Hủy
Kinh Doanh

Singapore hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia du lịch bền vững nhất thế giới

Hoàng Kim Thứ Tư | 31/08/2022 16:30

Singapore Xanh 2030 là kế hoạch phát triển bền vững trên toàn Đảo quốc Sư tử với mục tiêu trở thành quốc gia không phát thải carbon vào năm 2050.

Hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, ngành du lịch Singapore cũng được đặt trong bối cảnh bền vững, nhằm giảm thiểu thấp nhất lượng phát thải ra môi trường.
 

Trong cuộc gặp với NCĐT, ông Keith Tan - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore (STB) chia sẻ những nỗ lực phục hồi du lịch cũng như chiến lược của Chính phủ Singapore trong việc thúc đẩy và phát triển ngành du lịch xanh.

Thưa ông, đâu là những định hướng chủ đạo cũng như nỗ lực của chính phủ Singapore để phục hồi du lịch hậu COVID-19?

Du lịch là một phần quan trọng của nền kinh tế Singapore. Trước khi COVID-19 bùng phát, vào năm 2019, Singapore đón 19 triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới và họ đã chi tiêu gần 28 tỷ đô la Singapore. Vì vậy ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là phục hồi tăng trưởng du lịch để có thể tiếp tục trở thành một điểm đến hấp dẫn.

Thứ nhất, chúng tôi tập trung khôi phục khả năng kết nối của Singapore với thế giới qua các hãng hàng không. Thứ hai, Singapore sẽ tổ chức một loạt các sự kiện tầm cỡ quốc tế, chẳng hạn như Wellness Festival hay Giải đua xe Công thức Một. Du khách đến Singapore sẽ có cơ hội tham dự nhiều sự kiện thể thao, văn hóa, sức khỏe và kinh doanh trong các năm tới.

Ông Keith Tan - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore chia sẻ những nỗ lực phục hồi du lịch cũng như chiến lược của Chính phủ Singapore trong việc thúc đẩy và phát triển ngành du lịch xanh
Ông Keith Tan - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore chia sẻ những nỗ lực phục hồi du lịch cũng như chiến lược của Chính phủ Singapore trong việc thúc đẩy và phát triển ngành du lịch xanh

Thứ ba, Singapore đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động vì nhiều nhân sự chưa quay lại làm việc trong ngành du lịch. STB đang giúp các khách sạn cũng như các điểm tham quan thu hút thêm nhân lực để có thể đáp ứng nhu cầu của du khách.

COVID-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến ngành du lịch Singapore nói chung và du lịch bền vững nói riêng, thưa ông?

Trong 2 năm qua, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề trên khắp thế giới. Tôi hy vọng chúng ta sẽ không phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nào như vậy nữa. Những gì chúng tôi phải làm trong 2 năm qua là hỗ trợ du lịch trong nước. Tôi biết Việt Nam cũng đã làm rất tốt điều đó và tại Singapore, chúng tôi đã có một chiến dịch khuyến khích người dân đến các điểm du lịch nội địa và bảo trợ các khách sạn để hỗ trợ ngành du lịch.

Hướng đến tương lai, du lịch bền vững đóng vai trò rất quan trọng. Cũng giống như bất kỳ thành phần nào của nền kinh tế, sự bền vững không chỉ dành riêng cho ngành du lịch mà cho toàn bộ đất nước. Chúng tôi đặt mục tiêu phát triển bền vững ở nhiều khía cạnh như giảm lượng khí thải, quản lý chất thải gây ô nhiễm, quản lý nước và tiêu thụ năng lượng. Du lịch, công nghiệp, sản xuất và xây dựng… mọi thứ đều phải bền vững hơn. Vì vậy, du lịch chỉ là một phần của kế hoạch quốc gia về bền vững.

Hiện nay, ngày càng có nhiều du khách quan tâm đến du lịch bền vững. Họ quan tâm đến việc liệu điểm du lịch hoặc khách sạn có cam kết giảm lượng khí thải hay không. Tất cả những gì chúng tôi đang làm là vạch ra một kế hoạch nhằm giúp các khách sạn, điểm du lịch và sự kiện du lịch trở nên bền vững hơn bằng cách sử dụng nhiều nguồn năng lượng tái tạo hơn, giảm thiểu phát thải để ngành du lịch có thể trở nên thân thiện hơn với môi trường trong tương lai.

Vậy trong quá trình chuyển đổi đó, Singapore đã đối mặt với những thách thức nào?

Thách thức lớn nhất khi chọn con đường phát triển bền vững là lựa chọn này rất tốn kém. Việc lắp đặt các tấm pin mặt trời hay thay đổi hệ thống điều hòa để chúng trở nên thân thiện với môi trường hơn đều cần nhiều kinh phí. Tất cả các khách sạn hiện nay đều biết rằng hệ thống điều hòa không khí của họ không thân thiện với môi trường. Để giải quyết vấn đề đó, họ cần chia sẻ hệ thống điều hòa với các tòa nhà khác gần đó nhưng việc này cũng khá tốn kém.

Nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp cũng là một thách thức không nhỏ khác. Các khách sạn thật ra có nhiều ý tưởng để vận hành một cách bền vững hơn nhưng họ cần tìm đúng đối tác với các công cụ và giải pháp phù hợp. Một trong những nhiệm vụ mà STB đang thực hiện là tạo ra một thị trường chung, nơi đó quy tụ các công ty cung cấp giải pháp và các khách sạn, điểm du lịch có thể kết nối với nhau.

Cụ thể, STB đã phối hợp với các doanh nghiệp trong ngành du lịch như thế nào để đảm bảo sự thành công và tăng trưởng bền vững của ngành, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều thách thức hậu đại dịch?

Việc phối hợp với các doanh nghiệp trong ngành du lịch là rất quan trọng vì nếu các doanh nghiệp không tuân thủ các chính sách của Chính phủ thì các chính sách sẽ trở nên vô ích. Vì vậy, tất cả các kế hoạch bền vững của chúng tôi đều được phát triển với sự tham gia của các doanh nghiệp trong ngành. Chẳng hạn như, cách đây vài tháng, chúng tôi đã công bố lộ trình phát triển bền vững cho các khách sạn. Điều thú vị nhất, đây lại là ý tưởng do chính các khách sạn đề xuất chứ không phải STB. Các khách sạn và Hiệp hội khách sạn đã họp lại với nhau và đưa ra kế hoạch cụ thể: đâu là những điều cần làm vào năm 2025, vào năm 2030 hoặc vào năm 2050 để có thể loại bỏ phát thải carbon trước năm 2050. Vai trò của chúng tôi chỉ là hỗ trợ và giúp họ tìm ra những công ty có giải pháp phù hợp.

Ông Keith Tan cho biết sắp tới du khách khi đến Singapore sẽ có cơ hội tham dự nhiều sự kiện thể thao, văn hóa, sức khỏe và kinh doanh
Ông Keith Tan cho biết sắp tới du khách khi đến Singapore sẽ có cơ hội tham dự nhiều sự kiện thể thao, văn hóa, sức khỏe và kinh doanh

Singapore có những lợi thế gì trong phát triển du lịch bền vững so với các nước Đông Nam Á khác và STB đã tận dụng những lợi thế này như thế nào, thưa ông?

So với Việt Nam, một đất nước lớn với nhiều thành phố và nhiều địa điểm du lịch khác nhau thì Singapore khá nhỏ bé. Điều đó giúp chúng tôi dễ dàng hơn trong việc huy động các nguồn lực và thu hút sự tham gia của toàn ngành du lịch. Lợi thế lớn khác mà Singapore có được là chúng tôi đã có kế hoạch quốc gia về phát triển bền vững. Kế hoạch này được gọi là Kế hoạch Singapore Xanh 2030. Đây là kế hoạch dành cho cả nước chứ không chỉ cho riêng ngành du lịch. Theo kế hoạch này, Singapore sẽ trở thành quốc gia không phát thải carbon vào năm 2050.

Phát triển bền vững là điều mà chúng ta phải làm cho tương lai và cho thế hệ mai sau. Chúng tôi mong rằng Singapore sẽ trở thành một điểm đến với nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách nhưng tác động rất ít đến môi trường. Với những nỗ lực này, chúng tôi kỳ vọng Singapore sẽ trở thành một trong những quốc gia du lịch bền vững nhất trên thế giới.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới