Hủy
Kinh Doanh

Xuất khẩu sang ASEAN: Doanh nghiệp Việt không mặn mà

Thứ Hai | 07/11/2016 17:55

Giữa các nước ASEAN vẫn duy trì nhiều hàng rào phi thuế và không áp dụng chung một mức thuế quan với các nước bên ngoài.
 

ASEAN là đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, sau Trung Quốc, song “điều đáng tiếc” là các doanh nghiệp Việt Nam không mặn mà với việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường các nước trong khu vực.

Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó vụ trưởng, Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công thương, ngày 2.11, cho biết, nền tảng xuất khẩu vào ASEAN của các doanh nghiệp Việt Nam là “chưa chắc chắn”. 

“Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành cuối năm 2015, nhưng vẫn có những thách thức rất lớn đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam”, ông Hưng nói. 

Hiện nay, giữa các nước ASEAN vẫn duy trì nhiều hàng rào phi thuế và không áp dụng chung một mức thuế quan với các nước bên ngoài. 

Tỷ lệ bãi bỏ thuế quan ở các nước ASEAN 6 đến nay là 98% trong khi tỷ lệ này của Việt Nam, Lào và Myanmar là 91% và đang phấn đấu đạt tỷ lệ 98% vào năm 2018.

Hơn nữa, ngay khi các nước ASEAN bãi bỏ hàng rào thuế quan đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, một hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật lập tức được dựng lên để bảo vệ thị trường nội địa, đồng thời hạn chế xuất khẩu của Việt Nam. 

Xuất khẩu vào ASEAN của Việt Nam có dệt may, giày dép, phân bón, nông sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều bán hàng cho các nhà nhập khẩu. 

Một số mặt hàng, dù thị trường có nhu cầu lớn, nhưng các doanh nghiệp Việt vẫn không có cơ hội tiếp cận và thường bị các nhà nhập khẩu ép giá. 

Ông Hưng cho đó là lý do khiến nhiều sản phẩm có chất lượng tốt vẫn không tạo dựng được thương hiệu, nhất là khi các nhà nhập khẩu sử dụng thương hiệu của công ty nội địa để bán hàng ra thị trường.

“Hội nhập kinh tế khu vực, Chính phủ và các cơ quan quản lý có thể mở cửa thị trường, gỡ bỏ các rào cản thương mại, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng nếu không có sự tham gia của các doanh nghiệp, các khuôn khổ hội nhập đặt ra không có nhiều ý nghĩa”, ông Hưng nói. 

Hiện nay, nhiều mặt hàng của Việt Nam có cơ hội xuất khẩu vào thị trường các nước Đông Nam Á, sản phẩm phân bón là một ví dụ. 

Các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar có nhu cầu lớn về phân bón. Đặc biệt, Campuchia và Myanmar phải nhập khẩu tới 90% phân bón để phục vụ sản xuất trong nước. 

Trong khi đó, năng lực sản xuất phân bón của các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Campuchia, Lào còn hạn chế, buộc phải nhập khẩu với số lượng lớn. Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia khoảng 300 nghìn tấn/năm. 

Thuế xuất khẩu phân bón của Việt Nam vào các nước Đông Nam Á hiện nay đã về 0%. Nhưng cạnh đó, sản phẩm phân bón của Việt Nam cũng phải cạnh tranh rất gay gắt với sản phẩm của Indonesia và Trung Quốc, trong bối cảnh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tồn tại.

Thương mại hai chiều của Việt Nam với ASEAN trong 10 năm qua đã tăng từ 3,3 tỷ USD năm 1995 lên 42,1 tỷ USD năm 2015, tăng gần 13 lần. Xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 17,1%, đưa kim ngạch xuất khẩu từ gần 1 tỷ USD năm 1995 lên 18,3 tỷ USD năm 2015, tăng hơn 18 lần, theo số liệu của Tổng cục Hải Quan. 

Hải Vân


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới