Hủy
Kinh Doanh

Việt Nam tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài cho các dự án hạ tầng

Thứ Tư | 12/04/2017 13:51

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam đang tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài, “chủ yếu là ở Nhật Bản”.
 

Do đang phải đối mặt với vấn đề tài khóa hạn hẹp, Việt Nam đang chuyển hướng sang thu hút vốn và năng lực chuyên môn từ các doanh nghiệp nước ngoài để phát triển cơ sở hạ tầng, hiện được dự kiến sẽ cần tới vốn đầu tư 400 tỷ USD 10 năm tới.

Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu với tờ Nikkei (Nhật Bản) rằng Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu soạn thảo luật, nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Việc này dự kiến sẽ được hoàn thiện trong năm nay, với ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp Nhật Bản. Bộ trưởng Dũng cho biết Việt Nam muốn các doanh nghiệp Nhật Bản “cảm thấy yên tâm” khi tham gia vào các dự án.

Việt Nam đang lên kế hoạch huy động vốn thông qua cơ chế đối tác công tư (PPP). Mục tiêu đầu tiên là dự án xây dựng 1.800km cao tốc nối Hà Nội và Thành Phố Hồ Chí Minh, đây sẽ là con đường dài nhất cả nước với tối đa 10 làn đường. Dự án này có vốn đầu tư hơn 13 tỷ USD này hứa hẹn làm thay đổi bộ mặt giao thông của cả bán đảo Đông Dương.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hiện đang có chuyến thăm Nhật Bản cho tới ngày thứ Bảy tuần này (15/4), với mục đích gặp gỡ thành viên nội các Nhật, cũng như kêu gọi các vị lãnh đạo doanh nghiệp Nhật tham gia hợp tác và mở thêm nhiều nhà máy ở Việt Nam.

Theo ông Dũng, Việt Nam “có nhiều dự án hạ tầng quan trọng, và mô hình PPP là không thể thiếu”. Ông cũng cho biết thêm rằng Việt Nam đang tìm kiếm các nhà đầu tư nước ngoài, “chủ yếu là ở Nhật Bản”.

Việt Nam có kế hoạch thực hiện nhiều dự án hạ tầng khác theo mô hình PPP, bao gồm Sân bay Quốc tế Long Thành ở Đồng Nai, đường sắt cao tốc, các tuyến metro đô thị và nhiều dự án năng lượng. Mô hình này có thể giúp giảm chi tiêu của chính phủ, và mở đường cho việc tiếp thu kiến thức chuyên môn từ các doanh nghiệp tham gia.

Từ trước tới nay, nhiều dự án hạ tầng tại Việt Nam đã được xây dựng bằng vốn ODA, hầu hết là dưới dạng vay vốn nước ngoài, khiến tỷ lệ nợ công tăng lên. Nợ công của Việt Nam đã bằng 64,73% GDP trong năm 2016, sát mức trần 65% do Quốc hội đề ra. Trong tháng 11/2016, Việt Nam đã ngưng 2 dự án năng lượng hạt nhân vốn có sự tham gia của Nhật và Nga, với lý do dồn lực cho các dự án trọng điểm khác.

Ông Akio Mimura, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI), đã tới thăm Việt Nam vào tháng 1 vừa qua. Ông cho biết “Tôi hiểu rằng chính phủ Việt Nam muốn thúc đẩy hình thức PPP. Nhưng nếu lợi ích về đầu tư không rõ ràng, thì các doanh nghiệp tư nhân sẽ rất lưỡng lự”.

Nhiều nước Châu Á khác như Thái Lan và Philippines cũng đang thúc đẩy mô hình PPP, chủ yếu do tình trạng nợ cao và ngân sách hạn hẹp. Mô hình này được ứng dụng nhiều cho các dự án cơ sở hạ tầng như là xây dựng đường sắt, sân bay và mạng lưới phân phối. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) năm ngoái đã bắt đầu đưa ra các dịch vụ làm trung gian cho các chính phủ và doanh nghiệp muốn tham gia làm PPP.

Nhưng với quy mô lớn của các dự án này, việc hợp tác sẽ mất nhiều năm để hoàn vốn, và lợi suất thì khó ước lượng. Phía chính phủ thường có nhiều ảnh hưởng trong việc phân chia lợi nhuận và ra các luật lệ, vì vậy các doanh nghiệp tư nhân thường gặp bất lợi với mô hình này. Do đó, bảo đảm sự rõ ràng và minh bạch về luật lệ sẽ là yếu tố quyết định cho thành công của mô hình PPP.

Bá Ước

Nguồn Nikkei


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới