Hủy
Kinh Doanh

Kiến trúc copy vs Du lịch Glocal

Ngọc Minh Thứ Sáu | 02/02/2024 10:18

Phú Quốc. Ảnh: shutterstock.com

Để có lời giải trọn vẹn trong nỗ lực liên kết giữa các chuỗi cung ứng của ngành du lịch, cần có sự toàn tâm của các chủ dự án BĐS.
 

Một dòng báo cáo của FiinGroup  mà ngành du lịch nên quan tâm. Đó là thông tin nhấn mạnh “khách du lịch đến Việt Nam hướng đến trải nghiệm môi trường, phong cảnh tự nhiên, nét văn hóa được bảo tồn... chứ không muốn trải nghiệm châu Âu thu nhỏ như Phú Quốc”.

Muốn là Phú Quốc chứ không cần châu Âu thu nhỏ

Báo cáo này trùng với thời điểm Phú Quốc đang cấp tập triển khai nhiều biện pháp để hút khách trở lại sau thời gian sụt giảm mạnh khách du lịch. Có nhiều nguyên nhân khiến đảo ngọc mất điểm trong mắt du khách trong và ngoài nước như chi phí đắt đỏ, dịch vụ không tương xứng, cơ sở hạ tầng thiếu thốn... Tuy nhiên, ý kiến từ ông Đặng Mạnh Phước, Giám đốc Điều hành The Outbox Company, lại trùng với khuyến cáo trong báo cáo của FiinGroup. Ông cho rằng Phú Quốc có lợi thế về tài nguyên và là điểm đến du lịch nghỉ dưỡng nhưng hiện tại bị bê tông hóa quá nhiều. Khách du lịch đến Phú Quốc có thể trải nghiệm, nhìn ngắm những công trình hoành tráng, những con phố Tây... nhưng lại không tìm thấy nét riêng, bản sắc riêng của Phú Quốc.

 

Đây không chỉ là vấn đề của riêng Phú Quốc mà là bài toán của cả ngành du lịch Việt Nam trong nhiều năm qua. Cũng có vô số lý do khiến du lịch Việt Nam tụt lại thời hậu COVID-19 như visa, vé máy bay, kinh tế suy thoái... Tất cả các lý do đều đúng nhưng quay lại vấn đề mà 2 ý kiến trên vừa nhấn mạnh: du lịch mất bản sắc.

Gần đây, vấn đề này nổi lên trong làn sóng đầu tư vào các “thiên đường du lịch” nhưng tất cả dường như có xuất phát điểm từ đầu cơ bất động sản với hàng loạt dự án trải dài từ Bắc vào Nam. Trong các phép tính riêng của mình, những ông chủ bất động sản chỉ hướng tầm nhìn để bán hết biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao, khu đô thị biển..., chứ không chú trọng đến bài toán dài hạn là phát triển du lịch địa phương. Chính vì thế, người ta cho xây dựng vô số những dự án được so sánh với vườn châu Âu đến phố Địa Trung Hải. Giống tất cả nhưng lại không giống Việt Nam.

Kiến trúc trong các dự án tại điểm đến du lịch như Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang... vay mượn yếu tố từ nước ngoài để đáp ứng thị hiếu của phân khúc khách hàng mà các dự án đang nhắm tới. Tuy nhiên, những dự án này lại ảnh hưởng đến thẩm mỹ đô thị cùng nhiều hệ lụy khác về di sản, thiên nhiên và cuối cùng du lịch phải gánh hậu quả khi du khách ngoảnh mặt với những bản kiến trúc nhái.

Bất động sản và du lịch có mối quan hệ khắng khít, đặc biệt là cơ sở lưu trú du lịch chính là sản phẩm của bất động sản. 2 lĩnh vực bổ trợ cho nhau để cùng phát triển và thực hiện được mục tiêu của từng ngành là rất quan trọng. Tuy nhiên, bán nhà vẫn được đặt lên trước bán tour chứ không phải ngược lại. Đó là khi những thiên đường du lịch như Phú Quốc, Phan Thiết lại thưa thớt khách thì các dự án bất động sản tại đây cũng trở nên kém hấp dẫn đối với cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Và lúc này, các nhà đầu tư bất động sản vội vã làm nhiều chương trình kích cầu du lịch để mong du khách đông đúc trở lại nhưng lại chỉ để nhằm tăng lực hút bán nhà.

Sao chép trong kiến trúc du lịch hoàn toàn khác và đi ngược với khái niệm Glocal - được ghép bởi 2 từ là “Toàn cầu” (Global) và “Địa phương” (Local). Bởi đây là xu hướng làm nổi bật các đặc điểm của từng địa phương để thu hút du khách toàn cầu. Không chỉ ở các thành phố lớn, nhiều địa phương Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia... cũng gây ấn tượng với xu hướng Glocal nhờ những đặc trưng riêng của mình. Mỗi khu vực mang nét khác biệt, tiêu biểu thông qua những yếu tố như địa lý, khí hậu, lịch sử, văn hóa, ẩm thực... 

Việt Nam đặt mục tiêu 13-15 triệu lượt khách quốc tế với mức tiêu bình quân khoảng 1.150 USD. Tuy nhiên, bức tranh chung của ngành du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức chưa thể giải quyết. Từ nhiều năm qua, du lịch khá tự phát và manh mún, chưa có quy hoạch đồng bộ trong chiến lược phát triển bền vững gắn bảo tồn thiên nhiên. Chuỗi giá trị trong ngành du lịch còn gặp phải nhiều vấn đề đối với giá dịch vụ, phương tiện di chuyển, chất lượng nhà hàng, khách sạn, hành vi “chặt chém khách”... Vẽ thêm những vườn châu Âu và phố Địa Trung Hải thực sự không giúp ích gì thêm, thậm chí còn làm nhiều điểm đến đang đẹp đẽ thì nay bỗng khiến du khách dị ứng.

Glocal và giá trị của bản sắc văn hóa

Với bài toán vắng khách của Phú Quốc, ông Đoàn Văn Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Phú Quốc, đưa ra ý kiến tại một hội nghị nhằm chấn chỉnh hoạt động du lịch địa phương: “Các doanh nghiệp ngồi lại với nhau cùng chung tư tưởng rồi đi đến hành động, tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần phát triển du lịch Phú Quốc bền vững. Địa phương sẽ xử lý nghiêm các mặt tồn tại chèo kéo khách, bán giá cao để cho khách yên tâm đến Phú Quốc vui chơi”, ông Tiến nói.

Nhưng phát biểu đáng chú ý hơn là ý kiến từ ông Hà Tấn Tài, chủ cơ sở nước mắm Đại Đức: “Tôi cho rằng khi đến một nơi nào đó, khách du lịch rất mong muốn được trải nghiệm văn hóa, lễ hội địa phương. Tuy nhiên, vấn đề này chúng ta còn hạn chế. Lễ hội và các ngành truyền thống không được quảng bá mạnh mẽ, từ đó không phát huy được hết các giá trị cốt lõi”.

Đúng là bản sắc văn hóa tạo nên sự khác biệt của mỗi quốc gia và mỗi điểm đến. Sự đa dạng, độc đáo riêng của mỗi nền văn hóa, mỗi điểm đến là yếu tố hấp dẫn du khách khám phá, trải nghiệm. Khai thác yếu tố văn hóa bản địa để xây dựng các sản phẩm du lịch bền vững là con đường mà nhiều quốc gia đang đầu tư để phát triển ngành du lịch bền vững. Những công trình kiến trúc và di sản được bảo tồn sẽ kể các câu chuyện về lịch sử và bản sắc văn hóa riêng biệt, trở thành “của để dành” cho ngành du lịch khai thác lâu dài.

 

Nhiều điểm đến của Việt Nam như Hà Nội, Hạ Long, Đà Nẵng, Hội An, Quảng Bình, TP.HCM, Phú Quốc... đã được nhiều tạp chí du lịch quốc tế bình chọn là Top điểm đến giàu bản sắc văn hóa nhất, hấp dẫn nhất châu Á với những lời ngợi khen: kỳ quan đẹp nhất, bãi biển đẹp nhất, hang động kỳ vĩ nhất thế giới... Việt Nam có khoảng 40.000 di tích được kiểm kê, trong đó có 8 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới và 14 Di sản được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngoài ra, Việt Nam còn có 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Có thể nói Việt Nam đang sở hữu kho báu du lịch văn hóa và di sản nhưng lại đối mặt với nghịch lý vắng khách. Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Đại học Khoa học và Xã hội Nhân văn, giải thích rằng phần lớn các điểm di sản mới đang ở dạng đầu tư ban đầu hoặc dạng tiềm năng, nên dịch vụ du lịch, các điểm vui chơi, giải trí còn ít. Việc này dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp du lịch chỉ coi những di sản văn hóa là điểm phụ trợ trên tuyến hành trình của du khách chứ không có khả năng hút khách. Chưa kể tình trạng thiếu liên kết, cạnh tranh không lành mạnh. Di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam đang được khai thác để phục vụ du lịch một cách manh mún khiến một số loại hình di sản phi vật thể thành hàng hóa đơn thuần và ngày càng bị khai thác một cách méo mó.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới