Hủy
Kinh Doanh

Chủ tịch Lê Phước Vũ: Đừng ngạc nhiên nếu Hoa Sen bị bán cho nước ngoài

Thứ Năm | 22/01/2015 16:10

Theo ông Vũ, nếu không tỉnh táo, thị trường Việt Nam dễ rơi vào tay nước ngoài trước cơn sóng thâu tóm của nhiều công ty nước ngoài như hiện nay.
 

Phát biểu tại Hội thảo Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2015 với chủ đề "Hội nhập sâu rộng, cạnh tranh khốc liệt" sáng nay (22/1/2015), ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen HSG cảnh báo, nếu doanh nghiệp Việt Nam không tỉnh táo thì trong tương lai, hàng Việt Nam không vào được các siêu thị đã bán cho các tỷ phú Thái mà chỉ có hàng Thái Lan.

Chủ tịch Hoa Sen lấy dẫn chứng việc các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan luôn đưa theo các công ty vệ tinh. Do đó, ông đặt ra câu hỏi, nếu hệ thống siêu thị Việt chỉ có hàng của Thái Lan thì hàng hóa Việt Nam có vào được siêu thị của họ không, hàng hóa Việt Nam sẽ tiêu thụ nội địa như thế nào?

Ông Vũ nêu quan điểm không phủ nhận yếu tố tích cực từ nguồn vốn FDI, nhất là với Việt Nam, yếu tố FDI là cần thiết. Tuy nhiên, "nếu chúng ta không tỉnh táo, nền kinh tế này sẽ rơi vào tay nước ngoài hết", ông Vũ nói.

Cho nên, ông Vũ nhấn mạnh việc chưa bao giờ trong điều kiện hội nhập sâu rộng như hiện nay, nền kinh tế Việt Nam cần một số doanh nghiệp đầu đàn dẫn dắt. Đó là biện pháp cần thiết để có được một nền kinh tế tự chủ.

Ví dụ ở ngành thép, Tổng Công ty Thép Việt Nam đã đánh mất sứ mệnh lịch sử của họ khi gần như không còn tiếng nói trong thị trường thép Việt Nam. Thay vào đó là Hòa Phát, Pomina, Hoa Sen. Tuy nhiên, con số đầu tư của 3 doanh nghiệp trên còn vô cùng nhỏ so với 1 tỷ USD đầu tư của Vosco vào Phú Mỹ, 20 tỷ USD của Formosa vào Hà Tĩnh... "Vì vậy, khoảng trống cơ hội cho chúng tôi đầu tư là rất ít", ông Vũ nhấn mạnh.

Bày tỏ quan điểm, ông Vũ cho biết: "Nếu sau này, tôi phải bán cổ phần cho một cơ quan đầu tư nước ngoài nào đó như Nguyễn Kim bán 49% cổ phần cho tỷ phú Thái là điều không có gì ngạc nhiên. Vì chúng tôi không còn nhiều cơ hội để phát triển, chúng tôi quá rủi ro".

Ông Vũ cho rằng, Việt Nam hội nhập là đúng, các doanh nghiệp cần chuẩn bị nội lực để hội nhập. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần có những định hướng rõ ràng từ phía Chính phủ, cần một bức tranh kinh tế vĩ mô tương đối chung và dài hạn rõ ràng.

Nguồn DVO


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới