Hủy
Doanh Nghiệp

Phó Tổng giám đốc VNG và câu chuyện về sự trở về

Nam Kha Thứ Năm | 21/12/2017 15:10

 
 
“Về hay không về?” là câu hỏi tự đặt ra của không ít các trí thức Việt ở nước ngoài.

Ông Nguyễn Hoành Tiến, Phó TGĐ Công ty cổ phần VNG, cũng từng trải qua sự đắn đo ấy khi quyết định trở về sau thời gian dài học tập, làm việc và sinh sống ở nước ngoài.

Không còn xa lạ với cộng đồng công nghệ, cũng như cộng đồng “người sắt” (Ironman) của các đường đua 3 môn phối hợp tại Việt Nam, ông Nguyễn Hoành Tiến được biết đến như một người không ngại “xông” vào các thử thách khó nhằn để gặt hái được nhiều thành tựu. Tốt nghiệp cử nhân ngành công nghệ tại Đại học Hà Nội, có bằng Thạc sĩ tại Đại học Vermont và Thạc sĩ ngành QTKD tại Đại học Emory (Hoa Kỳ), ông Tiến đã làm việc nhiều năm sau đó tại các nước Châu Âu trước khi về nước, đầu quân cho VNG cách đây 9 năm.

Với kinh nghiệm 20 năm trong lĩnh vực công nghệ, từng làm việc tại vị trí quản lý cho các công ty lớn đáng mơ ước và có một cuộc sống ổn định cùng gia đình tại Đức, những trăn trở mà vị Phó Tổng đầy nhiệt huyết này đã trải qua khi quyết định về Việt Nam làm việc có lẽ cũng là nỗi trăn trở chung của bất kì trí thức Việt xa quê nào. Đồng ý chia sẻ câu chuyện của bản thân mình, ông Tiến mong rằng các trí thức Việt cũng đang mong muốn quay về làm việc tại Việt Nam sẽ có thể tìm được nguồn cảm hứng và niềm tin cho mình như ông đã từng.

* Thưa ông, khi đang học tập, xây dựng cuộc sống và làm việc thuận lợi tại nước ngoài thì đâu là cơ duyên lớn nhất khiến ông có ý định trở về Việt Nam?

Quyết định trở về Việt Nam của tôi thật ra bắt đầu từ một lý do hết sức cá nhân, tôi thấy thời gian mình có thể dành cho người thân như bố, mẹ không còn nhiều nữa nên ý định trở về có từ lúc đó. Tuy nhiên sau khi xem xét ở các khía cạnh khác, khách quan mà nói, tôi thấy trở về Việt Nam cũng là một ý kiến hay cho những ai biết nắm bắt cơ hội.

* Cụ thể thì những cơ hội đó là gì?

Giai đoạn lúc tôi có ý định trở về, Việt Nam chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việt Nam chấp nhận tham gia vào “sân chơi toàn cầu” đồng nghĩa với việc nền kinh tế Việt Nam sẽ đối mặt với những quy tắc chung đầy mới mẻ, nhu cầu tìm nhân lực có kinh nghiệm làm việc quốc tế được đặt ra, và đó là cơ hội cho tôi vào thời điểm ấy.
Đối với giai đoạn hiện tại, chúng ta có thể thấy không chỉ Việt Nam mà nền kinh tế cả Châu Á đang phục hồi và phát triển tích cực hơn. Một điều may mắn nữa là trong thời đại bùng nổ của công nghệ ngày nay, nền công nghiệp Internet của Việt Nam đã kịp phát triển và đạt được năng lực cạnh tranh toàn cầu. Riêng trong ngành công nghệ, có thể nói là cơ hội phát triển mà các nhân tài có thể tìm thấy trong nước là không hề thua kém cơ hội tại các nước khác. Cụ thể Việt Nam đang là 1 trong 3 nước hàng đầu tại Đông Nam Á bên cạnh Thái Lan và Indonesia, mà các tập đoàn hàng đầu thế giới ưu tiên chọn để tham gia đầu tư trong mảng công nghệ.
Hơn thế nữa, ở các nước đã phát triển, mọi thứ đã đâu vào đó, mình chỉ việc trở thành 1 mắt xích để giúp công ty/tổ chức vận hành tiếp tục. Còn Việt Nam lại là một mảnh đất tươi mới đầy tiềm năng cho phép mình khai phá. Những ai đã dạn dày kinh nghiệm khi trở về có thể thỏa sức “thiết kế” lại mọi thứ bên trong doanh nghiệp, từ môi trường làm việc cho đến quy trình. Đó là cơ hội đặc biệt mà không phải ai cũng nhìn thấy hoặc tìm thấy ở các nơi khác.

* Theo ông, trong ngành công nghệ, những điểm khác biệt nào giữa Việt Nam và toàn cầu mà cộng đồng nhân lực người Việt ở nước ngoài cần lưu tâm nhất?

So sánh giữa sự phát triển công nghệ của Việt Nam và quốc tế, điểm khác biệt hiện nay không nằm ở chuyên môn kỹ thuật mà ở tính chất sản phẩm, quy mô của ứng dụng. Việc phát triển công nghệ ở Việt Nam có lợi thế về chiều sâu và khả năng nắm bắt thói quen tiêu dùng của người Việt Nam rõ hơn ai hết. Tuy nhiên các nhân sự công nghệ cũng cần trang bị năng lực phát triển sản phẩm cho thị trường rộng lớn hơn. Chúng ta đang bắt kịp hầu hết các xu hướng công nghệ mới nhất, đơn cử như VNG đã phát triển được rất nhiều sản phẩm chất lượng quốc tế, thu hút đông đảo người dùng trên toàn cầu nên sẽ không thiếu các sản phẩm có quy mô ngày một mở rộng đáng kể.

* Có vẻ như chuyện trở về của ông rất thuận lợi?

Nếu chỉ có may mắn và thuận lợi thì tôi đã không về đến lần thứ hai. (Cười). Lần đầu tiên trở về thất bại hoàn toàn do tôi chưa có một sự chuẩn bị tốt. Đến lần sau thì tôi đã tìm hiểu thông tin kỹ càng hơn, biết rõ mình muốn làm gì, lĩnh vực mình muốn hoạt động là gì, tìm kiếm các kết nối cần thiết. Lúc đó tôi được giới thiệu về VNG và đã trao đổi rất rất nhiều lần với anh Lê Hồng Minh (Chủ tịch VNG - PV). Tôi thấy có nhiều thứ mình có thể làm được cho VNG.
Tôi thấy rằng điều quan trọng nhất đối với các trí thức người Việt ở nước ngoài đang có ý định trở về Việt Nam là tìm được sự kết nối với doanh nghiệp trong nước. Tôi tin là ngày càng sẽ có nhiều doanh nghiệp như VNG: chủ động tạo ra các không gian đối thoại trực tiếp với các nhân tài công nghệ, cả trong và ngoài nước, để cùng nhau tìm được tiếng nói chung cho sự phát triển toàn ngành. Đôi khi các bạn cũng đừng quá đắn đo, lo lắng về việc có nên vể Việt Nam hay không, hãy xem chuyện đó đơn giản là mình đang tìm kiếm một cơ hội, cơ hội ở đâu đủ tốt và phù hợp nhất với mong muốn của mình thì về với cơ hội đó mà thôi.

Pho Tong giam doc VNG va cau chuyen ve su tro ve
Ông Nguyễn Hoành Tiến trong sự kiện “Vietnam Internet Ecosystem” nhằm kết nối và cập nhật tình hình phát triển ngành Internet Việt Nam đến cho cộng đồng chuyên gia công nghệ người Việt tại Singapore ngày 16/12/2017

* Điều gì khiến ông e sợ nhất khi trở về tìm kiếm cơ hội làm việc tại Việt Nam?

Tôi từng trăn trở rất nhiều về việc nếu mình đi làm mà sếp không trao quyền thì mình sẽ ra sao. Bởi vì phải được trao quyền, được tin tưởng hoàn toàn thì mình mới có thể tư duy mạch lạc, tự do sáng tạo để đem lại thành công chung cho tổ chức được. May mắn là tôi chưa từng gặp rào cản đó tại VNG (Cười) mà trái lại VNG chính là môi trường tiên phong mà tôi mong muốn tham gia vào. Thứ nhất là về mặt quy mô, bạn có thể tìm thấy rất nhiều sản phẩm có lượng người dùng từ 1 triệu đến 10 triệu, nhưng lên đến mức 70 – 80 triệu người dùng thì thật sự có rất ít sản phẩm như của VNG. Đặc biệt hơn, VNG cho phép bạn thất bại! Đó là điều rất ít nơi dám làm vì ai mà chẳng mong muốn thành công. Tuy nhiên, rõ ràng rằng không phải lúc nào cũng chỉ có thành công vì bản thân VNG đã phải trải qua rất nhiều những lần thất bại mới có ngày hôm nay nhưng VNG coi đó là bài học để xây dựng năng lực tốt hơn. Và đó là lý do tôi chọn gắn bó với VNG cho đến ngày hôm nay.

*Cám ơn ông đã dành thời gian chia sẻ.

VNG với tiềm năng mạnh mẽ và nhiều sản phẩm thuộc lĩnh vực Internet có mức độ phổ biến cao, tác động sâu sắc đến cuộc sống người Việt Nam. Được bình chọn là Doanh nghiệp Nội dung số có ảnh hưởng lớn nhất đối với sự phát triển của Internet Việt Nam trong 1 thập kỷ, VNG sự lựa chọn lý tưởng dành cho các nhân tài trong lĩnh vực lập trình và công nghệ thông tin tại Việt Nam. Tìm kiếm cơ hội việc làm ở VNG tại link https://career.vng.com.vn/ hoặc tìm hiểu về môi trường làm việc sôi động tại VNG – công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam qua kênh facebook https://www.facebook.com/LifeAtVNG/  

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới