Hủy
Kinh Doanh

Việt Nam đầu tư 12 tỉ USD ra nước ngoài, 3 doanh nghiệp nhà nước vẫn dẫn đầu

Minh Anh Thứ Tư | 14/10/2020 15:36

Tổng số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài hiện nay là 12,2 tỉ USD. Ảnh:TL

Tổng số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài tính thời điềm hiện tại là 12,2 tỉ USD, trong đó vốn tập trung lớn nhất ở 3 tập đoàn nhà nước.
 

Báo cáo của Chính phủ về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội trong lĩnh vực tài chính đã cập nhật hiệu quả hoạt động của các dự án đầu tư ra nước ngoài. Theo báo cáo của 23 doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước thì trong năm 2019 không đăng ký dự án mới đầu tư ra nước ngoài.

Tổng số vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài hiện nay là 12,2 tỉ USD, trong đó 3 tập đoàn đầu tư lớn nhất như: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG).

Năm 2019, các doanh nghiệp thực hiện đầu tư vốn ra nước ngoài số tiền là 273 triệu USD, doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam với số vốn đầu tư ra nước ngoài luỹ kế là 3,12 tỉ USD (chiếm 51%), Viettel đứng thứ 2, còn Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đứng thứ 3.

Lũy kế đến ngày 31.12.2019, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện các doanh nghiệp là 6,1 tỉ USD (bằng 50,47% tổng số vốn đầu tư ra nước ngoài đăng ký); số còn phải tiếp tục đầu tư ra nước ngoài là hơn 6 tỉ USD.

Ảnh:viettel
Tổng vốn đăng ký đầu tư trong 2019 tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội là 2,99 tỉ USD. Ảnh:viettel

Cụ thể, trong 2019 tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội và đơn vị thành viên là Viettel Global đã đầu tư 10 dự án mạng viễn thông tại Campuchia, Lào, Mozambique, Đông Timor, Cameroon, Burundi, Tanzania, Haiti, Myanmar, Peru và 3 dự án nghiên cứu phát triển tại Pháp, Mỹ, Nga.

Tổng vốn đăng ký là 2,99 tỉ USD. Vốn thực hiện lũy kế đạt khoảng 1,79 tỉ USD. Lợi nhuận và vốn đầu tư đã chuyển về nước là trên 800 triệu USD (trong đó lợi nhuận là hơn 481 triệu USD).

Các dự án viễn thông tại Lào, Campuchia mang lại hiệu quả cao với lợi nhuận và vốn chuyển về nước lũy kế lần lượt là hơn 265 triệu USD và hơn 168 triệu USD. Các dự án viễn thông của Viettel tại các nước châu Phi đã hoạt động và bắt đầu có dòng tiền chuyển về nước. Các dự án tại Haiti, Mozambique và Cameroon đang trong quá trình hoàn vốn.

Ảnh:vietnamnet
Tập đoàn Dầu khí và các đơn vị thành viên đã triển khai 27 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 7,1 tỉ USD trong 2019. Ảnh:vietnamnet

Tập đoàn Dầu khí và các đơn vị thành viên đã triển khai 27 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 7,1 tỉ USD. Tổng vốn đã chuyển ra nước ngoài là khoảng 3,12 tỉ USD. Lợi nhuận và tiền đã chuyển về nước đến hết 2019 là gần 2 tỉ USD. Trong tổng số 27 dự án của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và đơn vị thành viên, có 11 dự án đúng tiến độ, 6 dự án chậm tiến độ, 12 dự án gặp khó khăn vướng mắc và 7 dự án không có khả năng triển khai thực hiện.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su có 23 dự án trồng cao su tại Lào và Campuchia. Tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài là hơn 1,3 tỉ USD. Vốn thực hiện là hơn 747 triệu USD. Doanh thu năm 2019 tại Lào đạt 1.246 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 87 tỉ đồng.

Ảnh:
Tập đoàn Công nghiệp Cao su có 23 dự án trồng cao su tại Lào và Campuchia. Tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài là hơn 1,3 tỉ USD trong 2019. Ảnh: dauthau

Còn doanh thu tại Campuchia là đạt gần 1.600 tỉ đồng, lỗ kế hoạch là 128 tỉ đồng do phần lớn các dự án mới đi vào hoạt động, năng suất còn thấp và giá cao su trên thị trường xuống thấp. Lợi nhuận lũy kế chuyển về nước hơn 4,3 triệu USD. Lợi nhuận giữ lại tái đầu tư là hơn 500.000 USD. Dự kiến lợi nhuận chuyển về nước năm 2020 là khoảng 5,3 triệu USD.

Cũng theo báo cáo này, tính đến hết ngày 31.12.2019, có 19 doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước có dự án đầu tư tại nước ngoài phát sinh hoạt động sản xuất kinh doanh có doanh thu, tổng doanh thu năm 2019 của các dự án tại nước ngoài là 7,18 tỉ USD. Trong đó, phát sinh doanh thu chủ yếu trong các lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu, viễn thông, lĩnh vực trồng và chế biến cao su.

Theo đánh giá của Chính phủ, lĩnh vực viễn thông, kinh doanh xăng dầu, dịch vụ dầu khí, là các lĩnh vực có dự án phát sinh lãi; lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí và khai thác khoáng sản có tỷ lệ dự án lãi thấp (11% và 17%). Trong đó, lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò dầu khí có giá trị đầu tư cao nhưng nhiều dự án không thành công, dừng, giãn tiến độ.

Có thể bạn quan tâm:

► Vốn Hàn tiếp tục đổ vào thị trường tài chính Việt Nam


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới