Luật Cải cách thuế mới của Mỹ: Thủy sản, dệt may, da giày của Việt Nam bị bất lợi nhiều
Tapchitaichinh
Lợi nhuận của các công ty Hoa Kỳ thu được từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài phần lớn sẽ không bị đánh thuế hoặc đánh cao nhất ở mức 10,5%.
Ngoài ra, Hoa Kỳ còn áp dụng chính sách giảm nhập siêu, bảo hộ hàng trong nước, áp thuế chống bán phá giá cao với hàng hóa nhập khẩu vào Hoa Kỳ…
Chính sách thuế mới của Hoa Kỳ được nhiều chuyên gia chỉ ra là gây ảnh hưởng nhiều nhất đến Trung Quốc. Thực tế Hoa Kỳ đã áp thuế chống bán phá giá nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ cũng bị vạ lây.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, dẫn lời TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế trên Báo điện tử Pháp luật cho rằng, điều đáng lo ngại nhất là các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nhất là các sản phẩm có hàm lượng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc có nguy cơ cao bị Hoa Kỳ áp dụng thuế chống bán phá giá. Trong đó, những mặt hàng có sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu vào Hoa Kỳ lớn, như: thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ, thép… bị tác động nhiều nhất.
TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, có thể nói chính sách của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là khá “khó chịu” và khó đoán. Xu hướng vẫn là “siết” hàng hóa nhập khẩu, ưu tiên chính sách “nước Hoa Kỳ trước tiên” trong đó tập trung cho doanh nghiệp sản xuất trong nước, hạn chế tối đa nhập khẩu, tăng cường xuất khẩu... Và như vậy, sẽ có một số chính sách mới kèm theo cho công cuộc cải cách thuế, gây bất lợi cho các quốc gia xuất khẩu hàng sang Hoa Kỳ.
Dẫn lời ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) trên Báo điện tử Hải quan cho biết, hơn 10 năm qua, Hoa Kỳ liên tục áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với thủy sản Việt Nam. Đây là hình thức rào cản mang tính chất bảo hộ của Hoa Kỳ với sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp thủy sản vẫn phải nỗ lực từng năm, có biện pháp đối phó, vượt qua rào cản để tiếp tục xuất khẩu.
Theo tinh thần Luật Cải cách thuế của Hoa Kỳ, khi các ưu đãi nhằm thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, bảo hộ hàng trong nước ngày càng gia tăng, đương nhiên ngành thủy sản sẽ phải đối mặt thêm khó khăn nhất định. Có thể nói là, xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ khó chồng khó.
Bên cạnh thủy sản, thép cũng là ngành hàng đang trong cảnh chật vật bởi những chính sách khắt khe bảo hộ hàng trong nước của Hoa Kỳ.
Cụ thể, mới đây, Hoa Kỳ đã áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm tôn mạ và thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam do có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sản phẩm tôn mạ phải chịu mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp lần lượt là 199,43% và 39,05%. Trong khi đó, thép cán nguội phải chịu 2 loại thuế trên ở mức lần lượt là 256,79% và 256,44%.
Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, những nhà xuất khẩu của Việt Nam sẽ không phải nộp thuế chống bán phá giá và trợ cấp nếu chứng minh được thép xuất khẩu vào Hoa Kỳ được sản xuất tại Việt Nam hoặc một nước thứ 3 mà không phải nguồn gốc không phải từ Trung Quốc.
Liên quan tới việc áp thuế nêu trên tác động tới mặt hàng thép, dẫn lời ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam trên Báo điện tử Dân trí cho biết, có thể nói, thép Việt Nam đang phải chịu “oan” từ thép Trung Quốc. Kết luận từ phía Hoa Kỳ còn thiếu cơ sở và Hiệp hội Thép Việt Nam đã gửi kiến nghị lên các bộ, ngành liên quan, thậm chí dự định sẽ khởi kiện ra WTO nếu Hoa Kỳ không thay đổi quyết định.
Nguồn Tổng hợp
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Nguyễn Mai