Hủy
Kinh Doanh

Doanh nghiệp Việt như "ngồi trên đống lửa" do ảnh hưởng từ xung đột Nga- Ukraine

Hải Bằng Thứ Năm | 10/03/2022 15:12

Doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam phải dừng giao dịch với Nga và chuyển sang tìm nhà cung ứng từ các nước khác như: Úc, Nam Mỹ, Nam Phi. Ảnh: TL.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản, nông sản, dệt may...của Việt Nam đang bắt đầu bị ảnh hưởng về xuất khẩu từ cuộc chiến xung đột Nga-Ukraine.
 

Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm đang có đơn hàng xuất khẩu dệt may sang Nga đang chịu ảnh hưởng từ thị trường Nga. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Duy Ninh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm, công ty này chịu 3 tác động.

Một số ngân hàng Nga bị loại khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) khiến việc thanh toán giữa Hồ Gươm và khách hàng bị “treo”. Lô hàng trị giá 4 triệu USD đã xuất nhưng chưa được thanh toán.

Vấn đề thứ 2 bị ảnh hưởng là vận tải. Hàng của Hồ Gươm đã đến Hà Lan nhưng đang bị “giam” vì chưa chuyển được sang Nga. Thứ 3 là tỉ giá. Xung đột tại Nga - Ukraine khiến đồng ruble rớt 40% còn doanh nghiệp ký hợp đồng thì giao dịch bằng USD. Doanh nghiệp cũng mua nguyên phụ liệu trả bằng USD. Ngay khi nhận được tin Nga bị trừng phạt, Hồ Gươm đã liên hệ với một vài doanh nghiệp có thể thanh toán không thông qua SWIFT nhưng vẫn vướng về tỉ giá.

Ảnh: TL.
Ảnh: TL.

Ngoài ra, hiện doanh nghiệp này còn những lô đã mua nguyên phụ liệu với khoảng 40 container, khi chuyển sang thành phẩm tương đương với 100 container trị giá gần 5 triệu USD. Tuy nhiên, nền kinh tế Nga đang giảm nhu cầu tiêu thụ, người dân Nga cũng thắt lưng buộc bụng hơn. Khi đồng ruble yếu, chi phí sinh hoạt tăng lên, giá hàng hóa sẽ leo thang. Mất đơn hàng hoàn toàn có thể xảy ra.

Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG và các doanh nghiệp làm ăn với thị trường Nga lại bị từ chối vận chuyển. Trong đó, bản thân TNG là doanh nghiệp trong ngành dệt may có quan hệ hợp tác trực tiếp với thị trường Nga.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị TNG thông tin, TNG  đã ký với đối tác Nga mà cụ thể là Tập đoàn Sportmaster hợp đồng 12,5 triệu USD; Các lô hàng đã được Công ty triển khai và hoàn thành. Theo ông Thời, đến nay các lô hàng đến hạn giao cho khách hàng tại thị trường Nga vẫn chưa giao được do nhiều doanh nghiệp vận chuyển từ chối.

Tìm những giải pháp và hướng đi mới

Không chỉ ngành dệt may, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản đang lo ngại về tình hình đơn hàng. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP): "Hiện có khoảng 50 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép xuất khẩu thủy sản sang Nga. Có những doanh nghiệp đã giao hàng cho đối tác ở Nga nhưng chưa nhận được tiền và đang lo lắng về việc sẽ khó thu được tiền hàng khi Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT.

Mặt khác, có những công ty ở một số nước khác, trước nay vẫn nhập khẩu thủy sản Việt Nam để chế biến xuất khẩu sang Nga cũng bị ảnh hưởng, dẫn tới ngừng mua thủy sản Việt Nam”. Theo ông Hòe, trong 2 tháng đầu năm nay, ước tính xuất khẩu thủy sản sang Nga đạt 32 triệu USD, còn xuất khẩu thủy sản sang Ukraine đạt gần 7 triệu USD.

Giám đốc một doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu điều tại Bình Phước cho biết các khách Nga đã dừng đặt đơn hàng mới. Thực tế, doanh nghiệp Việt Nam cũng không dám ký hợp đồng mới với Nga bởi quá rủi ro. 

Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Vinacas, chia sẻ với các lô hàng đã xuất bến tại Việt Nam lúc này không thể đến trực tiếp cảng Nga mà phải thông qua cảng trung gian tại Đức hoặc Hà Lan, sau đó sẽ phải đợi để đi tiếp. Ông Giang, chia sẻ: "Các hãng tàu thông báo với doanh nghiệp như vậy, phải lưu bãi chi phí càng tăng thêm".

Công ty Phúc Sinh mỗi năm xuất khẩu khoảng 30 triệu USD cà phê, hạt điều, tiêu... sang Nga. Riêng từ đầu năm đến nay, đơn hàng sang Nga tăng gấp đôi cùng kỳ 2020. Khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra và các nước phương Tây áp đặt loạt trừng phạt lên Nga, các đơn hàng xuất khẩu của Phúc Sinh bị dừng lại. Bản thân lãnh đạo của Phúc Sinh cũng liên tục liên lạc với các khách hàng tại Nga và châu Âu để hỏi thăm tình hình và đặc biệt, để giải quyết tình trạng ùn ứ đơn hàng và chứng từ thanh toán.

Việc thiếu hãng tàu, chi phí vận chuyển tăng cộng thêm rủi ro thanh toán khiến các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam phải dừng giao dịch với Nga và chuyển sang tìm nhà cung ứng từ các nước khác như: Úc, Nam Mỹ, Nam Phi.

Có thể bạn quan tâm:

Ứng phó rủi ro từ chiến sự

Xuất khẩu vẫn sáng cửa


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới