Hủy
Doanh Nghiệp

Sau APEC, Vietnam Airlines đón cơn gió mới

Thiên Phong Thứ Năm | 16/11/2017 09:26

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam kết thúc chương trình APEC năm 2017 bằng thương vụ 1,5 tỉ USD mua 44 động cơ máy bay từ Pratt & Whitney.
 

Hãng hàng không truyền thống có mức tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á cũng vừa có những chia sẻ những điểm mới về lộ trình thoái vốn Nhà nước và kế hoạch tăng trưởng mới trong tương lai.

Tiếp tục đẩy nhanh cổ phần hóa

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam kết thúc chương trình APEC năm 2017 bằng thương vụ 1,5 tỉ USD mua và bảo dưỡng 44 động cơ máy bay từ Pratt & Whitney (Mỹ), nhưng đó chưa phải là tất cả.

“Chúng tôi đang trải qua các thủ tục để bán 57,8 triệu cổ phiếu, dự kiến diễn ra vào tháng 12 năm nay hoặc quý I/2018. Sau đó, Vietnam Airlines sẽ lên sàn HOSE và hoàn tất quá trình IPO”, ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines nhấn mạnh hướng đi trong thời gian tới. Trước đó, hồi đầu năm, cổ phiếu VNA đã được niêm yết trên sàn UPCoM tại Sở GDCK Hà Nội với mã HVN. Hiện Nhà nước vẫn đang nắm giữ 86,2% số cổ phần tại đây.

Các lãnh đạo Vietnam Airlines cũng tỏ ra khá kiên quyết về lộ trình thoái vốn theo kế hoạch đặt ra trong dài hạn. “Chúng tôi được chỉ đạo rất rõ ràng với mục tiêu là giảm sở hữu vốn nhà nước tại Tổng Công ty xuống còn 51% đến năm 2020”, ông Thành nói. Theo ông Thành, Nhà nước đang có chính sách tạo nhiều không gian phát triển cho Vietnam Airlines để có thể tập trung hơn vào phát triển cơ sở hạ tầng và công tác quản lý chung.

Trước đó, Vietnam Airlines là một trong số ít Tổng Công ty nhà nước có quy mô lớn tìm kiếm thành công nhà đầu tư chiến lược. Hồi giữa năm 2016Vietnam Airlines đã bán 8,771% vốn điều lệ cho ANA Holdings Inc. (ANA), Tập đoàn hàng không Nhật Bản.

Thương vụ này được xem là một trường hợp cổ phần hóa điển hình. Báo cáo nghiên cứu cổ đông chiến lược của Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho biết quá trình đàm phán giữa VNA và ANA phải vượt qua nhiều trở ngại, diễn ra tới hơn 3 năm. Báo cáo cũng cho thấy chỉ có một số rất ít doanh nghiệp nhà nước thực hiện thẩm định chi tiết một cách bài bản thông qua thuê tư vấn và chuyên gia nước ngoài, ví dụ như trường hợp Vietcombank, Vietnam Airlines và Petrolimex.

Theo chia sẻ của đại diện VNA, kinh nghiệm cổ phần hóa các công ty nhà nước là việc xác định giá trị doanh nghiệp theo chuẩn mức quốc tế ngay từ đầu, để có căn cứ thuyết phục, đàm phán với nhà đầu tư. “Cũng nhờ cách thức định giá trị này mà Vietnam Airlines có thể bán cổ phần với giá cao hơn so với kì vọng. Mức giá bán cổ phiếu cuối cùng cho ANA là 21.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn so với mức đề nghị của ANA là 18.000 đồng/cổ phiếu”, đại diện VNA cho biết.

Đón cơn gió mới

Câu hỏi tiếp theo là liệu cổ đông ANA có tiếp tục mua vào cổ phần khi VNA tiếp tục cổ phần hóa? “Theo luật của Nhật Bản, ANA không được sở hữu quá 10% bởi vậy tôi nghĩ họ sẽ duy trì ở mức hiện tại”, ông Thành nói. Tuy nhiên, khả năng sở hữu của ANA không phải là không có, nếu thông qua các công ty con của Vietnam Airlines. “Cũng có khả năng họ sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư ở các công ty con của chúng tôi hoặc các nơi khác”, ông Thành chia sẻ thêm.

Với cổ đông ANA, kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines gần đây tiếp tục củng cố quan điểm tăng cường tỉ lệ sở hữu trong tương lai. Trong 10 tháng đầu năm 2017, Vietnam Airlines ghi nhận mức lợi nhuận hợp nhất hơn 2.900 tỉ đồng, vượt 52% so với kế hoạch của cả năm 2017.

Kết quả tài chính tốt một phần cũng nhờ sự tăng trưởng đáng kể của thị trường hàng không nói chung. Năm ngoái, mức tăng trưởng vận chuyển hành khách của Vietnam Airlines lên đến 19%. Trung tâm hàng không châu Á – Thái Bình Dương (CAPA) đánh giá Vietnam Airlines là Hãng hàng không quốc gia tăng trưởng nhanh nhất tại Đông Nam Á, thuộc nhóm hãng hàng không truyền thống tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu trong năm 2016. Năm ngoái, Vietnam Airlines là một trong 4 hãng hàng không duy nhất ở Đông Nam Á chuyên chở trên 20 triệu lượt khách.

Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có đại diện được CAPA ghi nhận giải thưởng thường niên “Hãng hàng không của năm tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương”. Danh hiệu này được CAPA xếp loại từ năm 2003, trước đó là những cái tên quen thuộc như All Nippon Airways, Japan Airlines, Cathay Pacific, Air Asia,…

Theo đại diện CAPA, quá trình cổ phần hóa thành công, mức lợi nhuận cao, quan hệ hợp tác chiến lược quốc tế đa dạng và chiến lược thương hiệu kép cùng Jestar Pacific giúp Vietnam Airlines được ghi nhận. Ông Peter Harbison, Chủ tịch CAPA nhận định: “Vietnam Airlines đã nổi lên như một hãng hàng không truyền thống với nhiều thành công và tăng trưởng nhanh chóng, bất chấp sức ép cạnh tranh ngày một lớn từ thị trường nội địa”.

Đại diện của Vietnam Airlines ước đạt hãng vận chuyển được 22 triệu lượt khách trong năm nay, tăng trưởng 2018 khoảng 10% . Để làm được điều này, chiến lược vẫn sẽ là thương hiệu kép, bao gồm thương hiệu truyền thống và giá rẻ với nguyên tắc mở rộng mạng đường bay nội địa rộng khắp và mạng đường bay quốc tế.

Kế hoạch bán cổ phần trong thời gian tới sẽ giúp hãng có thêm nguồn lực tăng trưởng mới trong tương lai, trong khi đó, hãng vẫn tăng cường mở đường bay.

Một trong những kì vọng của Vietnam Airlines trong ngắn hạn là việc mở đường bay thẳng đến Mỹ. “Đây là 1 điểm đến được mong chờ từ lâu. Việt Nam có một cộng động người Việt tại Mỹ khá đông đảo với khoảng 3 triệu người. Chúng tôi đã lên kế hoạch cho đường bay này trong khoảng 10 năm nay, hiện đang trong giai đoạn cuối cùng của việc quyết định thời điểm bắt đầu khai thác, dự kiến cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020, ông Thành cho biết. 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới