Hủy
Kinh Doanh

"Hãy kiên trì và quyết tâm với thị trường Myanmar"

Thứ Hai | 15/07/2013 15:54

Theo Chủ tịch BIDV, Myanmar là thị trường đầy tiềm năng để thay thế cho những thị trường hiện hữu đang có vấn đề của Việt Nam.
 

Tại buổi hội thảo chuyên đề về xúc tiến đầu tư vào Myanmar do Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Myanmar (AVIM) phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức sáng nay (15/7), Chủ tịch AVIM kiêm Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà cho biết, về đầu tư trước 2009 chưa có dự án nào của việt Nam được triển khai và chỉ có 2 doanh nghiệp Việt Nam thiết lập văn phòng đại diện tại Myanmar.

Tuy nhiên, đến nay, đã có 23 doanh nghiệp Việt Nam thành lập công ty, văn phòng đại diện tại Myanmar và 4 dự án của Việt Nam được cấp phép đầu tư với tổng giá trị gần 600 triệu USD, trong đó đáng chú ý là dự án phức hợp tổ hợp khách sạn văn phòng nhà ở cap cấp của Tập đoàn HAG với tổng mức đầu tư 440 triệu USD.

Ông Trần Bắc Hà cũng cho biết thêm, hiện đang có 18 dự án của Việt Nam đang nghiên cứu, hoàn thiện các thủ tục xin cấp phép đầu tư với vốn đầu tư dự kiến hơn 600 triệu USD trong các lĩnh vực ngân hàng, nông nghiệp, trong cây công nghiệp và hàng tiêu dùng, may mặc, vật liệu xây dựng...

Về thương mại, mặc dù tổng kim ngạch thương mại giữa 2 nước không lớn nhưng tăng trưởng rất nhanh, mức tăng 60% giai đoạn 2009 - 2012 từ đó có thể thấy Myanmar là thị trường rất lớn. Trong khi đó, cũng đã có nhiều hội chợ của Việt Nam tại Myanmar và hàng đều bán hết, cho thấy hàng hóa của Việt Nam phù hợp với nhu cầu người dân Myanmar.

Theo đó, Chủ tịch AVIM khẳng định, đến thời điểm này nhận xét của ADB khi cho rằng Myanmar là mảnh đất vàng cuối cùng của châu Á là hoàn toàn đúng. Nếu đến được Myanmar thì Việt Nam sẽ giải quyết được cả thị trường Bangladesh và phía Nam Ấn Độ từ đó có thể hình dung độ lớn của thị trường này.

Ông cho rằng, có nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Myanmar bởi độ mở của nền kinh tế Myanmar rất lớn, ngay cả tiềm năng và sức hấp dẫn cũng lớn hơn cả các nước như Lào và Campuchia rất nhiều. Trong khi đó, Myanmar có nhiều điểm tương đồng về thể chế và văn hóa, thân thiện với Việt Nam và Tổng thống Myanmar cũng từng đặt vấn đề ưu tiên cho Việt Nam đầu tư trong một số lĩnh vực.

"Hãy kiên trì và quyết tâm với thị trường Myanmar vì đây là một thị trường đầy tiềm năng trong khi những thị trường hiện hữu của chúng ta đang có vấn đề. Thị trường Myanmar không bao giờ lỗ và chỉ có lợi", ông nói.

Tuy nhiên, ông Hà cũng thừa nhận, mảnh đất vàng Myanmar tuy rất hấp dẫn nhưng không chỉ dành riêng cho Việt Nam. Vấn đề đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam là phải xác định được phương hướng đầu tư và giữ tâm thế đến "bền vững, dài hạn, không nên ăn sổi ở thì". Trong khi đó, cơ quan nhà nước cũng phải lắng nghe những gì là rào cản và mở đường cho doanh nghiệp Việt Nam.

Về phía cơ quan quản lý, tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Trung - Cục Phó Cục đầu tư nước ngoài cũng nhấn mạnh, từ Chính phủ, bộ ngành cho đến doanh nghiệp cần phải quán triệt hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài nói chung và Myanmar nói riêng, bên cạnh mục tiêu đầu tư còn phải có đóng góp phát triển kinh tế - xã hội của nước sở tại.

Về những khó khăn trong cơ chế, chính sách đầu tư ra nước ngoài, ông Trung cho biết, cơ quan quản lý đang xử lý, hoàn thiện. Bên cạnh đó, sẵn sàng hỗ trợ cho doanh nghiệp để hoàn thiện hồ sơ cấp phép đầu tư, cung cấp tài liệu về luật, hỗ trợ xúc tiến và tìm hiểu môi trường đầu tư của Myanmar.

"Thời gian vừa qua, nhiều bộ ngành, doanh nghiệp ký nhiều MoU - là cơ sở thúc đẩy cho quá trình đầu tư Việt Nam - Myanmar. Hi vọng phía Myanmar sẽ tạo điều kiện để các dự án cụ thể đi vào triển kha. Phía Việt Nam cũng mong muốn bộ ngành Myanmar tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam phát huy được trong những lĩnh vực cầu nối như lĩnh vực ngân hàng nhằm hỗ trợ hoạt động đầu tư, thương mại", ông Trung chia sẻ.

Tại hội thảo, đại diện Ủy ban đầu tư Myanmar (MIC) chia sẻ, Myanmar là thị trường tiêu dùng lớn và lao động lớn với nhà đầu tư. Myanmar nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ - là cầu nối giữ Đông Á, Trung Á với các khu vực còn lại.

Theo vị này, tiềm năng kinh tế của Myanmar là hi vọng của người dân và cũng là trách nhiệm của Chính phủ. Do đó, song song với cam kết tạo nền tảng vững chắc, môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư, Chính phủ Myanmar cũng kiên quyết xây dựng hệ thống kinh tế công bằng, bình đẳng.

"Kinh tế cần tăng trưởng để gia tăng tài sản xã hội nhưng vẫn cần sự khai thác hợp lý. Myanmar cần sự hỗ trợ của bạn quốc tế trong áp dụng công nghệ xanh, sạch và thúc đẩy hợp tác có trách nhiệm", bà nói.

Nguồn Dân Việt


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới