Hủy
Kinh Doanh

Cuộc đua đến phạm vi 3

Hằng Thanh Thứ Tư | 01/11/2023 07:00

Một báo cáo do BCG thực hiện cuối năm 2022 đã tiết lộ danh sách 50 công ty sáng tạo nhất thế giới có ưu tiên khí hậu và phát triển bền vững. Ảnh: nguoidothi.vn

Phát thải ròng bằng 0 trong phạm vi 3 sẽ không thể đạt được nếu không có sự đồng thuận của chính phủ và các bên liên quan trong chuỗi cung ứng.
 

Trong lúc Chính phủ Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, nhiều công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam đặt mục tiêu này sớm hơn 10 năm cho toàn bộ chuỗi giá trị của họ. Đặt trong bối cảnh một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, liệu mục tiêu này có khả thi?

Mục tiêu đầy tham vọng

Một báo cáo do BCG thực hiện cuối năm 2022 đã tiết lộ danh sách 50 công ty sáng tạo nhất thế giới có ưu tiên khí hậu và phát triển bền vững. Hơn một nửa số công ty được khảo sát cho biết họ cam kết sáng tạo phát triển bền vững, nhưng chỉ 1/5 sẵn sàng có hành động thực tế. Trong số các cái tên xuất hiện trong cuộc đua đổi mới để đạt phạm vi 3 (scope 3), có những doanh nghiệp đã sớm đầu tư vào Việt Nam như Unilever, HP. Họ đặt ra các mục tiêu về đích sớm hơn so với mục tiêu năm 2050 của IPPC, với HP là vào năm 2040 và Unilever là vào năm 2039. 

 

Với gần 3/4 dấu chân carbon đến từ chuỗi cung ứng, mục tiêu Net Zero của Unilever vào năm 2039 có vẻ đầy tham vọng vì chuỗi giá trị của họ rất rộng, với gần 500 nhà cung ứng khác nhau tại Việt Nam. Tuy vậy, họ sở hữu “quyền lực lớn” để tác động đến chuỗi cung ứng của mình. 

“Chúng tôi đã tự giao hàng thay vì để khách đến nhà máy lấy hàng”, bà Quyên Nguyễn, Giám đốc Chuỗi cung ứng của Saint-Gobain Việt Nam, nói về một thay đổi lớn nhắm vào chuỗi cung ứng. Họ đã giảm được 2.000 tấn CO2 bằng việc cho xuất bến ít chuyến xe nhưng nhiều hàng hóa hơn, thay cho việc đón nhiều chuyến xe của khách mà nhận ít hàng hóa trong mỗi xe hơn.

Về vấn đề này, ông Đặng Bùi Khuê, Giám đốc Đào tạo Bureau Veritas Certification, cho rằng: “Năng lượng và giao thông vận tải là 2 ngành có nhiều dư địa để cải thiện chỉ số phát thải và được kỳ vọng sẽ có phát thải ròng bằng 0 sớm nhất”. 2 ngành này nằm trong số các nguồn gây phát thải khí nhà kính nhiều nhất tại Việt Nam, chiếm tỉ trọng lần lượt 40% và 18%.

Tuy nhiên, để đạt đến zero carbon cho phạm vi 3 không đơn giản có vậy. “Sẽ thiên về nguyên vật liệu”, bà Quyên Nguyễn giải thích chìa khóa mà Saint-Gobain đang cố gắng tạo ra để mở khóa Net Zero. “Cần tìm kiếm nguyên vật liệu ít phát thải carbon hơn và đòi hỏi ít vận chuyển hơn”, bà nói thêm.

Tại tập đoàn vật liệu xây dựng đến từ Pháp Saint-Gobain, 100 triệu EUR mỗi năm cho R&D đã giúp tạo ra các vật liệu xây dựng xanh, sạch mới. Lấy ví dụ về loại tường thạch cao chống cháy. Thoạt nhìn, chi phí cho vật liệu này cao hơn những vật liệu truyền thống. Tuy nhiên, khi nhìn trong tổng thể, loại vật liệu nhẹ, ít tác động lên móng, thời gian thi công ngắn khiến tổng chi phí công trình thấp hơn 7% so với bình thường.

Có mặt tại 75 nước, Saint-Gobain có một dải mức độ sẵn sàng về phát triển bền vững biến động mạnh theo từng khu vực. Do vậy, tuy cùng một đích đến, mỗi chi nhánh trên thế giới được phân bổ các mục tiêu ngắn hạn khác nhau. Tại Việt Nam, bà Quyên Nguyễn cho biết họ đặt mục tiêu giảm hơn 4.000 tấn CO2 trong năm 2023.

“Không có con đường đơn giản nào để khử carbon, đặc biệt khi xử lý khí thải phạm vi 2 và phạm vi 3”, BCG bình luận. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán khoảng một nửa lượng khí nhà kính cần thiết giảm để tiến đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 sẽ đến từ các công nghệ chưa sẵn sàng đưa ra thị trường. Các công ty trong nhiều ngành phải đối mặt với những hành trình phức tạp và không rõ ràng. Ví dụ, sản xuất nông nghiệp và thực phẩm, giao thông vận tải, năng lượng và sản xuất điện phải giải quyết “bộ ba” thách thức: các rào cản tài chính và công nghệ cao, mối đe dọa gián đoạn kinh doanh nghiêm trọng và các rào cản sẵn có đối với những thay đổi lớn.

Sự khác biệt tinh tế

Dù thường được sử dụng như những cụm từ thay thế nhau, nhưng Net Zero và trung hòa carbon khác nhau một cách tinh tế. “Điểm tinh tế lớn nhất là phải chú trọng giảm phát thải bằng nội lực trước, bước đường cùng mới mua tín chỉ”, ông Khuê giải thích.
Trong giai đoạn làm quen ban đầu, chưa có một giới hạn về tỉ lệ carbon được trung hòa bằng tín chỉ carbon. Việt Nam dự định thí điểm thị trường tín chỉ carbon vào năm 2025, các tập đoàn đã trữ sẵn tín chỉ carbon phòng khi có nhu cầu. Tuy nhiên, việc mua tín chỉ carbon là nỗi đau đầu khi thị trường chưa có cơ chế để biết loại chứng chỉ nào được công nhận, mà thật giả cũng khó lường. “Tôi không tin vào chứng chỉ carbon”, ông Gricha Safarian, CEO Puratos Grand-Place Việt Nam, nói về kế hoạch tự phát triển chứng chỉ của riêng họ để thay thế những khoản bù đắp carbon đang được sử dụng cho sản phẩm có tổng phát thải bằng 0 của mình.

Việt Nam đang ở giai đoạn đầu trên hành trình Net Zero, đó là giai đoạn kiểm kê khí nhà kính. “Trên thế giới có nhiều nguồn để tham khảo mức quy đổi phát thải, nhưng cũng có chỉ tiêu còn thiếu... Khi ấy chúng tôi dùng kinh nghiệm để ước tính”, ông Nguyễn Duy Hải, Giám đốc Kinh doanh - Thức ăn chăn nuôi của Bühler Asia Việt Nam, nói về quá trình tính toán phát thải cho khách hàng của họ. Điều quan trọng, theo vị này, không phải là phải áp dụng công nghệ mới nhất, mà là tìm điểm gây phát thải nhiều nhất để khắc phục.

 

Có 3 phạm vi phát thải được xếp theo mức độ chủ động quản lý của doanh nghiệp. Phạm vi 1 là phát thải trực tiếp gây ra bởi các nguồn do doanh nghiệp sở hữu hoặc kiểm soát. Phạm vi 2 là phát thải gián tiếp (như phát thải từ điện mua, hơi nước và hệ thống sưởi/làm mát cho các hoạt động của doanh nghiệp...). “Tất cả còn lại thuộc phạm vi 3”, ông Khuê nói.

“Các nguồn thuộc phạm vi 3 cực kỳ khó để kiểm đếm đầy đủ và chính xác”, ông Khuê phân tích. Phát thải khí nhà kính từ hoạt động nằm ngoài tầm kiểm soát trực tiếp của tổ chức như trong chuỗi cung ứng hoặc sử dụng sản phẩm của tổ chức. Đây là phạm vi khó kiểm kê nhất vì đòi hỏi thu thập thông tin từ nhiều bên liên quan.

Nhưng phạm vi 3 không phải là cuộc chơi một người. Trong điều kiện mọi cam kết chỉ mới xuất phát từ sự tự nguyện của tổ chức như ở Việt Nam, không khó để giải thích tại sao những mục tiêu Net Zero ở phạm vi 3 đều đến từ các tập đoàn lớn của thế giới. “Phát thải ròng bằng 0 trong phạm vi 3 sẽ không thể đạt được nếu không có sự đồng thuận của chính phủ và các bên liên quan trong chuỗi cung ứng”, ông Khuê kết luận.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới