình thức bán lẻ của tập đoàn này.
Đưa thép lên trực tuyến
Trung Quốc đang trong thời điểm cắt giảm sản xuất thép sau khi chính phủ nước này đóng cửa nhiều nhà máy sản xuất thép không hiệu quả. Bên cạnh đó, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc vừa tuyên bố sẽ phạt nặng nếu nhà máy thép nào được thành lập trong năm 2018 do chính sách bảo vệ môi trường. Diễn biến này sẽ giúp ngành sản xuất thép thế giới được hồi phục và thép Việt có cơ hội tăng trưởng hơn tại thị trường trong nước, bởi hằng năm Việt Nam có đến 50% lượng thép giá rẻ nhập khẩu đến từ Trung Quốc.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Việt Nam đánh thuế thép nhập khẩu 15%. Tuy nhiên, doanh nghiệp Trung Quốc lách thuế bằng cách làm thép hợp kim nên thuế thép này chỉ còn 0% làm cho giá thép Trung Quốc rẻ tràn vào Việt Nam. Đại diện Tôn Hoa Sen cũng từng lên tiếng nhiều lần về sự ảnh hưởng của thép Trung Quốc tới tình hình kinh doanh tại thị trường nội địa. Chính sách mới của Trung Quốc là cơ hội cho doanh nghiệp Việt.
Mục tiêu của Tôn Hoa Sen trong thời gian tới là tăng trưởng mạnh sản xuất và đẩy mạnh phân phối sản phẩm thép, tôn và nhựa. Hoa Sen đang chiếm 35% thị phần tôn cả nước và 18% thị phần thép và là 1 trong 3 doanh nghiệp ngành nhựa cả nước. Đẩy mạnh thị trường trong nước cũng là mục tiêu của Hoa Sen trong năm nay.
Theo thông tin từ tập đoàn này, năm 2017, giá thép nguyên liệu biến động liên tục, kênh tiêu thụ trong nước đối mặt với áp lực cạnh tranh khốc liệt, trong khi kênh xuất khẩu bị cản trở bởi rào cản thương mại từ các thị trường lớn trên thế giới... Nhiều yếu tố tác động, doanh thu của Tập đoàn Hoa Sen năm 2017 vượt chỉ tiêu với 146% nhưng lợi nhuận hợp nhất chỉ đạt 89% so với mục tiêu đề ra. Cuối năm ngoái, Tôn Hoa Sen đã đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến nhằm tận dụng tiếp cận những khách hàng trực tiếp có nhu cầu và có thể đây cũng là cách để đẩy lui những sản phẩm thép Trung Quốc trên thị trường.
Bán hàng trực tuyến trong ngành xây dựng được xem là một sự sáng tạo, phá vỡ phương thức bán hàng kiểu truyền thống. Trước đây, nhà sản xuất sẽ bán trực tiếp 80% sản phẩm cho nhà phân phối và 20% bán cho các đơn vị xây dựng. Nhưng với phương thức bán hàng trực tuyến, Tôn Hoa Sen đang tận dụng được thời gian và tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng. Từ doanh nghiệp sản xuất bán sỉ, nay Hoa Sen kiêm thêm lĩnh vực bán lẻ. Phương thức tiếp cận khách hàng trực tiếp giúp Công ty theo dõi được đơn hàng và từng đối tượng khách hàng cụ thể, cũng như tiết kiệm được chi phí quảng cáo.
Về phía người tiêu dùng, họ có thể tiết kiệm thời gian nhưng vẫn chọn sản phẩm phù hợp nhất. Tại đây, khách hàng có thể tìm hiểu đầy đủ thông tin về các loại sản phẩm, chọn chi nhánh gần nhất để đặt mua theo hình thức đặt hàng lẻ hoặc đặt hàng thương mại với số lượng lớn, đặt hàng dành cho khách xuất khẩu.
Đích ngắm thị trường Mỹ
Không chỉ có Tập đoàn Tôn Hoa Sen mà gần đây Công ty Kymdan vừa mở bán các sản phẩm nệm và gối cao su thiên nhiên dành cho toàn thị trường Mỹ trên website kymdan.us. Theo thông tin từ Công ty Kymdan, nhiều đơn hàng đã được bán ngay từ ngày đầu tiên. Sản phẩm bán trực tuyến được Công ty Kymdan bảo hành 15 năm chính hãng tại Mỹ, giao miễn phí tận nhà cho khách ở mọi tiểu bang của Mỹ.
Đại diện Kymdan cho biết, cùng với việc mở bán trực tuyến, Công ty cũng chi hàng triệu USD mở rộng cửa hàng đầu tiên nằm trên trục giao lộ chính Beach Blvd., thành phố Westminster, bang California. Văn phòng và nhà kho rộng hơn 772m2 được xây dựng tại thành phố Cerritos cùng bang. Thực tế, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Kymdan trong nhiều năm qua. Từ năm 2016, sản phẩm của Kymdan đã được phép lưu hành tại Mỹ. Kymdan cũng xuất khẩu sang các thị trường lớn khác như Hàn Quốc, Nhật, Úc và châu Âu.
Ngoài các cửa hàng và nhà máy tại nhiều nước, nệm Kymdan còn có 2 công ty chi nhánh ở Mỹ và Úc. Theo Công ty An Tín Phong chuyên vận chuyển hàng hóa sang thị trường Mỹ và Úc, nhiều khách hàng đã mua nệm Kymdan và Liên Á sau đó nhờ vận chuyển qua đường biển, thông thường khách hàng thường thuê vận chuyển từ 2 tấm trở lên nên chi phí không cao. Có thể đây là lý do nệm Kymdan quyết định bán trực tiếp sang thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, Kymdan cũng nên thận trọng bởi ngành bán lẻ của Mỹ đang trong giai đoạn khủng hoảng, nhiều thương hiệu lớn đứng trên bờ vực phá sản. Năm 2017, nước Mỹ đã chứng kiến hàng loạt tên tuổi lớn như Macy’s, Sean hay J.C Penny phải đóng cửa đến 9.000 chi nhánh, 50 cửa hàng tại Mỹ nộp đơn phá sản. Tuy nhiên, Công ty Dịch vụ Tư vấn Bất động sản Cushman & Wakefield cho rằng đó chưa phải là tất cả khi năm 2018 sẽ chứng kiến hơn 12.000 cửa hàng bán lẻ nữa phải đóng cửa và 25 chuỗi bán lẻ phải nộp đơn phá sản, cao hơn 33% so với năm ngoái.
Hiện tại, nhiều chuỗi cửa hàng bán lẻ như Walgreens, Gap hay Gymboree đã tuyên bố sẽ đóng cửa hơn 36.000 chi nhánh của họ tại Mỹ năm 2018. Thậm chí, các chuyên gia nhận định sẽ còn nhiều thương hiệu đóng cửa hay phá sản trong ngành bán lẻ ở những tháng tới. Như vậy, thị trường bán lẻ của Mỹ đang gặp nhiều khó khăn và sự thâm nhập của Kymdan có khác biệt để không phải gặp tình cảnh tương tự?
Tuy nhiên, có một dấu chấm hỏi là chi phí vận chuyển sản phẩm sẽ ra sao bởi cả những sản phẩm nệm Kymdan hay tôn thép của Hoa Sen đều phải vận chuyển đến người tiêu dùng nhưng đây là mặt hàng cồng kềnh, chiếm sức chứa lớn và khâu vận chuyển nệm Kymdan chắc chắn phải đi bằng đường biển và sản phẩm Hoa Sen bằng xe tải. Như vậy khâu vận chuyển sẽ khiến giá sản phẩm bị đội lên hoặc giảm lợi nhuận của Công ty. Năm 2017, Tập đoàn Hoa Sen hoàn thành doanh thu nhưng lại chỉ đạt 81% mục tiêu lợi nhuận của cả năm. Một phần do sự ảnh hưởng của thị trường thép trong năm qua đã khiến cho Hoa Sen cũng bị vạ lây.
Theo thông tin từ Công ty Chuyển phát nhanh An Tín Phong tại Tân Bình, lý do mọi người vẫn chọn gửi nệm Kymdan qua đường biển là vì có thể đặt theo đúng kích thước giường và giá vẫn rẻ hơn so với mua tại Mỹ. Chẳng hạn, một tấm nệm Kymdan thông thường ở Mỹ sẽ có giá tầm 2.000-2.500USD, trong khi chi phí mua ở Việt Nam và giao tận nhà bên Mỹ chỉ vào khoảng 1.500USD. Với chi phí gửi nệm Kymdan đi Mỹ bằng đường biển chỉ từ 5,5-6 USD/kg. Trong khi đó, Hoa Sen sẽ phải tính được bài toán vận chuyển mới có thể mở rộng mảng bán lẻ trong năm nay.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Bình Nguyễn
-
Phi Vũ