Hủy
Kinh Doanh

Xuất khẩu là điểm sáng của ngành thép

Nhật Anh Thứ Ba | 31/10/2023 09:20

Giá xuất khẩu sắt thép các loại trung bình trong 8 tháng đầu đạt 771,6 USD/tấn, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: TL.

Thị trường xuất khẩu được kỳ vọng vẫn sẽ là kênh dẫn dắt chính cho ngành thép Việt Nam.
 

Dưới tác động của nhu cầu tiêu thụ yếu, thị trường bất động sản trì trệ cũng như hoạt động sản xuất công nghiệp yếu đi, tính từ đầu năm đến nay giá thép xây dựng trong nước đã trải qua 19 lần giảm liên tiếp với tần suất khác nhau tùy nhà sản xuất. Hiện tại, giá thép trong nước dao động quanh mức 13-14 triệu đồng/tấn, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020. Giá thép xuất khẩu theo đó cũng chứng kiến diễn biến tương tự, giá xuất khẩu sắt thép các loại trung bình trong 8 tháng đầu đạt 771,6 USD/tấn, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. 

 

Sức tiêu thụ tại thị trường nội địa tiếp tục duy trì ở mức thấp trong quý II khi sản lượng tiêu thụ thép xây dựng đi ngang so với quý I với chỉ 15 dự án bất động sản được cấp phép xây dựng và lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn chưa có quá nhiều chuyển biến. Bên cạnh đó, thép nội địa còn phải chịu sự cạnh tranh từ Trung Quốc, sản lượng nhập khẩu thép từ nước này có sự gia tăng trong tháng 7 và tháng 8/2023 do giá các mặt hàng thép Trung Quốc giảm từ 3-5% so với quý trước và các nhà phân phối đẩy mạnh cắt giảm hàng tồn kho.

Tuy vậy, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, kênh xuất khẩu có thể được coi là điểm sáng của ngành thép Việt Nam. Theo Tổng cục Hải Quan, mặc dù giảm 6,4% về giá trị xuất khẩu nhưng sản lượng lại tăng mạnh 24,4% trong 8 tháng đầu năm của 2023. Các doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường nhỏ hơn như Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ,... do các đại lý tại đây ưu tiên nhập hàng Việt Nam và Trung Quốc bởi mức giá cạnh tranh hơn. 

Theo KBSV, giá thép có thể tiếp tục duy trì ở mức nền thấp từ nay đến cuối năm, tuy nhiên khó có thể giảm sâu hơn nữa do hàng tồn kho thép của Trung Quốc và các doanh nghiệp Việt Nam đã tiệm cận với mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020.

Mặc dù chưa có sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái, diễn biến thị trường thép nội địa đang dần cho thấy những tín hiệu khả quan hơn khi sản lượng tiêu thụ thép nội địa đã tăng trưởng trở lại kể từ tháng 4/2023. 

các doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng mức giá cạnh tranh so với sản phẩm đến từ Mỹ và Châu Âu để mở rộng thị phần tại các thị trường nhỏ hơn.  Nguồn: KBSV.
Các doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng mức giá cạnh tranh so với sản phẩm đến từ Mỹ và Châu Âu để mở rộng thị phần tại các thị trường nhỏ hơn. Nguồn: KBSV.

“Chúng tôi kỳ vọng rằng, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước có thể bắt đầu duy trì tích cực kể từ đầu năm 2024 nhờ: mặt bằng lãi suất tương đối thấp hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; mức nền thấp của giá thép, HRC có thể hỗ trợ kích thích nhu cầu tiêu thụ trong nước; các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và xây dựng dân dụng”, KBSV nhận định. 

Cũng theo KBSV, thị trường xuất khẩu được kỳ vọng vẫn sẽ là kênh dẫn dắt chính cho ngành thép Việt Nam. Bên cạnh các thị trường chính như Mỹ và châu  Âu, các doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng mức giá cạnh tranh so với sản phẩm đến từ Mỹ và châu Âu để mở rộng thị phần tại các thị trường nhỏ hơn. Ngoài ra, Trung Quốc đang có những động thái cắt giảm sản lượng sản xuất thép và sản lượng xuất khẩu do những lo ngại về yếu tố môi trường. Do đó, thị trường xuất khẩu sẽ chịu ít áp lực cạnh tranh hơn.

Có thể bạn quan tâm 

10 tháng năm 2023: Việt Nam xuất siêu 24,61 tỉ USD


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới