Hủy
Kinh Doanh

[Trực tiếp]: Bầu Kiên sẽ được quyền tự bào chữa

Thứ Tư | 28/05/2014 15:15

Ngày 28/5, các luật sư tiếp tục tham gia tranh luận để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bị cáo tại tòa.
 

17h40: HĐXX thông báo nghỉ buổi xét xử hôm nay. Ngày mai (29/5), Tòa tiếp tục làm việc.

17h35: Đối với hành vi đầu tư cổ phiếu, tại cuộc họp ngày 2/1/2009 rồi ngày 5/1/2009 ra Nghị quyết của HĐQT, luật sư Hưng dẫn cáo trạng “Trong thông báo này ghi rất rõ, giá cổ phiếu đang thuận lợi cho hoạt động sinh lợi, và tính thanh khoản cao…. “không bàn đến việc mua cổ phiếu ACB tại cuộc họp chính thức của HĐQT. Lời khai của một số người liên quan tại tòa cũng đã chứng minh rằng, đã có thông tin về mua cổ phiếu ACB nhưng chỉ là cuộc bàn ngoài cuộc họp, bên chén trà. Trong việc thực hiện mua cổ phiếu Hải không có chủ trương ngầm về đầu tư cổ phiếu ACB..."

Từ lập luận của mình, ông Hưng kiến nghị, ông Hải không phạm tội, có chăng thì là tội danh khác. Nếu bị quy kết tội danh khác ông Hưng mong HĐXX xem xét hành vi để lượng hình.

17h30: Phân tích về quy kết của VKS, ông Hưng nói, điều 165 (Cố ý làm trái) gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên tội danh đối với Hải là gây hậu quả nghiêm trọng. “Đây là hai khái niệm khác nhau. Ở vụ án này khái niệm pháp luật đang bị đảo lộn”, ông Hưng lập luận.

Phân tích tiếp, ông Hưng nói, ở vụ án Huyền Như đã chứng minh Huyền Như chiếm đoạt tiền như thế nào. Việc các nhân viên gửi tiền và bị chiếm đoạt chỉ là nguyên nhân gián tiếp gây ra hậu quả của việc mất số tiền 718 tỷ đồng. Điều này không thỏa mãn điều kiện của tội cố ý làm trái.

Đối với việc ra Nghị quyết HĐQT thì Hải có tham gia, nhưng tổ chức thực hiện thì Hải không tham gia, cho nên kết luận Hải cố ý là không thỏa mãn.

17h07: Tiếp theo, luật sư Nguyễn Đình Hưng tham gia tranh luận.

17h05: Đối với bị cáo Huỳnh Quang Tuấn, luật sư Tám kiến nghị phải làm rõ bản chất của vụ án và thả bị cáo Huỳnh Quang Tuấn ngay tại tòa, như vậy sẽ hợp tình hợp lý.

17h00: Đối với hành vi đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB của Lý Xuân Hải, luật sư Lưu Văn Tám cho rằng, tại Ngân hàng ACB, ông Trần Xuân Giá – Chủ tịch HĐQT ACB có quy định, tất cả chủ trương của HĐQT thông qua đều phải bằng văn bản. Tại văn bản họp HĐQT không hề có văn bản nào nói về chủ trương mua cổ phiếu của ACB.

Đối với hành vi mua cổ phiếu của ACB thông qua Công ty Chứng khoán ACBS, bị cáo Hải không biết và cho rằng, khi biết sự việc này Lý Xuân Hải đã rất tức giận. Cho nên xét hành vi thực hiện chủ trương mua cổ phiếu, Hải hoàn toàn không hay biết.
16h50: Luật sư Hưng dẫn tiếp phần luận tội của VKS cho rằng nhân viên ACB thỏa thuận với Huyền Như để được hưởng lãi suất vượt trên nên để Huyền Như chiếm đoạt tiền. Theo ông Hưng, trong thỏa thuận gửi tiền với Huyền Như, nhân viên ACB gửi tiền theo lãi suất 14%. Đây là thỏa thuận dân sự, nên theo bộ luật dân sự tiền hoa hồng, khuyến mãi vượt trần… phải xử lý dân sự, còn số tiền thực tế vẫn đã chuyển cho Vietinbank.

Đối với tiền hoa hồng, khuyến mãi cũng không phải là nguyên nhân khiến ACB mất tiền. Nhân viên ACB không cầm thẻ tiết kiệm mà để Huyền Như cầm dẫn đến bị chiếm đoạt. Do vậy, ông Hưng cho rằng, Vietinbank trích trả số tiền 718 tỷ đồng cho ACB.
16h35: Luật sư Nguyễn Đình Hưng tiếp tục phần bào chữa. Lập luận tại tòa, về khoản tiền 718 tỷ đồng – là hậu quả mà cơ quan công tố cáo buộc cáo bị cáo trong tội Cố ý làm trái, ông Hưng cho rằng, theo cáo buộc của VKS, nguyên nhân mất tiền do nhân viên ACB chỉ làm việc và giao dịch thông qua cá nhân Huyền Như chứ không thông qua Vietinbank.

Ông Hưng cho rằng, nếu theo lập luận này, các nhân viên ACB khi đến Vietinbank làm việc phải gặp Giám đốc và phó Giám đốc. Trong đó, trên thực tế, gửi tiền cho ngân hàng, mọi người chỉ tiếp xúc với nhân viên và làm các thủ tục, hồ sơ và các vấn đề liên quan. Việc ký duyệt phải do lãnh đạo ngân hàng. Do vậy, nhân viên ACB không gặp lãnh đạo Vietinbank là điều hiển nhiên. “Đây là trách nhiệm quản lý nhân viên”, ông Hưng nói.

16h25: HĐXX tiếp tục làm việc.

16h10: Sau phần bào chữa của luật sư Nguyễn Đình Hưng về tội cố ý làm trái cho bị cáo Lý Xuân Hải, HĐXX tuyên nghỉ giải lao.
16h00: Tiếp theo, luật sư Vũ Ngọc Chi nêu quan điểm bào chữa cho bị cáo Huỳnh Quang Tuấn.

Theo luật sư Chi, nhìn nhận chung, các bị cáo không phạm tội cố ý, vì vào thời điểm họp và ra Nghị quyết là đúng pháp luật.

Đối với hành vi Cố ý là trái ở đây không có thiệt hại. Thiệt hại được nhìn nhận hai khía cạnh: Thứ nhất là đại diện ACB không có thiệt hại đối với hành vi của các bị cáo; Thứ hai bản án hình sự đối với Huyền Như đang có kháng cáo, kháng nghị nên chưa xác nhận thiệt hại của ACB.

Đối với Công văn 350, đại diện NHNN đã giải thích nhiều và nói rằng để buộc tội cần phải căn cứ thêm, nên nếu như cáo buộc của VKS lấy Công văn 350 là căn cứ buộc tội là không phải căn cứ. Đối với Thông tư 04, khi ra đời thì việc ủy thác cũng đã chấm dứt nửa năm.

Về quan điểm riêng đối với Huỳnh Quang Tuấn, cáo buộc của VKS nói rằng, Tuấn tham gia cuộc họp HĐQT vào ngày 22/3/2010 với tư cách PGĐ Ngân hàng ACB là nhằm cáo buộc bị cáo về hành vi Cố ý làm trái.

Luật sư Chi cho rằng, Tuấn tham gia cuộc họp với chức danh PGĐ ngân hàng ACB nhưng với tư cách là khách mời vì không thuộc thành viên thường trực HĐQT. Bản thân trong Nghị quyết của HĐQT, Tuấn cũng không được ký tên.

Về việc Huyền Như chiếm đoạt số tiền 718 tỷ đồng trong thời gian Tuấn đã là trở thành viên thường trực HĐQT nên phải chịu trách nhiệm như cáo buộc, luật sư Chi biện minh, quy trình bổ nhiệm HĐQT được cơ quan quản lý Nhà nước phê chuẩn. Bản thân trong lời khai của Như trong việc chiếm đoạt là không thỏa thuận với ai khác ngoài chị Huỳnh Thị Bảo Ngọc. "Hành vi chiếm đoạt tiền của Huyền Như từ ý chí cá nhân, không liên quan đến việc Tuấn trở thành thường trực HĐQT. Cho nên việc cáo buộc Tuấn tội cố ý làm trái là không đúng" - Luật sư Chi nói.

15h40: Sau phần bào chữa của luật sư Tâm, lần lượt các luật sư Kiều Thị Thùy Uyên và luật sư Phùng Anh Tuấn đưa quan điểm bào chữa cho các bị cáo Huỳnh Quang Tuấn và Lê Vũ Kỳ về hành vi Cố ý làm trái.

15h30: Đối với hành vi đầu tư cổ phiếu của Ngân hàng ACB, luật sư Tâm cho rằng, cần dựa vào thông báo của HĐQT về việc đầu tư cổ phiếu để xem thân chủ có vi phạm. Theo thông báo của HĐQT không có dòng nào nói về đầu tư mà chỉ nói chủ trương và giao cho bầu Kiên.

Việc căn cứ vào một số lời khai trong cuộc họp HĐQT có bàn về việc mua cổ phiếu để quy kết là không đúng. Lời khai tại toà của của Lý Xuân Hải và Nguyễn Đức Kiên thống nhất từ khi bị khởi tố đến khi ra trước vành móng ngựa.

Hải khai, một số cổ đông có nêu trong giờ giải lao, khi họ đang uống trà. Việc quy kết trong cuộc họp HĐQT nêu chủ trương ACBS mua cổ phiếu ngân hàng ACB là không đúng.

"Chủ trương cấp 700 tỷ đồng để thực hiện chủ trương đầu tư cổ phiếu là không sai phạm pháp luật" luật sư Tâm biện luận.

15h20: Luật sư Tâm đưa ra lý lẽ: Đối với số tiền 718 tỷ đồng, Ngân hàng ACB đã gửi tiền hợp pháp vào Vietinbank. Việc mất tiền là do Huyền Như lừa nhân viên, lãnh đạo của mình. Tiền Huyền Như chiếm đoạt là từ túi Vietinbank chứ không phải từ túi ACB.

Như vậy, xác định rằng, việc mất 718 tỷ không phải thiệt hại do cố ý làm trái. Việc Ngân hàng ACB khăng khăng không công nhận mình dự phiên tòa với tư cách nguyên đơn dân sự vì tiền của ACB vẫn còn trong túi Vietinbank.

Cho nên, luật sư Tâm nói rằng, nếu quy kết bị cáo Quang tội cố ý làm trái thì phải theo điều khoản nào trong luật, bị cáo có gây hậu quả thiệt hại không?… Nếu không chứng minh được thì lấy đâu ra căn cứ để quy kết bị cáo làm trái.

15h15: Tại tòa, đại diện NHNN, ông Đặng Văn Thảo dựa vào Công văn 350 để nói rằng các bị cáo thực hiện ủy thác trái với luật các tổ chức tín dụng năm 2010. Cơ quan điều tra và VKS đã dựa vào Công văn 350 làm căn cứ kết tội bị cáo.

Theo luật sư Tâm, việc giải thích này chưa có căn cứ. Việc quy kết Ngân hàng ACB có vi phạm luật tổ chức tín dụng hay không thì phải xét thêm yếu tố khác. “Vậy yếu tố khác này là gì? Chưa phù hợp với luật các tổ chức tín dụng ở điểm nào, tại tòa ông Thảo loay hoay không trả lời được”, ông Tâm nói lại.

Cũng theo luật sư Tâm, cụm từ NHNN cho phép tổ chức tín dụng quyền ủy thác, là điều kiện cần phải hiểu đúng Điều 106, luật các tổ chức tín dụng thực hiện từ nhiều năm nay, nên NHNN không quy định thêm một văn bản riêng. Nếu Công văn 350 giải thích luật, thì thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chứ không thuộc Ngân hàng nhà nước. Cứ cho là Công văn 350 của NHNN thực hiện giải thích luật thì NHNN chưa thực hiện đúng vai trò của mình về quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

"Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn, chưa có chế tài hành chính đối với hoạt động ủy thác tiền gửi. Vậy căn cứ vào đâu để cáo buộc Trịnh Kim Quang vi phạm Điều 106" luật sư Tâm nói.

Phân tích trên khía cạnh chủ quan, luật sư Tâm cho rằng, vào thời điểm ký biên bản 22/3/2010, việc chủ trương gửi tiền và vẫn được thực hiện sau khi luật các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực vẫn không phải là cố ý phạm tội, không gây hậu quả (mất tiền), không nguy hiểm cho xã hội, đồng thời thời điểm đó, ACB vẫn có lãi.
15h00: Đối với nội dung truy tố bị cáo Trịnh Kim Quang về tội Cố ý làm trái, luật sư Tâm dẫn nội dung cáo trạng truy tố đối với bị cáo Trịnh Kim Quang. Theo đó, bị cáo Quang đã ký Nghị quyết của Thường trực HĐQT quyết định việc ủy thác tiền gửi cho các nhân viên đi gửi tiền vào ngày 22/3/2010.

Theo ông Tâm, phạm vi cáo trạng truy tố ở thời điểm luật các tổ chức tín dụng 2010 chưa có hiệu lực, Ngân hàng Nhà nước chưa có hướng dẫn ủy thác tiền gửi. Ông Tâm cho rằng, hành vi của bị cáo Quang không vi phạm luật tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/1/2011 vì trước ngày 1/1/2011, không cấm cá nhân gửi tiền vào cho ngân hàng khác, điều này đã được ghi trong hồ sơ vụ án.

Việc ngân hàng ACB ủy thác cho các cá nhân gửi tiền từ ngày 1/1/2011 về sau này cũng không vi phạm điều 106, luật các tổ chức tín dụng 2010 vì điều 106 luật không cấm mà còn cho ngân hàng ủy thác và nhận ủy thác.

Về nguyên tắc, luật mới có hiệu lực, chưa có hướng dẫn, cá nhân, doanh nghiệp không phải dừng các hoạt động kinh doanh tín dụng.

Quyết định 742 của NHNN là văn bản duy nhất hướng dẫn ủy thác, đã không cấm việc ủy thác gửi tiền. Các văn bản sau vẫn hướng dẫn tiếp tục thực hiện. “Đến thời điểm này, khi đang xét xử, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn gửi tiền vào các tổ chức tín dụng”, ông Tâm nói.

Ông Tâm dẫn chứng, Ngân hàng ACB đã thực hiện ủy thác từ năm 2005, cho nên quyền lợi đương nhiên của tổ chức tín dụng này là tiếp tục thực hiện ủy thác. Cho nên, nếu Ngân hàng Nhà nước cho rằng, hành vi này vi phạm thì NHNN phải tự xác định trách nhiệm của mình.

14h40: Cũng theo luật sư Tâm, đối với hành vi Huyền Như chiếm đoạt tiền của Ngân hàng ACB là nguyên nhân dẫn đến tranh luận từ đầu phiên tòa, để xác định trách nhiệm dân sự của ACB và trách nhiệm của Ngân hàng Vietinbank.

Luật sư Tâm cho rằng, để xác định hành vi của thường trực HĐQT có vi phạm hay không thì phải chứng mình hậu quả thiệt hại của ACB. Thiệt hại này đang trở thành kết quả của 2 vụ án, tạo nên hiện tượng gọi “án chống án”, một tiền lệ chưa có trong lịch sử tố tụng Việt Nam.

“Có lẽ xác định được vấn đề này nên trong phần luận tội, VKS đã xác định: Vì hậu quả thiệt hại ở vụ án khác, nên không xét đối với hậu quả của vụ án này”, ông Tâm nói.

14h30: Nhận xét về tố tụng đối với bị cáo Trịnh Kim Quang, luật sư Tâm cho rằng cơ quan điều tra đã vi phạm điều 126 Bộ luật tố tụng hình sự.

Theo dẫn chứng của ông Tâm thì: Quyết định khởi tố bị can không ghi những nội dung quan trọng: Không ghi ngày lập biên bản họp HĐQT; Không ghi rõ luật tổ chức tín dụng có hiệu lực vào ngày 1/1/2011; Không ghi thời điểm Huyền Như chiếm đoạt tiền của Ngân ACB.

Đây là 3 điểm quan trọng theo điều 126 nhưng không được cơ quan điều tra đưa vào hồ sơ vụ án. “Cơ quan điều tra tự cho phép mình thực hiện “hồi tố” đối với các thành viên thường trực HĐQT ACB”, ông Tâm nói.

Theo Luật sư Tâm, việc khởi tố không đủ căn cứ pháp luật, cho nên tính hiệu lực của nó trong quá trình điều tra cũng có vấn đề dẫn đến phát sinh hành vi hình sự đối với các bị cáo.
14h22: Luật sư Tâm cho rằng, tại tòa xuất hiện nhiều tình tiết mới so với hồ sơ của vụ án nhưng không được đại diện VKS đề cập trong phần kết luận truy tố.
14h10: HĐXX bắt đầu làm việc. Luật sư Nguyễn Minh Tâm – Đoàn luật sư TP HCM bắt đầu phần bào chữa cho bị cáo Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang.

11h40: Tòa thông báo nghỉ phiên xét xử buổi sáng nay. Chiều nay, 14h, Tòa tiếp tục làm việc.

11h30: Luật sư Phùng Anh Tuấn tiếp tục bào chữa cho bị cáo Lê Vũ Kỳ. Phần bào chữa bị cắt ngang do HĐXX tuyên bố đã đến giờ nghỉ trưa.

11h18: Phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của luật sư Phạm Danh Tín cho bị cáo Lý Vũ Kỳ, Trịnh Kim Cang và Phạm Trung Cang.

Theo lập luận của luật sư Tín, chưa đủ các yếu tố để cáo buộc Lý Vũ Kỳ tội Cố ý làm trái.

11h15: Lập luận của ông Ngọc tại tòa cho rằng, việc quy kết hợp đồng ủy thác của Công ty B&B với bà Nguyễn Thúy Hương – em gái của Kiên và hợp đồng ủy thác tài chính giữa Công ty B&B và Ngân hàng ACB bị quy kết là trá hình, quá nặng nề nhưng vấn đề này lại chưa được làm rõ.

Ông Ngọc cũng cho rằng, phụ lục hợp đồng ủy thác trong hành vi Trốn thuế không được đề cập đến, nếu được đề cập thì cũng rất mơ hồ. “Đây là vấn đề then chốt”, ông Ngọc nói. Theo ông Ngọc, cần làm rõ phụ lục của hợp đồng thì có thể biết trách nhiệm nộp thuế thuộc về ai.

Cũng theo ông Ngọc thì trong các văn bản trả lời của Tổng Cục thuế và Bộ Tài chính có những yếu tố lại trừ. Các văn bản này không chỉ ra rằng, trong năm 2009, nghĩa vụ nộp thuế của B&B còn thiếu 25 tỷ đồng.

Đối với viện dẫn của VKS quy kết tội trốn thuế từ trả lời của Tổng cục thuế, và kết luận giám định viên Bô tài chính, ông Ngọc nói, không đủ yếu tố xác định nghĩa vụ thuế của Công ty B&B.

Đối với động cơ phạm tội, theo thông tin của ông Ngọc, các doanh nghiệp của Kiên đóng rất nhiều tiền thuế. "Vậy với động cơ nào để Kiên trốn 25 tỷ tiền thuế?, ông Ngọc đặt vấn đề.

Ngay sau khi luật sư Ngọc dừng phần bào chữa, bị cáo Kiên xin tranh luận nhưng HĐXX đề nghị: Các luật sư khác tiếp tục tranh luận và sẽ cho bị cáo được quyền bào chữa sau.

11h05: Luật sư Ngô Huy Ngọc tiếp tục bào chữa cho bầu Kiên tội trốn thuế. Ông Ngọc cho rằng, Kiên không phạm tội.

Ông Ngọc nói: “Kiên bị kết tội trốn thuế là điều mọi người và tôi không ngờ. Kiên là một doanh nhân có nhiều đóng góp thông qua việc nộp thuế”. Vì vậy, ông Ngọc cho rằng cần phải có căn cứ khách quan để chứng minh tội trốn thuế, hành vi phạm tội là không có căn cứ pháp luật. Đề nghị HĐXX tuyên Kiên không phạm tội trốn thuế.

10h50: Nhắc lại quy trình ủy thác tiền cho nhân viên để thực hiện mở tài khoản thanh toán, sau đó Ngân hàng ACB gửi số tiền đó vào tài khoản, luật sư Nam nói, hợp đồng mở tài khoản này có chữ ký của đại diện hợp pháp của Vietinbank TP HCM là Giám đốc và phó giám đốc. Theo ông Nam, các hợp đồng này hoàn toàn không đề cập đến việc nhân viên của ACB phải quản lý. Do vậy, đối với nhân viên ACB thì việc gửi tiền đã kết thúc.

Tiếp tục dẫn các bút lục trong hồ sơ vụ án, ông Nam muốn thẩm tra lại số tiền 718 tỷ bị thiệt hại, đồng thời ông Nam kiến nghị cần đưa việc Huyền Như và trách nhiệm của VietinBank vào bản án này.

Bản trình bày dài dòng của luật sư Nam bị HĐXX cắt ngang và đề nghị luật sư khác bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Kiên tiếp tục bổ sung phần bào chữa.
10h35: Tiếp tục phần bào chữa tội Cố ý làm trái, luật sư Vũ Xuân Nam cho rằng, trong hồ sơ vụ án này có rất nhiều hồ sơ chứng cứ, mô tả quy trình chiếm đoạt tiền của Huỳnh Thị Huyền Như. “Tôi muốn thẩm vấn Vietinbank nhưng rất tiếc bị từ chối”, ông Nam nói.

Ông Nam cho rằng, cơ quan điều tra đã sao chụp một số tài liệu của vụ án Huyền Như để đưa sang vụ án này. Chính vì vậy không làm rõ quá trình dịch chuyển và biến mất của số tiền 718 tỷ đồng.

10h15: Ngay sau khi làm việc sau giờ nghỉ, HĐXX “chỉnh” luật sư bào chữa cho bị cáo Kiên và cho rằng, theo tòa biết thì mỗi luật sư của bị cáo Kiên bào chữa một hành vi phạm tội của bị cáo, nên đề nghị luật sư phối hợp trong bào chữa và nói ngắn gọn.

10h10: Tòa tiếp tục làm việc.

9h50: Tòa nghỉ giải lao

9h45: Quan điểm của luật sư cho rằng, bầu Kiên không phải là chủ thể vi phạm. Việc cơ quan điều tra cho rằng Kiên gây áp lực đối với các bị cáo khác trong hành vi cố ý làm trái là mang tính áp đặt.

9h30: Luật sư Vũ Xuân Nam tiếp tục bổ sung quan điểm bào chữa về tội Cố ý làm trái của bầu Kiên.

9h28: Kết thúc phần bào chữa, ông Hùng nêu quan điểm: Nếu quy kết các bị cáo tội cố ý làm trái thì hàng loạt doanh nghiệp hiện này phải ngừng hoạt động để chờ thêm 2 năm NHNN đưa ra hướng dẫn việc thực hiện ủy thác theo luật các tổ chức tín dụng.

Ông Hùng cho rằng, việc Kiên bị khởi tố tội Cố ý làm trái thì một phần do việc thiếu trách nhiệm của NHNN, ông Hùng kiến nghị khởi tố hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng đối với một số cá nhân của NHNN, đồng thời kiến nghị HĐXX, việc bị cáo Kiên không phạm tội Cố ý làm trái.

9h25: Từ cơ sở quan điểm bào chữa của mình, ông Hùng đề nghị cần làm rõ một số vấn đề là: Giá trị pháp lý của Công văn 350 của NHNN. Nếu không có chữ ký của Thống đốc thì đấy là quan điểm cá nhân.

Tại Tòa, đại diện NHNN cũng cho biết: Công văn 350 chỉ là công văn tham khảo do chưa có hướng dẫn. Tuy nhiên, việc chưa có hướng dẫn phù hợp, việc làm của Kiên và nguyên các thường trực HĐQT không có nghĩa là vi phạm pháp luật.

Đại diện NHNN lại nói rằng, đơn vị tín dụng không được thực hiện ủy thác nếu chưa có hướng dẫn của NHNN. Nếu như thế thì quan điểm này mâu thuẫn với chính quan điểm trong Công văn 350.

Luật sư Hùng cũng cho rằng, việc dựa vào Công văn 350 để kết tội Kiên thể hiện sự lúng túng của cơ quan công tố vì không biết ACB vi phạm quy định nào trong pháp luật. Ông Hùng đề nghị, NHNN cần có văn bản trả lời rõ vấn đề này.

Cáo trạng nói ông Kiên phạm tội, vi phạm điều 90, luật các tổ chức tín dụng. Cáo buộc không khách quan vì không đưa thẩm tra công khai tại tòa mà đã vội vàng kết luận.

Theo ông Hùng, Điều 90, Luật các tổ chức tín dụng, được hiểu, tất cả các ngân hàng thương mại đều được cấp phép ủy thác và trong đó có hoạt động gửi tiền. Đối với Ngân hàng ACB đã thực hiện ủy thác từ năm 2005, trước 5 năm của luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực. Do đó việc ủy thác không vi phạm, ông Hùng nói.

Đối với số tiền 718 tỷ đồng ủy thác của Ngân hàng ACB bị Huyền Như chiếm đoạt, ông Hùng cho rằng, Vietinbank vi phạm quy định. Đơn vị có lỗi thì không chịu trách nhiệm. Hiện Ngân hàng ACB đang phải chịu trách nhiệm cho hậu quả của người khác.

9h20: Theo ông Hùng, cuộc họp của thường trực HĐQT vào tháng 3/2010 và ra Nghị quyết của Ngân hàng ACB bàn về ủy thác tiền gửi không sai pháp luật vì chủ trương này thuộc phạm vi của ACB để thực hiện mục tiêu kinh doanh, phù hợp với lợi ích cổ đông.

Theo luật sư Hùng, kết luận của đại diện viện kiểm sát nêu rằng, tại thời điểm thống nhất chủ trương uỷ thác gửi tiền là trái với đối tượng uỷ thác. Kết luận này trái với kết luận của Ngân hàng Nhà nước.

Việc uỷ thác gửi tiền của ACB không vi phạm điều 106 luật các tổ chức tín dụng. Thực tế, chưa có văn bản nào định nghĩa “sau khi có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước”.

8h50: Tiếp tục đưa quan điểm bào chữa về hành vi kinh doanh trái phép của bầu Kiên, tại Tòa, luật sư Đoàn Đôn Hùng đưa ra hàng loạt văn bản mà theo luật sư Hùng là chứng cứ trong kinh doanh trái phép giữa một số doanh nghiệp với Ngân hàng. Các doanh nghiệp này không có đăng ký kinh doanh thể hiện góp vốn, cổ phần, cổ phiếu nhưng vẫn thực hiện góp vốn cổ phần.

Liên quan đến tội danh trốn thuế, ông Hùng cung cấp văn bản của Công ty B&B hỏi cơ quan thuế về hướng dẫn thuế phải nộp.

8h40: Theo cáo buộc, Kiên trốn thuế do biết Quốc hội ra quyết sách về việc miễn thuế cá nhân. Luật sư Nam đề nghị VKS làm rõ việc chứng cứ để quy kết Kiên biết quyết sách này để phạm tội trốn thuế.

Đối với hợp đồng ủy thác giữa em gái Kiên Nguyễn Thúy Hương với Công ty B&B và hợp đồng ủy thác kinh doanh với Ngân hàng ACB, ông Nam cho rằng được kê khai đầy đủ. “Cho nên việc truy tố ở đây thực chất là cơ quan pháp luật đánh giá hợp đồng không hợp pháp”, ông Nam nói.

Luật sư Nam cũng đề nghị VKS làm rõ vấn đề phương pháp giám định, đối tượng giám định, tiêu chuẩn giám định… Ông Nam cũng cho rằng, giám định viên đã quên chế độ miễn giảm 30% thuế thu nhập của Công ty B&B. “Vậy vấn đề này có thể thẩm tra được không”, ông Nam đặt vấn đề.

8h25: HĐXX bắt đầu làm việc. Luật sư Vũ Xuân Nam tiếp tục đưa quan điểm bào chữa cho bị cáo Kiên.

8h00: Từ trước đó, bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo đã có mặt tại Tòa.

Ngày hôm qua 27/5, sau khi kết thúc phần xét hỏi, HĐXX chuyển sang phần tranh luận. Trước khi bước vào phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát đã đọc kết luận truy tố đối với bầu Kiên và đồng phạm. Theo đó, với việc bị cáo buộc 4 tội danh: Kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, bầu Kiên bị đề nghị mức án chung là 30 năm tù giam.

Ngay sau khi đại diện Viện Kiểm sát kết thúc phần kết luận truy tố, các luật sư bắt đầu phần bào chữa cho thân chủ của mình.

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến đều cho rằng, hai bị cáo này chỉ là người làm công ăn lương, việc làm của các bị cáo là không cùng ý chí với Nguyễn Đức Kiên là chỉ làm theo chỉ đạo, không được hưởng lợi, cho nên việc cáo buộc hai bị cáo này là đồng phạm giúp sức là không đúng.

Các luật sư bảo vệ cho bầu Kiên cũng bắt đầu bước vào phần tranh tụng. Theo lập luận của các luật sư đưa ra tại phần bào chữa của mình, bầu Kiên không có tội.

Ngày hôm nay (28/5), các luật sư tiếp tục tham gia tranh luận tại tòa với phần bào chữa cho Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo khác.

Nguồn VOV


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới