Thế Giới Di Động "chốt sổ" Phúc An Khang
Ngành bán lẻ dược phẩm là mục tiêu tiếp theo của Thế giới di động (MWG) ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị MWG, đã chia sẻ trong Đại hội cổ đông cuối tháng 3 vừa qua về chiến lược mua bán và sáp nhập (M&A) mới của đại gia bán lẻ này.
Cân đo Phúc An Khang
MWG tiến hành M&A và nhắm tới những lĩnh vực khác để duy trì tốc độ tăng trưởng, khi thị trường bán lẻ thiết bị di động đã vào giai đoạn bão hòa. Chuỗi bán lẻ dược phẩm nào lọt vào tầm ngắm của MWG luôn được dư luận quan tâm trong 2 quý vừa qua. Theo công bố trong đại hội cổ đông này, ngân sách đầu tư vào mảng mua bán và sáp nhập (M&A) sẽ là 500 tỉ đồng và đã được nhanh chóng tăng lên gấp 5 lần thành 2.500 tỉ đồng vào tháng 8 vừa qua sau thương vụ mua lại chuỗi điện máy Trần Anh. Bán lẻ dược phẩm đang nổi lên như một lĩnh vực đầy tiềm năng mà MWF cũng như nhiều nhà đầu tư khác hướng tới.
Theo Environmental Research and Public Health, hiện có 54.250 cơ sở bán lẻ dược phẩm trên cả nước. Tốc độ tăng trưởng của các cơ sở bán lẻ đã chậm lại từ năm 2013 nhưng tốc độ tăng trưởng chi phí sử dụng thuốc bình quân đầu người vẫn tiếp tục tăng trên 10% mỗi năm theo thống kê của Bộ Y tế. Dư địa để tăng trưởng trong doanh thu của các nhà thuốc khá tốt vì doanh thu đầu người tăng trưởng nhanh và tốc độ già hóa dân số nhanh của Việt Nam.
Trong các chuỗi bán lẻ dược phẩm hiện nay có thể kể đến vài cái tên khá nổi bật như Pharmacity, Phano, Phúc An Khang và Mỹ Châu. Trong các chuỗi nhà thuốc chuyên sâu, quy mô của Phúc An Khang chỉ sau Pharmacity và Phano. Phúc An Khang là chuỗi dược phẩm khá phù hợp với chiến lược M&A của MWG với hệ thống 14 nhà thuốc. Phúc An Khang là một trong các chuỗi nhà thuốc truyền thống khá nổi tiếng với hơn 10 năm trong nghề, vốn điều lệ đăng ký là 30 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Quang Vinh, người sáng lập và điều hành Phúc An Khang, vốn dĩ có kinh nghiệm trong mảng bán lẻ dược phẩm. Ông từng là một trong những cổ đông sáng lập trước đây của chuỗi nhà thuốc gây được tiếng tăm là Phano.
Chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang dường như đáp ứng các yêu cầu mà ông Tài từng công bố trong Đại hội cổ đông, nên được cho là đối tượng mục tiêu đầy tiềm năng của MWG. Ngoài thế mạnh về kinh nghiệm, điểm mạnh của Phúc An Khang còn nằm ở vị trí các nhà thuốc. Phúc An Khang và MWG có điểm tương đồng là đều phát triển thị trường tại khu vực phía Nam. Phúc An Khang hiện có hệ thống chi nhánh ở các quận trung tâm của TP.HCM. Các chi nhánh của hệ thống nhà thuốc này đều được mở tại khu vực đông dân cư và nằm trên các cung đường chính. Một số chi nhánh có vị trí chiến lược khi gần các bệnh viện lớn như Thống Nhất, An Bình và Răng Hàm Mặt.
Tuy nhiên, nỗ lực mở rộng của Phúc An Khang có phần chậm lại khi nhà thuốc thứ 20 đã được mở nhưng chỉ còn 14 chi nhánh chính thức hoạt động. Đây có thể là do thiếu kinh nghiệm bán lẻ và nguồn vốn, cũng là điểm mà MWG có thể bù đắp cho Phúc An Khang. Chi phí để mở rộng chi nhánh có thể là khá lớn với quy mô vốn của các chuỗi nhà thuốc, nhưng sẽ không là con số lớn cho các đại gia bán lẻ như MWG.
Theo ông Ngô Chí Dũng, Tổng Giám đốc Eco Pharmacy, chi phí cho một chi nhánh vào khoảng 3-4 tỉ đồng, với nhà thuốc Mỹ Châu là 5 tỉ đồng, Phano là 1-3 tỉ đồng nếu không tính chi phí đào tạo. Quy mô của các nhà thuốc Phúc An Khang tương tự như Mỹ Châu nhưng với quy mô nhỏ hơn, chi phí sẽ tương tự như Phano. Thời gian thu hồi vốn trung bình của mỗi nhà thuốc từ 1-3 năm.
Tại sao không phải là Pharmacity?
Pharmacity và Phano đã có hệ thống chi nhánh khá phát triển và hơn tầm ngắm từ 10-15 cửa hàng của MWG. Hệ thống quản trị bán lẻ của 2 chuỗi này khá tốt nên việc MWG đầu tư vào đây sẽ chỉ bổ sung vào nguồn vốn góp chứ không phải từ kinh nghiệm quản trị chuỗi bán lẻ đang muốn khẳng định của đại gia này. Còn Mỹ Châu tuy có bề dày kinh nghiệm với 30 năm nhưng đang trong tình trạng phải cắt giảm bớt các cửa hàng. Đồng thời, Mỹ Châu cũng bán 15% cho Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư SAM vào năm 2016.
Phano hiện có gần 80 nhà thuốc trên 60 tỉnh thành và cũng là đơn vị đầu tiên đạt chuẩn GPP được mở vào năm 2007. Đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Phano là Pharmacity. Tuy bước vào thị trường khá trễ vào năm 2012, Pharmacity có tốc độ tăng trưởng chi nhánh ấn tượng với trên 50 nhà thuốc hiện tại và mục tiêu trên 90 nhà thuốc cuối năm 2017. Ông Chris Blank, sáng lập và CEO của Pharmacity, cho biết mục tiêu của Pharmacity vào năm 2020 sẽ đạt doanh thu 45 triệu USD và 200 chi nhánh.
Pharmacity là chuỗi bán lẻ dược phẩm nước ngoài trong vỏ doanh nghiệp Việt, do người nước ngoài chưa được sở hữu doanh nghiệp trong ngành kinh doanh có điều kiện này. Có thể thấy sự khác biệt trong chiến lược phát triển của Pharmacity và các chuỗi nhà thuốc khác từ bàn tay của những nhà sáng lập xuất thân từ các quỹ đầu tư tài chính.
Chẳng hạn, ông Chris Blank từng làm cố vấn tài chính nhiều năm cho VinaCapital và Red River. Ông Chris Freund, Tổng Giám đốc của Mekong Capital, cũng tham gia vào Pharmacity vào năm 2014. Ông Chris Freund từng là người điều hành trực tiếp khoản đầu tư dài hạn 10 năm của Mekong Capital vào MWG trước khi quỹ này thoái vốn dần tại MWG vào tháng 4.
Có thể thấy Pharmacity cũng dần mở rộng chuỗi sản phẩm đến mảng thực phẩm chức năng và FMCG để tăng trưởng doanh số. Bước đệm đang chờ đợi là sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng của khách hàng, khi hiện nay khách hàng vẫn đến các nhà thuốc chuyên dụng truyền thống để mua dược phẩm. Vì vậy, có nhiều đồn đoán MWG sẽ đầu tư vào Pharmacity sau thời điểm Đại hội cổ đông của MWG vào tháng 3.
Tuy nhiên, quy mô của Pharmacity đã tương đối lớn và khác biệt trong văn hóa kinh doanh với MWG là khá rõ ràng. Xét về văn hóa kinh doanh và tiềm năng phát triển trong tương lai, Phúc An Khang đều phù hợp với các điểm mạnh và lối quản trị của MWG hơn là Pharmacity.
Với tham vọng chi phối doanh nghiệp sau bước đầu tư bằng 20% cổ phần trong giai đoạn ban đầu, MWG sẽ dễ dàng thực hiện việc tăng cổ phần chi phối tại Phúc An Khang hơn nhiều lần so với Pharmacity. Cuối cùng, MWG sẽ có nhiều đất hơn để phát triển điểm mạnh bán lẻ của mình để tăng giá trị chuỗi nhà thuốc này, so với một Pharmacity vốn đã có một chiến lược bành trướng đầy tham vọng từ khi thành lập.
Báo cáo của Business Monitor International (BMI) cho biết tổng giá trị ngành dược phẩm Việt Nam được ước tính vào khoảng 4,7 tỉ USD vào cuối năm 2016 với mức tăng trưởng 14,2%.Với thói quen sử dụng thuốc không theo đơn chỉ định của người Việt Nam, kiểm soát chất lượng dược phẩm trên thị trường với hàng trăm ngàn nhà thuốc tư nhân là công việc vô cùng khó khăn. Trong bối cảnh ngành bán lẻ dược phẩm còn tương đối manh mún, cạnh tranh dựa trên uy tín thương hiệu của nhà bán lẻ là tiền đề cho sự nhân rộng của các chuỗi nhà thuốc như Phano, Pharmacity, Phúc An Khang, Sapharco, Mỹ Châu...
Ngoài mô hình các nhà thuốc chuyên sâu như trên, các chuỗi bán lẻ dược phẩm mở rộng bao gồm dược phẩm kiêm các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và mỹ phẩm cũng ồ ạt tấn công thị trường như Guardian, Medicare và Century Pharma (công ty mẹ của Vistar).
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có chuỗi cửa hàng nào chiếm lĩnh đến 20% thị phần. Do đó, cơ hội của MWG trong thị trường này vẫn còn nhiều. Phúc An Khang là bước đệm đầu tiên để đưa MWG thực hiện tham vọng lớn với những viên thuốc.
→Amazon sẽ kinh doanh dược phẩm trực tuyến?
→Dược phẩm: Cuộc chiến giữa chuỗi và nhà thuốc
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Trực Thanh
-
Nguyễn Mai
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Hằng Nguyễn