Hủy
Kinh Doanh

Ngân hàng trong cuộc đua tăng vốn và cải thiện hệ số CAR

Thanh Tùng Thứ Ba | 26/02/2019 16:03

Ảnh: Tạp chí tài chính.

Câu chuyện của ngành ngân hàng năm 2019 sẽ là Basel II và tăng vốn.
 

Mới đây, công ty CP Chứng khoán TP.HCM đưa dự báo rằng ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) sẽ bán 41,42 triệu cp quỹ để cải thiện hệ số CAR trước năm 2020.

Đó không chỉ là mục tiêu của ACB mà còn là mục tiêu chung của các ngân hàng khác trong năm 2019 này. Vì theo thông tư 41 NHNN, kể từ ngày 1.1.2020, các ngân hàng phải có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất xác định trên cơ sở báo cáo tài chính hợp nhất của ngân hàng tối thiểu là 8%.

Mới đây Moody cũng đã cảnh báo rằng Moody's chỉ ra rằng mặc dù sức khỏe tài chính của ngân hàng được cải thiện, nhưng sự cạnh tranh lớn hơn để thu hút đầu tư tư nhân sẽ khiến các ngân hàng Việt Nam gặp khó khăn hơn trong việc tăng vốn vào năm 2019.

Cần biết rằng, một số chuyên gia lo ngại rằng hệ số CAR mỏng là một vấn đề lớn với các ngân hàng Việt Nam. Hiện tại, theo thông tin từ NHNN, tính đến tháng 11.2018, hệ số CAR của các ngân hàng có vốn nhà nước đã giảm về mức 9,33% so với mức 9,52%  của năm 2017.

Trao đổi với NCĐT, ông Nguyễn Nhật Khánh, chuyên gia phân tích ngân hàng của CTCP Biên An Toàn - một công ty tư vấn, cho biết: “Câu chuyện của ngành ngân hàng năm 2019 sẽ là tăng vốn để tuân thủ chuẩn mực của Basel II”.

Giữ an toàn tài chính luôn là một yếu tố quan trọng trong khi các ngân hàng cũng phải tăng trưởng cho vay để cạnh tranh. Một trong 2 yếu tố giúp tăng CAR là phải huy động vốn hay là tăng vốn hay phải sản sinh ra lợi nhuận giữ lại nhiều hơn, để bổ sung vốn cấp 1 và vốn cấp 2, nhằm duy trình tỷ lệ an toàn vốn ở mức từ 8% trở lên.

Ngan hang trong cuoc dua tang von va cai thien he so CAR

Thời điểm đáp ứng chuẩn về Basel II đang đến gần và lộ trình Ngân hàng Nhà nước đề ra là đến năm 2020, hệ thống ngân hàng Việt Nam phải có từ 12 - 15 ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel II.

Theo đó, yêu cầu đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tối thiểu, nâng cao sức cạnh tranh trong hệ thống đẩy áp lực phải sớm tăng vốn của các ngân hàng ngày càng lớn, đặc biệt là ở nhóm ngân hàng nhỏ có vốn điều lệ từ 3.000 - 5.000 tỉ đồng.

Và Vietcombank là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống tăng vốn trong năm nay. Thương vụ phát hành riêng lẻ 111,1 triệu cổ phiếu VCB với giá 55.510 đồng/cp cho ngân hàng Nhật Bản Mizuho và quỹ GIC từ Singapore diễn ra vào cuối tháng 12.2018 nhưng vốn điều lệ của ngân hàng mới chính thức tăng từ cuối tháng 1 vừa qua. Vietcombank huy động được 6.167 tỉ đồng từ đợt phát hành này. Thương vụ BID phát hành riêng lẻ cổ phiếu cho Keb Hana Bank nhiều năm qua cũng được kỳ vọng sẽ được hoàn tất năm nay.

Ngoài hình thức phát hành riêng lẻ như trường hợp của 2 ông lớn trên các ngân hàng còn nhiều phương thức khác để tăng vốn. Trong đó bao gồm trả cổ tức bằng cổ phiếu, thưởng cổ phiếu hay là mua bán và sáp nhập.

Một động lực khác để các ngân hàng tăng vốn là nhằm gia tăng cho vay. Vì ngoài việc tăng huy động để gia tăng tổng tài sản, dẫn đến cho vay nhiều hơn, thì luật các TCTD yêu cầu một tổ chức tín dụng không được cho vay một khách hàng vượt quá 15% vốn chủ sở hữu, trong khi quy mô của các dự án ngày càng lớn, vì thế gia tăng vốn cũng là tăng cường hoạt động cho vay.

Nhìn chung các ngân hàng lớn, với lợi thế về cơ sở hạ tầng, thương hiệu, sẽ dễ tăng vốn hơn là các ngân hàng nhỏ. Moody cũng nhận định rằng việc huy động vốn chủ yếu từ các nhà đầu tư nước ngoài sẽ là trọng tâm của các ngân hàng trong năm 2019.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới