Hủy
Kinh Doanh

Quyết định tăng sản lượng của Ả-rập Saudi phải chăng chỉ là chiến lược đàm phán?

Vũ Hạo Thứ Ba | 10/03/2020 05:14

Ảnh: Money Control

Giá dầu thế giới có lúc rớt mạnh hơn 30% giữa lúc thị trường vẫn chưa “hoàn hồn” vì Nga từ chối hợp tác cắt giảm sản lượng thêm với OPEC.
 

Tính tới lúc 20h45 ngày thứ Hai (09/03 – giờ Việt Nam), giá dầu WTI giảm 9,15 USD (tương đương 22%) xuống 32,13 USD/thùng sau khi có lúc rơi xuống 30 USD/thùng. Còn giá dầu Brent tương lai giảm 21% xuống 35,52 USD/thùng.

* Giá dầu rớt mạnh 30% trước nguy cơ về cuộc chiến giá dầu sau khi thỏa thuận OPEC bất thành

Vì sao giá dầu rớt mạnh?

Trong ngày 05/03, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), dẫn đầu là Ả-rập Saudi, đề xuất cắt giảm thêm 1,5 triệu thùng dầu/ngày trong quý 2/2020, nhằm bảo vệ giá dầu trong bối cảnh kinh tế chịu ảnh hưởng từ đợt bùng phát virus corona chủng mới (Covid-19).

Tuy nhiên, sau cuộc họp kéo dài nhiều giờ vào ngày 6/3, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho biết Nga không muốn tham gia vào kế hoạch giảm sản lượng.

Phát biểu với báo giới, ông cho biết từ ngày 01/04 – thời điểm thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện tại hết hiệu lực, sẽ không có nước nào trong OPEC hay OPEC+ có nghĩa vụ phải tuân thủ việc giảm sản lượng.

Sau khi Nga từ chối cắt giảm sản lượng thêm, Ả-rập Saudi tỏ ra tức giận, quyết định đẩy mạnh sản lượng vượt ngưỡng 10 triệu thùng/ngày (theo nguồn tin Reuters) và giảm giá bán dầu chính thức cho tháng 4/2020. Hiện tại Ả-rập Saudi đang bơm 9,7 triệu thùng/ngày, nhưng có năng lực sản xuất lên đến 12,5 triệu thùng/ngày.

Việc các nước trong khối liên minh OPEC+ không còn cắt giảm sản lượng và Ả-rập Saudi – nước tích cực giảm sản lượng nhất – tăng mạnh sản lượng tất nhiên sẽ làm tăng nguồn cung dầu trên thị trường. Cùng với đó, nhu cầu dầu hiện tại còn giảm mạnh vì virus corona chủng mới (Covid-19). Khi cung tăng mạnh và cầu giảm mạnh, chuyện giá dầu lao dốc cũng là chuyện hợp lẽ thường tình.

Tuy nhiên, nguy cơ lớn hơn là Ả-rập Saudi đang khơi ngòi cho cuộc chiến giá dầu.

"Nếu đó là một cuộc chiến giá cả thật sự, sẽ có rất nhiều tổn hại tới thị trường dầu mỏ", chủ tịch công ty dầu mỏ Crescent Petroleum của UAE Badr Jafar cảnh báo. "Nhiều nước sẽ phải chuẩn bị cho những cú sốc kinh tế và địa chính trị do môi trường giá thấp".

Mới đây, ngân hàng Goldman Sachs giảm dự báo giá dầu Brent trong quý 2 và 3/2020 xuống còn 30 USD/thùng và thậm chí có thể giảm xuống mức 20 USD/thùng. 

Phải chăng đây chỉ là chiêu trò đàm phán?

Tờ New York Times nhận định, nếu tình trạng bất đồng này kéo dài, các giám đốc công ty dầu mỏ sẽ chẳng có gì để ngăn chặn giá dầu giảm xuống mức thấp nhất trong ít nhất là 5 năm.

Tuy vậy, suy xét kỹ càng thì việc phá vỡ liên minh 3 năm giữa OPEC (do Ả-rập Saudi dẫn đầu) và Nga có lẽ chỉ mang tính tạm thời. Động thái cuối tuần trước của Ả-rập Saudi có thể chỉ là một phần của trò chơi đàm phán. Ả-rập Saudi và Nga vẫn có thể thỏa hiệp với nhau.

Việc Ả-rập Saudi hạ giá và tăng sản lượng sẽ khiến giá dầu giảm mạnh và gây thêm thiệt hại cho chính bản thân Ả-rập Saudi. Thật ra, trước đây, Ả-rập Saudi đã từng sử dụng chiến lược để sản lượng cao “đè bẹp” giá dầu và những đối tượng cạnh tranh với vương quốc trong năm 2015-2016. Khi giá dầu thấp, lợi nhuận của các đối thủ cũng giảm và họ sẽ phải bỏ cuộc.

Tuy nhiên, tăng sản lượng dầu gây nên tác dụng ngược đối với Riyadh. Giá dầu thấp hơn khiến ngân sách của vương quốc thâm hụt nặng nề, đồng thời làm giảm quỹ dự trữ ngoại hối. Hậu quả tồi tệ nhất là: Mặc dù tăng sản lượng, thị phần của Ả-rập Saudi trên thị trường dầu mỏ vẫn giảm và giá dầu giảm mạnh. Do đó có thể thấy, việc áp dụng chiến lược tăng sản lượng của Ả-rập Saudi chỉ mang lại kết quả tiêu cực và lúc đó, sức ảnh hưởng của nước này còn lớn hơn bây giờ rất nhiều. 

Thật ra, chính Ả-rập Saudi là quốc gia ủng hộ tích cực nhất cho việc cắt giảm sản lượng để thúc đẩy giá dầu. Khao khát giá dầu cao được thể hiện rõ qua những nỗ lực cắt giảm sản lượng gần đây, Ả-rập Saudi luôn là nước chịu phần cắt giảm nhiều nhất trong khối OPEC và thậm chí nước này còn liên tục cắt giảm nhiều hơn cam kết. Trong tháng 1/2020, mức độ tuân thủ thỏa thuận của Ả-rập Saudi lên tới 184%, trong khi Nga chỉ đạt 78%, dựa trên nguồn tin từ Bloomberg.

Mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của liên minh OPEC+ trong tháng 1/2020. Nguồn: Bloomberg
Mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của liên minh OPEC+ trong tháng 1/2020. Nguồn: Bloomberg

Vì sao lại như vậy? Ả-rập Saudi từ lâu là một quốc gia giàu lên nhờ “vàng đen” nhưng cũng vì thế mà họ phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ. Lĩnh vực dầu khí mang lại gần 87% ngân sách, 90% lợi nhuận xuất khẩu và 42% GDP nước này. Giá dầu càng cao sẽ mang lại nguồn thu lớn hơn cho quốc gia, nhất là khi Ả-rập Saudi liên tục thâm hụt ngân sách trong những năm gần đây.

Vương quốc dầu mỏ này cần giá dầu cao để cân bằng thâm hụt ngân sách khi quốc gia muốn tạo thêm việc làm, sử dụng lượng tiền từ dầu mỏ để thúc đẩy lĩnh vực tư nhân và duy trì dự trữ dầu nước ngoài.

Tim Callen, Trưởng phái đoàn Ả Rập Saudi đến IMF, cho biết một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ này là loại bỏ tình trạng thâm hụt ngân sách.

Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), giá dầu giúp cân bằng ngân sách của Ả-rập Saudi lên đến 83,6 USD/thùng – cách quá xa so với mức 35 hiện tại. Do đó, Ả-rập Saudi luôn muốn cắt giảm sản lượng là vậy.

Dự báo mức giá dầu giúp cân bằng ngân sách của Ả-rập Saudi năm 2020. Nguồn: Fred
Dự báo mức giá dầu giúp cân bằng ngân sách của Ả-rập Saudi năm 2020. Nguồn: Fred

Chưa hết, Ả-rập Saudi còn đặt ra kế hoạch Vision 2030, trong đó nước này đặt mục tiêu thoát khỏi sự lệ thuộc vào dầu mỏ, dùng tiền từ dầu để thúc đẩy lĩnh vực tư nhân. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, đây chỉ là một mong ước có vẻ xa vời.

Còn Nga thì sao? Khác với Ả-rập Saudi, Nga có mức phụ thuộc vào dầu thấp hơn và chỉ cần giá dầu dưới 50 USD/thùng để cân bằng tình hình tài chính.

Bà Laura James, nhà phân tích vùng Trung Đông cấp cao tại Oxford Analytica, nói với Al Jazeera rằng: “Mức giá dầu để cân bằng tài chính của Nga chỉ là 42,4 USD/thùng. Trong thập kỷ qua, vấn đề tài chính của Chính phủ rất căng thẳng, nhưng trong năm 2019, trọng tâm đã chuyển sang quản lý việc phân bổ ngân sách giải ngân”.

Trong ngày Chủ nhật (08/03), Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga được bảo vệ tốt nhất trước đà giảm của giá dầu. Tuy vậy, ông Putin cũng cho rằng điều này không có nghĩa là không cần hành động, bao gồm cả việc hợp tác với các quốc gia nước ngoài.

Từ đó cho thấy, hai bên vẫn có khả năng đang chơi trò đàm phán và  có thể thỏa hiệp với nhau vì nếu không thì chẳng bên nào được lợi cả.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới