Hủy
Kiều bào

Sự hỗ trợ kịp thời dành cho miền Trung yêu thương

Shalom Nguyễn Thứ Hai | 28/12/2020 11:29

Đại sứ Nguyễn Phú Bình, Chủ tịch ALOV, trao quà, thiết bị lọc nước, đồ dùng học sinh cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị.

Khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho bà con vùng lũ miền Trung
 

Nhằm chia sẻ khó khăn và tạo điều kiện cho người dân miền Trung phòng chống dịch bệnh, được chăm sóc, nâng cao sức khỏe sau lũ lụt và chuẩn bị đón Tết cổ truyền, từ ngày 10 đến 15.12.2020, Ban Tổ chức Chương trình trợ giúp tái ổn định đời sống - Kiều bào cùng cộng đồng chung tay vì miền Trung ruột thịt.

Chương trình do Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài (ALOV) chủ trì phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tổ chức đoàn khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho gần 4.000 người dân vùng lũ và tặng quà cho học sinh tại 2 tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Tại đây, các y - bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và các bác sĩ của địa phương đã thăm khám, siêu âm, cấp thuốc, điều trị các bệnh tim mạch, huyết áp và các bệnh liên quan đến dịch bệnh sau mưa lũ như đau xương khớp, hô hấp, đường ruột, tiêu hóa, tiêu chảy, đau mỏi cơ thể... Các bác sĩ tư vấn cho người dân về bảo đảm dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ.

 

Ông Phan Trọng Khanh, 70 tuổi, xã Sơn Hóa, đi bộ từ nhà đến trạm y tế xã để được thăm khám, cho biết: “Tôi đi bộ đội về, nhà làm nông, có 6 người, chỉ có 2 sào lúa, mỗi năm thu hoạch được 3-4 tạ, trồng thêm hoa màu, con cái đi phụ hồ, gia đình tạm đủ ăn. Lũ lụt đến hoa màu mất trắng, không trồng được lúa nữa. Tôi bị huyết áp cao, bệnh tiền đình, thấp khớp, điếc một tai. Được đoàn đến thăm khám, cấp thuốc cho tôi và bà con nên rất vui, phấn khởi. Cảm ơn đoàn công tác rất nhiều”.

Phó Giáo sư - Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - Đại biểu Quốc Hội, cho biết, Chương trình khám chữa bệnh thiện nguyện, giúp đỡ bà con vùng sâu, vùng xa hằng năm được Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tổ chức 3-4 đoàn. Tuy nhiên, lần này rất đặc biệt, đó là phối hợp với ALOV và chính quyền địa phương thuận lợi hơn. Bà con biết đến chương trình, tham gia khám đông hơn rất nhiều.

 

Anh Bùi Xuân Hòa, Bí thư đoàn xã Sơn Hóa (Tuyên Hóa), cho biết: “Đoàn xã phối hợp để chuẩn bị cho công tác phục vụ, nhiều đoàn viên tích cực đăng ký tham gia tình nguyện phục vụ cho chương trình. Cụ thể, hướng dẫn bà con đăng ký, đến khám theo thứ tự, trật tự, ổn định, phối hợp với đoàn bác sĩ, thực hiện theo quy trình khám chữa bệnh”.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Trung, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký ALOV, Trưởng Ban Tổ chức chương trình, với tinh thần “tương thân, tương ái” giúp đỡ miền Trung ruột thịt đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề do thiên tai bão lũ, thời gian qua, ALOV đã nhận được nhiều sự chia sẻ, hỗ trợ, nhận được nhiều trang thiết bị, thuốc, thuyền, áo phao từ bà con kiều bào, các doanh nghiệp, cá nhân trong ngoài nước gửi về ủng hộ chương trình từ cuối tháng 10 đến nay.

“Chương trình trợ giúp tái ổn định cuộc sống - Kiều bào cùng cộng đồng chung tay vì miền Trung ruột thịt” nhằm kịp thời giúp đỡ đồng bào vượt qua khó khăn, sớm ổn định đời sống và phát triển bền vững, với các hoạt động chính sau:

1. Chia sẻ khó khăn, hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, thực phẩm, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường, thiết bị lọc nước sạch, máy phun diệt vi khuẩn; cấp thuốc; tập viết, đồ dùng học tập cho học sinh đến trường.

2. Tổ chức đoàn khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con vùng lũ tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

3. Hỗ trợ kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất nông nghiệp sạch, giúp hình thành chuỗi cung ứng, phát triển bền vững.

4. Hỗ trợ sửa lại nhà cửa, trạm xá, trường học bị hư hại.

Tham gia chương trình này, bác sĩ trẻ Bùi Hoa chia sẻ: “Năm 2020, đất nước Việt Nam nói chung và mảnh đất miền Trung ruột thịt nói riêng phải gánh chịu những tổn thất nặng nề do dịch bệnh, mưa bão, lũ lụt gây nên. Với truyền thống “lá lành đùm lá rách” cả nước hướng về miền Trung thân thương bằng những hành động tự nguyện và thiết thực nhất.

Là một bác sĩ trẻ của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, tôi rất hạnh phúc khi được đồng hành cùng các chuyến đi thiện nguyện của Bệnh viện. Từ những ngày dịch COVID-19 bùng phát cho đến khi lũ lụt tạm rút, tôi đã có 3 chuyến đi đến miền Trung. Xin cảm ơn những chuyến đi vì đã giúp tôi trưởng thành hơn, trân quý cuộc sống này hơn vì ở ngoài kia còn rất nhiều tấm lòng như trong bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn”.
Chương trình khám chữa bệnh cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho học sinh các tỉnh miền Trung khép lại để lại nhiều niềm vui ấm áp cho người dân cũng như những người tham gia đoàn thiện nguyện
 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới