Hủy
Kinh Doanh

Top 50 2021: Công ty Cổ phần FPT từ cơn say đa ngành đến dẫn đầu số hóa

Kim Dung Thứ Sáu | 13/08/2021 08:00

Khoảng 4 năm sau khi tinh gọn bộ máy, năm 2013 FPT Retail lại được tách ra khỏi FPT Trading. Ảnh: TL.

FPT tìm lại động lực tăng trưởng khi tham gia chiến lược chuyển đổi số của kinh tế Việt Nam.
 

Từ một ông lớn trong mảng công nghệ thông tin, sau đó lấn sang các lĩnh vực khác như bất động sản, bán lẻ, tài chính ngân hàng, Công ty Cổ phần FPT (mã FPT) đã quay về với giá trị cốt lõi và dẫn đầu xu hướng số hóa.

Tham vọng về tập đoàn đa ngành 

Ra đời năm 1988 với tiền thân là Công ty Công nghệ Thực phẩm, sau hơn 3 thập niên phát triển, đến nay FPT đã trở thành tập đoàn lớn mạnh với 30.651 nhân viên (năm 2020).

Trong chặng đường hình thành và phát triển, 2006 là năm cột mốc quan trọng: Tháng 10.2006, FPT trở thành doanh nghiệp công nghệ thông tin đầu tiên của Việt Nam ký kết sử dụng phần mềm của Microsoft với đầy đủ bản quyền. Đây là bước tiến quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa FPT và Microsoft.

Đặc biệt, 2006 cũng là năm cổ phiếu FPT được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), khi đó là Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP.HCM với giá 160.000 đồng/cổ phiếu. Từ năm 2006 trở về trước, FPT mở rộng phát triển các mảng ngành nghề nhưng cũng chỉ xoay quanh lĩnh vực phần mềm, công nghệ, viễn thông.

 

Tuy nhiên, năm 2007 đánh dấu bước ngoặt lớn đối với FPT với tham vọng đa ngành. Bên cạnh công nghệ, viễn thông, FPT còn mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ, tham gia cuộc chơi bất động sản và dịch vụ tài chính. Thời điểm ấy, FPT đã tham gia góp vốn thành lập các đơn vị liên kết trong ngành tài chính ngân hàng như FPT Securities, FPT Capital và TPBank hay lĩnh vực bất động sản với Công ty Phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc (FHL) và FPT Land.

Không dừng lại ở đó, FPT còn dấn thân vào sân chơi bán lẻ và thành lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Bán lẻ FPT (FPT Retail) chuyên kinh doanh các sản phẩm tin học viễn thông, tập trung chủ yếu là điện thoại di động và máy tính xách tay vào năm 2007.

Giữa lúc FPT đang trong guồng quay đa ngành thì trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cũng trong cơn say giá khi mã FPT đạt hơn 665.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 2.2007 (giá sau điều chỉnh là 35.850 đồng/cổ phiếu).

Sau một năm “bành trướng”, năm 2008 FPT ghi nhận khoản lỗ gần 40 tỉ đồng từ hoạt động đầu tư tài chính, lỗ 19,7 tỉ đồng từ bất động sản và khoản lỗ hơn 17,6 tỉ đồng từ bán lẻ. Trước tình hình này, FPT bắt đầu tinh gọn bộ máy với 2 mảng kinh doanh là công nghệ thông tin - viễn thông và hoạt động đầu tư vào năm 2009.

Dẫn đầu số hóa 

Khoảng 4 năm sau khi tinh gọn bộ máy, năm 2013 FPT Retail lại được tách ra khỏi FPT Trading. FPT Trading còn lại ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất và phân phối các sản phẩm ICT trong khi FPT Retail kinh doanh chủ yếu là điện thoại di động và máy tính xách tay.

 

Sau khi bán bớt cổ phần tại FPT Retail, FPT Trading, FPT đã thay đổi chiến lược và tập trung toàn lực cho công nghệ. Theo báo cáo thường niên năm 2020, ở khối công nghệ, FPT sở hữu 100% vốn ở FPT Software, FPT IS và FPT Smart Cloud. Ở khối viễn thông, FPT sở hữu FPT Telecom (45,65%) và FPT Online (49,52%). Đối với mảng giáo dục và đầu tư, FPT nắm giữ toàn bộ vốn ở FPT Education và FPT Investment. Với các mảng phân phối, bán lẻ, FPT tuy vẫn nắm giữ cổ phần nhưng chỉ liên kết, không còn vai trò chi phối.

Những động thái này cho thấy quyết tâm dồn lực cho công nghệ của FPT. Ở lần ra quân này, FPT không tập trung vào công nghệ phần cứng mà hướng sự chú ý vào giải pháp phần mềm, tư vấn giải pháp. Trong đó, chuyển đổi số được FPT ưu tiên và kỳ vọng hơn cả. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT, cho biết: “Chuyển đổi số tiếp tục là xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược và là vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp trong thập niên tới”.

Xu hướng chuyển đổi số tiếp tục được tái khẳng định giữa những gián đoạn đang diễn ra do COVID-19. Theo ông Nguyễn Văn Khoa, CEO của FPT, đại dịch đã tạo ra cú hích chưa từng có về nhu cầu chuyển đổi số của mọi tổ chức, doanh nghiệp. FPT đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này, chuyển dịch mạnh mẽ và nâng tầm vị thế trên toàn cầu.

Ảnh: TL.
Doanh thu FPT duy trì tăng trưởng 2 con số, trong khi các công ty công nghệ tên tuổi của thế giới tăng trưởng âm. Ảnh: TL.

Doanh thu FPT duy trì tăng trưởng 2 con số, trong khi các công ty công nghệ tên tuổi của thế giới tăng trưởng âm. Chỉ trong 1 năm, FPT đã liên tiếp trở thành đối tác ưu tiên chiến lược, tư vấn, triển khai những hợp đồng chuyển đổi số toàn diện có giá trị kỷ lục trên 100 triệu USD cho các tập đoàn lớn tại Mỹ, Nhật, Malaysia.

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc chuyển đổi số, FPT đã và đang thu được những kết quả tích cực. Năm 2020, doanh thu chuyển đổi số của FPT tiếp tục tăng trưởng mạnh ở mức 31%, đặc biệt đến từ các công nghệ như điện toán đám mây, IoT, Low Code.

Năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Tập đoàn vẫn tăng trưởng doanh thu và lãi sau thuế lần lượt 7,6% và 13% so với năm 2019. Trong đó, mảng công nghệ và viễn thông tiếp tục đóng góp chính với 43% và 39% trong cơ cấu lợi nhuận trước thuế năm 2020 của FPT. Kế hoạch kinh doanh năm 2021 đã được Hội đồng Quản trị FPT thông qua trong bối cảnh dịch bệnh chưa hoàn toàn được kiểm soát, với chỉ tiêu doanh thu 34.720 tỉ đồng, tăng 16,4% và lợi nhuận trước thuế 6.210 tỉ đồng, tăng 18% so với năm 2020.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới