Hủy
Kiều bào

Người Việt 4 phương (số 830)

Tuệ Anh (Tổng hợp) Thứ Hai | 20/11/2023 11:20

Ảnh: T.L

Kỹ sư Việt khởi nghiệp ở Singapore bằng robot dọn vệ sinh
 

 Kỹ sư Nguyễn Tuấn Dũng, sáng lập Công ty HiveBotics, đã phát triển thành công robot dọn vệ sinh thay thế hoàn toàn con người. Robot có thể thay thế các công việc dọn dẹp như chà, lau, làm khô nhà vệ sinh...

HiveBotics có trụ sở tại LaunchPad@one-north của Singapore, do JTC, cơ quan thuộc chính phủ nước này quản lý. Đây là công ty khởi nghiệp đang phát triển được ươm tạo từ Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS).

Theo Dũng, trên thế giới có một công ty khởi nghiệp khác ở Mỹ đang làm sản phẩm tương tự. Nhưng Dũng tự tin nếu bắt kịp HiveBotics cần phải mất 2 năm. Trong vòng 2 năm đó HiveBotics sẽ vượt lên.

Chia sẻ về con đường khởi nghiệp, Dũng cho biết năm 2014 khi đang học lớp 9 tại Amsterdam (Hà Nội), được học bổng nhà nghiên cứu trẻ của A*Star - Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu của Chính phủ Singapore. Sau đó anh được học bổng tiếp lên Đại học Quốc gia Singapore. Tại đây Dũng bắt đầu nghiên cứu và được hỗ trợ phát triển sản phẩm, ươm tạo thành công ty khởi nghiệp.

Dũng cho biết, Chính phủ Singapore hỗ trợ các công ty khởi nghiệp giống như HiveBotics thông qua JTC LaunchPad@one-north. Sản phẩm robot được bán trước ở Singapore, sau đó là Mỹ, Canada. “Tôi mong muốn khi sản phẩm hoàn thiện sẽ đầu tư nhà máy ở Việt Nam để sản xuất”, Dũng nói và cho biết dự kiến cuối năm 2024 sẽ tìm kiếm đối tác.

TP.HCM tri ân kiều bào có đóng góp thiết thực trong giảng dạy

Chiều 14/11, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã tổ chức gặp mặt trí thức kiều bào nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM Vũ Thị Huỳnh Mai cho biết, thời gian qua Ủy ban đã tiếp nhận rất nhiều ý kiến hiến kế, đề xuất của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và trí thức người Việt ở nước ngoài nói riêng để cùng xây dựng và phát triển Thành phố.

Cụ thể, Giáo sư Đặng Lương Mô với tâm huyết về chương trình vi mạch cho Thành phố, các trí thức trong Câu lạc bộ Khoa hoc kỹ thuật người Việt Nam ở nước ngoài với đề án “Đưa tài liệu học tập của nước ngoài đến sinh viên, học sinh trong nước”, hình thành “Tủ sách khoa học kỹ thuật” điện tử với hơn 160 đầu sách gồm hơn 66.000 trang sách khoa học, kỹ thuật thuộc các ngành toán, hóa học, vật lý, sinh học...

Trên cơ sở chia sẻ, đóng góp ý kiến của các đại biểu tham dự họp mặt, căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tiếp tục là cầu nối để hỗ trợ, kết nối các chuyên gia trí thức người Việt Nam qua nhiều lĩnh vực như kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo.

Lễ hội “Xuân quê hương 2024” tại Fukuoka, Nhật

Ngày 12/11, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka (Nhật) đã phối hợp Hội người Việt Nam tại Fukuoka (AVF) và Hiệp hội Doanh nghiệp Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Việt Nam tại Kyushu (VTIK) tổ chức họp báo công bố chương trình lễ hội “Xuân Quê hương 2024”, được truyền trực tuyến tại các điểm cầu ở Nhật và Việt Nam. Đây là năm thứ 5 chương trình Xuân Quê hương được tổ chức tại tỉnh Fukuoka, miền Nam nước Nhật.

 

Tham dự buổi họp báo có bà Vũ Chi Mai, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, đại diện các hội đoàn Việt Nam tại Nhật, cùng gần 40 doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật. Buổi họp báo còn có sự tham dự trực tuyến của đầu cầu Nhật gồm 8 tỉnh thuộc khu vực Kyushu, Osaka, Tokyo và đầu cầu Việt Nam.

Dự kiến, để chào đón Xuân Giáp Thìn 2024, lễ hội “Xuân Quê hương 2024” sẽ diễn ra từ 20-21/1/2024 tại Công viên Tenjinchuo, trung tâm thành phố Fukuoka. Điểm nhấn của lễ hội là 1.500 người mặc áo dài xếp hình bản đồ Việt Nam và tuần lễ thời trang áo dài Fukuoka 2024 với bộ sưu tập gồm 180 áo dài của 6 nhà thiết kế thời trang hàng đầu Việt Nam. Ngoài ra, lễ hội sẽ có khoảng 70 gian hàng giới thiệu ẩm thực Việt - Nhật, các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao cũng như hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam và Nhật...

Nhà khoa học Việt được trao Giải thưởng quốc tế Nhà sáng tạo trẻ 2024

Cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Minh Sơn hiện đảm nhiệm vai trò lãnh đạo nhóm nghiên cứu về vật liệu tiên tiến cho hàng không, vũ trụ và hệ thống năng lượng ở Đại học Hoàng Gia London (Imperial College London). Anh vừa được Hiệp hội Khoáng sản, Kim loại và Vật liệu (TMS) trao Giải thưởng Nhà sáng tạo trẻ 2024 và sẽ có bài giảng tại Hội nghị thường niên của TMS trước hơn 4.000 nhà khoa học, diễn ra tại Florida vào tháng 3/2024.

Chế tạo siêu vật liệu tiên tiến ứng dụng trong các lĩnh vực hàng không, vũ trụ, ô tô, năng lượng và y tế là hướng mục tiêu theo đuổi của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Minh Sơn. Anh hợp tác nghiên cứu với các công ty và tổ chức hàng đầu thế giới như hãng động cơ máy bay Rolls Royce, Ủy ban Vũ Trụ của Liên Minh châu Âu (ESA) hay công ty năng lượng BP.

Một trong những nghiên cứu nổi bật gần đây là công trình đột phá tạo ra “siêu tinh thể” có khả năng chịu hư hại, bền và nhẹ hơn. Công trình được công bố trên Tạp chí Nature năm 2019, được hội đồng biên tập của Tạp chí Nature nhận xét là siêu cấu trúc với nhiều ứng dụng trong hàng không và vũ trụ.

Nhóm do Phạm Minh Sơn dẫn đầu tại Đại học Hoàng Gia London đã tìm cách kết hợp kim loại và công nghệ in 3D để tạo ra siêu tinh thể siêu nhẹ với độ bền cao và có khả năng được lập trình trở thành vật liệu thông minh. Nhóm nghiên cứu đã dựa theo mô phỏng cấu trúc tinh thể trong tự nhiên để chế tạo “tinh thể ở trong tinh thể” nhằm thay đổi tính chất kết cấu vật liệu và có thể lập trình biến đổi hình dạng. Phát hiện này mở đường tạo ra vật liệu in 3D gọn nhẹ, có độ bền cao sử dụng trong kết cấu, thiết bị ô tô, hàng không và vũ trụ.
 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới