Hủy
Kinh Doanh

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU: Từ góc nhìn châu Âu

Thứ Bảy | 18/10/2014 20:54

Tờ AseanToday viết Hiệp định này nếu được thông qua sẽ thúc đẩy mạnh quan hệ thương mại giữa hai bên.
 

Nhận định về sự phát triển quan hệ thương mại Việt Nam-EU, tác giả Rafał Tomański, trong bài viết đăng trên trang http://www.rp.pl ngày 12/10 của Ba Lan, cho rằng, trọng tâm chuyến thăm các đối tác châu Âu lần này của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xoay quanh việc đàm phán EVFTA.

Đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) được bắt đầu từ tháng 6/2012 trên cơ sở Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) với mục tiêu tạo ra một thị trường thương mại tự do Việt Nam-EU.

Việt Nam có thể có những lợi ích cụ thể như tạo cơ chế thuận lợi cho hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU, cũng như thúc đẩy đầu tư của EU vào Việt Nam. Ngoài ra, việc ký kết EVFTA sẽ giúp Việt Nam hoàn tất chuỗi FTA với các đối tác kinh tế, thương mại lớn.

Về phía EU, EVFTA sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong khối này thâm nhập, đầu tư vào thị trường Việt Nam cũng như thông qua Việt Nam để tiếp cận thị trường ASEAN.

Từ góc độ của Chính phủ Việt Nam, quá trình đàm phán cho đến nay vẫn diễn ra thuận lợi. Khả năng kết thúc đàm phán hiện phụ thuộc vào nỗ lực và ý chí chính trị của lãnh đạo EU.

Hãng thông tấn Deutsche Welle (Đức), trong bài “Thủ tướng Việt Nam thăm châu Âu” thì nhận định, EVFTA khi được triển khai sẽ dỡ bỏ những rào cản thương mại, tạo an toàn pháp lý, bảo vệ đầu tư và quyền sở hữu trí tuệ. Những người ủng hộ tin rằng EVFTA sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho cả hai bên.

Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng những ngành công nghiệp như giày dép và dệt may của Việt Nam có thể ngày càng phát triển nhưng những lĩnh vực khác như nông nghiệp, chế tạo máy và điện tử sẽ phải chịu nhiều sức ép cạnh tranh từ châu Âu. Theo phân tích trong một nghiên cứu của Viện Konrad Adenauer (KAS) gần đây, "điều này sẽ là một cản trở lớn cho sự phát triển của Việt Nam vì như vậy Việt Nam vẫn tập trung vào những sản phẩm tạo giá trị thấp".

Các tác giả của nghiên cứu trên cũng lo ngại gia tăng đói nghèo ngắn hạn tại các vùng nông thôn. Tuy nhiên, điều này sẽ được khắc phục về lâu dài do người lao động có thể chuyển sang ngành nghề khác. Nghiên cứu của KAS kết luận "lợi ích lớn nhất cho Việt Nam từ EVFTA sẽ là sự hoà nhập sâu hơn vào thương mại thế giới".

Những yếu tố về luật pháp là cản trở lớn nhất để kết thúc đàm phán. EU có những tiêu chuẩn rất cao về bảo vệ người tiêu dùng. Nguồn gốc của sản phẩm phải được chứng minh, các điều kiện về kinh doanh bền vững và môi trường phải được đáp ứng. Ngoài ra, EU đòi hỏi cải cách các bộ luật liên quan đến cạnh tranh, sáng chế và sở hữu trí tuệ. Theo nghiên cứu của KAS, điều đó có nghĩa là: "Trước khi EVFTA có thể phát huy tối đa hiệu quả, Việt Nam cần phải thực hiện các biện pháp cải cách pháp luật. Nếu không, Việt Nam không thể đáp ứng được các yêu cầu của EU".

Báo Rzeczpospolita (Ba Lan) viết, hiện tại EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất và đứng ở vị trí thứ 2 trong việc trao đổi thương mại của Việt Nam. Trong thời gian tới, Hiệp định EVFTA có thể làm tăng GDP của Việt Nam lên 10-15%.

Theo ước tính, với việc ký kết Hiệp định tự do thương mại Việt Nam-EU, xuất khẩu hàng hóa từ châu Âu (vào Việt Nam) có thể tăng 3,1% mỗi năm. Cuối cùng việc thiết lập quan hệ kinh tế ổn định với Hà Nội sẽ là nền tảng cho việc mở rộng hơn nữa thị trường của các nước ASEAN khác. Điều này sẽ làm tăng ảnh hưởng của EU tới các nước trong khu vực này.

Nguồn Chinhphu.vn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới