Giải mã gen tăng trưởng của Vietnam Airlines
Đại hội cổ đông thường niên của Vietnam Airlines đã giải mã được “bộ gen tăng trưởng” của hãng hàng không quốc gia này trong thời gian tới. Đâu là điểm nhấn để Vietnam Airlines cất cánh?
Giá rẻ là chưa đủ
“Câu chuyện về hàng không giá rẻ sẽ có hồi kết”, ông Phạm Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietnam Airlines (VNA), khẳng định trong kỳ Đại hội cổ đông thường niên lần thứ 3 sau đợt IPO của Vietnam Airlines. Mô hình này đã được Vietnam Airlines nghiên cứu từ lâu. “Chúng tôi gửi đoàn đi hàng không giá rẻ Southwest từ năm 1995 và chúng tôi vẫn tiếp tục khi thị trường Đông Nam Á bắt đầu bùng nổ”, ông Minh nói.
Chủ tịch HĐQT Phạm Ngọc Minh phát biểu khai mạc Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của VNA. |
Dù vậy, mãi đến 4 năm gần đây, Vietnam Airlines mới bắt đầu đầu tư mạnh vào hãng hàng không Jetstar Pacific (JPA) với chiến lược thương hiệu kép, trong đó JPA là “cánh tay giá rẻ”, còn Vietnam Airlines phục vụ phân khúc khách hàng cấp cao hơn, theo kiểu mô hình truyền thống.
Thị trường hàng không giá rẻ sẽ còn tiếp tục bùng nổ mạnh mẽ ở Việt Nam, nơi vẫn còn nhiều người chưa được tiếp cận phương tiện hàng không hiện đại, với tốc độ dự kiến khoảng 30% trong vòng 2-3 năm tới. Hàng không giá rẻ chiếm khoảng 60% thị trường hiện nay và các đối thủ tiềm năng vẫn tiếp tục ngỏ ý muốn gia nhập thị trường, có cả quốc tế lẫn nội địa như AirAsia hay Tre Việt.
“Nếu xem Vietnam Airlines là khách sạn 5 sao, thì hàng không giá rẻ như JPA là 2-3 sao”, ông Minh so sánh. Nhưng như thế là chưa đủ, có thể thấy chiến lược của Vietnam Airlines hiện nay là xây dựng trải rộng phân khúc sản phẩm. Cùng với thương hiệu hàng không giá rẻ Jetstar, Vietnam Airlines có Công ty Bay Dịch vụ Hàng không VASCO cung cấp những chặng bay đặc thù với dòng máy bay nhỏ.
Thực tế, nếu thực sự muốn tham gia sâu hơn vào thị trường hàng không giá rẻ, Vietnam Airlines cũng có điều kiện để thực hiện vì hãng này sở hữu số lượng ghế lớn để giảm giá. Tuy nhiên, đại diện hãng hàng không này cho biết Hãng chủ trương đầu tư vừa đủ để giữ thị phần chủ lực ở thị trường nội địa. Còn nếu xét về tính hiệu quả kinh tế, cho đến nay VASCO hay Jetstar vẫn thua lỗ, một phần vì nằm trong thời gian đầu tư ban đầu, nhưng một phần cũng vì đường bay không hiệu quả. Rõ ràng, những đường bay này không chỉ mang nhiệm vụ chính trị, mà còn để phục vụ đầy đủ mọi nhu cầu khách hàng. Dù vậy, ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, khẳng định: “Trong tương lai sẽ phải có hiệu quả”.
TGĐ Dương Trí Thành báo cáo KQSXKD năm 2016 và các chỉ tiêu chính năm 2017 |
Một trong những điểm khiến Vietnam Airlines tự tin vào tính hiệu quả là khả năng khai thác và cân đối trong toàn hệ thống nói chung. “Khai thác hàng không giá thấp mà chỉ có JPA thì hệ thống kế toán không thể bù chi phí được. Thay vào đó phải lấy mô hình truyền thống có giá trị cao, lấy nòng cốt là khách hàng cơ bản, tiềm năng và trung thành”, ông Thành nói.
Một điểm khác khiến Vietnam Airlines vẫn xem trọng mô hình truyền thống là giá trị mà khách hàng trung thành mang lại. Giá trị lớn nhất mà liên minh với 19 hãng hàng không (liên minh SkyTeam toàn cầu) chính là lượng khách hàng thường xuyên và trung thành. Năm ngoái, Vietnam Airlines đẩy mạnh những hoạt động tập trung vào việc chăm sóc khách hàng như tách trung tâm bông sen vàng từ một bộ phận thuộc Ban tiếp thị và bán sản phẩm thành một trung tâm riêng, cũng như nâng cấp thương hiệu lên thành hãng hàng không 4 sao.
Ở khía cạnh khác, một điều khiến mô hình giá rẻ ở Việt Nam chưa vững chắc là giá vé rẻ còn phụ thuộc vào hạ tầng sân bay, điều mà hãng hàng không khó lòng kiểm soát được chi phí. Theo đại diện Vietnam Airlines, hiện nay các chi phí quản lý bay, hạ tầng sân bay vẫn đang cung cấp với giá nội địa rất thấp. Gần đây, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa có đề xuất tăng và chắc chắn hãng hàng không nào cũng bị ảnh hưởng. “Đi sang bài toán hàng không giá rẻ cơ bản là phải có sân bay giá rẻ để bay”, ông Thành nói. Tony Fernandes, người xây dựng hình mẫu hàng không giá rẻ AirAsia cũng đã phải mất nhiều năm kiên trì đeo đuổi việc sở hữu một sân bay giá rẻ cho riêng mình ở Malaysia.
Tư duy đường dài
“Cổ đông Qantas tiếp tục ủng hộ chiến lược phân khúc giá rẻ này và tin chắc thị trường trong tương lai sẽ điều chỉnh và bình ổn như nhiều nơi khác”, ông Minh nói về tương lai của JPA, cho dù Jetstar thuộc giai đoạn đầu tư, dự kiến 10 năm đầu sẽ phải chịu khoản chi phí tài chính. Với Vietnam Airlines, đây là phân khúc quan trọng, nhưng Hãng sẽ duy trì đầu tư ở mức độ hợp lý và sẽ phải cải thiện hiệu quả trong thời gian tới. “Ở thị trường nội địa, Vietnam Airlines sẽ thông qua thương hiệu kép phát triển vừa đủ để giữ thị phần áp đảo nhưng vẫn giữ hiệu quả kinh tế” ông Minh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietnam Airlines, cho biết.
Quan điểm phát triển đường dài là điểm nhấn trọng tâm, được lãnh đạo xác định là “bộ gen” của Vietnam Airlines từ trước đến nay. “Vietnam Airlines sẽ không có khái niệm đột nhiên rơi vào thua lỗ. Đó là quan điểm xuyên suốt mà Hãng đã phải xây dựng lộ trình, năng lực cạnh tranh, tiềm lực tài chính”, ông Minh nhấn mạnh.
Vietnam Airlines vẫn đang lần lượt đi những nước cờ của mình một cách chậm rãi, nhưng quan điểm kinh doanh của những nhà lãnh đạo là phải cụ thể và tính nước dài. “VNA đang thực hiện các bước đi cụ thể để cơ cấu hoạt động kinh doanh và kết quả sẽ thấy trong dài hạn, chứ không phải ngắn hạn”, ông Thành nói.
Một trong những bước đi đường dài khác của Vietnam Airlines chính là “át chủ bài” cổ đông chiến lược ANA Holdings (Nhật) - một nhân tố cũng được chia sẻ nhiều hơn ở Đại hội năm nay.
Các cổ đông của VNA biểu quyết thông qua các nội dung tại Đại hội |
Theo đó, điều tích cực là Vietnam Airlines có thể khai thác sâu hơn đường bay truyền thống ở tuyến đường Bắc Á. Trên thực tế, việc phát triển kinh tế, kêu gọi đầu tư, du lịch, gắn bó mật thiết đều là mong muốn của các nhà điều hành vĩ mô ở cả hai bên. Chính phủ Nhật trong 3 năm qua cũng đã có những chương trình lớn giúp tăng lượng khách từ Việt Nam đến Nhật, lên con số 20 triệu lượt người, tăng hơn gấp đôi. Sắp tới, Jetstar Pacific cũng sẽ thêm đường bay từ Hà Nội và Đà Nẵng đến Osaka, sau hơn 25 năm Vietnam Airlines kỷ niệm đường bay đến địa phương này.
Sự kết hợp giữa ANA và Vietnam Airlines cũng mang lại lợi thế lớn khi cộng gộp 2 thành viên của 2 liên minh hàng không (ANA là thành viên của Star Alliance, trong khi VNA là thành viên của SkyTeam). “Kết nối 2 hệ thống khách hàng thường xuyên là một tài sản lớn. Tài sản này được sử dụng như nhau, cộng điểm và chia điểm cho các khách hàng. Việc nằm trong liên minh hàng không SkyTeam là lợi thế mà không phải hãng hàng không nào cũng làm được hay làm được trong ngày một ngày hai”, đại diện Vietnam Airlines cho biết.
Theo đại diện của Vietnam Airlines, các con số kinh doanh của Hãng trên lĩnh vực hàng không là rất tốt, với ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) thường xuyên trên 15% vào năm ngoái và sát với những chuẩn mực của các hãng hàng không quốc tế. Xét về giá trị thị trường, Vietnam Airlines có giá trị vốn hóa khoảng 1,4 tỉ USD, không hề thua kém với các hãng hàng không trong khu vực (như Thai Airways là 1,17 tỉ USD). “Câu hỏi cổ phiếu chúng tôi để cho các nhà đầu tư trả lời, tự đánh giá và quyết định”, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính - Kế toán kết luận.
Dũng Nguyễn
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư