Hủy
Kinh Doanh

Credit Suisse cảnh báo về tỷ lệ an toàn vốn của ngành ngân hàng Việt Nam

Thứ Năm | 31/03/2016 17:07

Dù tình hình kinh tế vĩ mô có nhiều tín hiệu khả quan, nhưng tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng lớn có thể tụt xuống dưới ngưỡng 9%.
 

Mới đây, trang tin The Financialist của ngân hàng Credit Suisse (CS) tại Thụy Sĩ đã có một bài bình luận về triển vọng kinh tế của Việt Nam trong năm nay, đi kèm với một số lưu ý về hiện trạng của hệ thống ngân hàng trong nước.

Theo dự báo của CS, Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng là 6,3% trong năm 2017, cao thứ ba trong nhóm các nền kinh tế mới nổi, sau Trung Quốc (6,6%) và Ấn Độ (7,8%). Mặc dù đà tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị chậm lại (từ 7,1% năm 2015 còn 6,9% năm 2016) do tình hình kinh tế toàn cầu chưa nhiều khởi sắc, nhưng khi so sánh với mức bình quân cả châu Á (trừ Nhật Bản), thì tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang vượt trội hơn tới 10-15%.

Các dòng vốn FDI vẫn đang ồ ạt đổ vào, và được CS dự báo sẽ đạt 13 tỷ USD trong năm nay, giảm đôi chút so với mức 14,5 tỷ năm ngoái.

Nhìn chung, CS cho rằng nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ giúp duy trì đà tăng trưởng GDP, theo cách “chậm hơn, nhưng an toàn hơn”. Trong năm 2014 và 2015, tổng doanh thu bán lẻ trong nước đã tăng lần lượt 8,4% và 9,2%. Việc giảm giá xăng dầu và thực phẩm cũng đã cải thiện sức mua của người Việt, với mức tăng thu nhập thực là 10% trong 2014 và 14% trong 2015. Tổng dư nợ tín dụng cá nhân cũng đã tăng 43% trong nửa đầu năm 2015 so với cùng kỳ 2014.

Mặc dù vậy, việc đầu tư vào các doanh nghiệp Việt cũng chưa phải là dễ dàng, vì tính thanh khoản hạn chế, số lượng doanh nghiệp được niêm yết chưa nhiều, cộng thêm các hạn chế về room cho khối ngoại. Theo các nhà phân tích của CS, các công ty phục vụ thị trường tiêu dùng như Vinamilk hay FPT là rất đáng được để mắt tới.

Cũng các nhà phân tích này lại tỏ ra thận trọng khi xem xét ngành ngân hàng và bất động sản Việt Nam. Việc gia tăng tỷ lệ nợ xấu (NPL) trong vòng 5 năm qua đã làm ảnh hưởng đáng kể đến sự bền vững của hệ thống ngân hàng. Theo CS, nếu tăng trưởng tín dụng năm nay tiếp diễn với tốc độ như của các năm qua, thì tỷ lệ an toàn vốn (Capital Adequacy Ratio - CAR) của 4 trong 6 ngân hàng lớn nhất Việt Nam sẽ tụt xuống dưới 10% vào cuối năm. Do đó, CS cho rằng nguồn cung tín dụng cho bất động sản sẽ được thắt chặt lại, còn nguồn cung cho cơ sở hạ tầng thì vẫn sẽ được duy trì ổn định.

Ngoài ra, việc áp dụng Basel II cho 10 ngân hàng lớn cũng có thể khiến CAR có thể giảm thêm nữa do các quy định ngặt nghèo hơn về vốn. Điều này có thể khiến 3 trong số 6 ngân hàng lớn nhất Việt Nam sẽ có CAR ở dưới ngưỡng chuẩn của thế giới là 9%, và buộc các ngân hàng này phải huy động vốn thêm từ 400 triệu đến 900 triệu USD, tương đương 8% đến 35% giá trị vốn hóa.

Nhìn chung, CS cho rằng năm nay có thể sẽ là một năm nhiều thử thách với các cổ đông ngân hàng Việt Nam. 

Minh Trí

Nguồn The Financialist


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới