Đón điện trên mái nhà
Trung bình để tạo ra 1 MW điện, điện mặt trời cần quy mô diện tích lên đến 1,1ha đất. Dù chiếm diện tích lớn nhưng với chi phí đầu tư thiết bị, vận hành và bảo dưỡng ngày càng rẻ, dạng điện năng này có lợi thế hấp dẫn hơn nhiều so với các loại hình đầu tư năng lượng sạch khác. Hơn nữa, chính sách khuyến khích đầu tư điện được công bố gần đây đã tạo ra khung cơ chế vững chắc để điện mặt trời phát triển.
Từ trào lưu đến xu hướng
Các nhà đầu tư đang đổ hàng tỉ USD vào lĩnh vực năng lượng sạch ở Bình Thuận, nơi được thiên nhiên ban tặng cho nguồn năng lượng dồi dào là nắng và gió. Có đến 72% diện tích của tỉnh Bình Thuận có bức xạ mặt trời trên 5 kWh/m2/ngày, là mốc bức xạ giúp các dự án điện mặt trời khả thi về tính kinh tế. Với tiềm năng như thế, chính quyền tỉnh Bình Thuận háo hức đặt điện mặt trời là một trong những nội dung kêu gọi đầu tư quan trọng trong chiến lược trở thành một trung tâm sản xuất năng lượng sạch, vừa được chia sẻ gần đây tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư của Tỉnh.
Có thuận lợi về tự nhiên cùng ưu đãi chính sách, các dự án điện mặt trời đổ về ngày càng nhiều hơn ở Bình Thuận, nhưng có thể thấy phần lớn là các nhà máy điện có công suất bình quân khoảng 30MW. Chẳng hạn, nhà máy điện mặt trời Vĩnh Hảo (công suất gần 30MW), Eco Seido Tuy Phong giai đoạn 1 (40MW), VSP Bình Thuận 2 (30MW)...
Tính tổng thể, có đến 43 dự án được đăng ký ở Bình Thuận với tổng công suất lắp đặt hơn 967MW, dự kiến được đầu tư trong giai đoạn 2017-2020, theo đề án “Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Bình Thuận giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Cũng theo đề án này, tổng tiềm năng điện mặt trời xét về mặt kỹ thuật đạt khoảng 4.754,5MW.
Theo Reuters, tỉnh Đắk Lắk mới đây cũng đã cấp giấy phép và ký kết thỏa thuận xây dựng các dự án năng lượng mặt trời với tổng trị giá 3,3 tỉ USD với các dự án của Tập đoàn AES (Mỹ), Solar Park Global (Hàn Quốc), Công ty Xuân Thiên Đắk Lắk và Công ty Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Long Thành.
Có thể nói, Việt Nam là một trong số những quốc gia nhận được nhiều ánh nắng mặt trời và có bức xạ nhiệt cao, yếu tố quan trọng đánh giá tính khả thi của dự án điện mặt trời. Theo Quy hoạch điện VII, tổng công suất nguồn điện mặt trời hiện ở mức không đáng kể sẽ tăng lên khoảng 850MW năm 2020 và 4.000MW năm 2025 trên cả nước. Điều này cho thấy tham vọng mà Bình Thuận đặt ra là trở thành trung tâm điện mặt trời chủ lực cho cả nước.
Thực tế cho thấy không chỉ nhiều nhà máy điện mặt trời mọc lên mà cả các hộ gia đình cũng tự đầu tư những tấm pin mặt trời để sử dụng điện sinh hoạt. Ngoài ra, thị trường này cũng thu hút những dự án mới, dù công suất thấp. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (GEC) hiện trong quá trình hoàn tất pháp lý cho dự án điện gió ở Bến Tre với công suất 6MW. Năm ngoái, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Quỹ Năng lượng sạch Armstrong (Singapore) đầu tư lần lượt 16% và 20% cho GEC nhằm mục tiêu phát triển các dự án năng lượng sạch.
Vì sao điện mặt trời lại được các nhà đầu tư đẩy mạnh? Theo ông Đặng Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện mặt trời VSP Bình Thuận II, hiện sở hữu 2 dự án nhà máy điện mặt trời với công suất 30MW ở Bình Thuận, công nghệ đầu tư điện mặt trời tiến nhanh hơn điện gió, hơn nữa giá thành đầu tư điện gió đã giảm đáng kể. “Hầu như không thể giảm giá pin mặt trời nữa nên có thể đầu tư được”, ông Sơn nói.
Theo thống kê của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Huy Phùng, Viện Khoa học Năng lượng, suất đầu tư điện gió ước khoảng 2,4-2,6 triệu USD/MW, trong khi điện mặt trời khoảng 2 triệu USD/MW, thậm chí mức giá chào hàng của một công ty chỉ có 1,3 triệu USD/MW. Mặc dù vẫn còn cao hơn nhiều so với thủy điện và nhiệt điện truyền thống, song rõ ràng chi phí đang trên đà giảm nhiều so với các năm trước đây.
Dù có chi phí đầu tư và bảo dưỡng thấp hơn, thực tế điện mặt trời vẫn có nhược điểm so với loại hình đầu tư điện gió, đó là diện tích sử dụng đất rất lớn. Bình quân cần đến hơn 1,1ha đất để sản xuất ra 1MW điện. Hiện dự án điện năng lượng mặt trời lớn nhất tại Bình Thuận nằm ở xã Sông Bình có công suất 200MW, chiếm diện tích đất tới 282ha, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, điều này cũng không ngăn cản được nhiều nhà đầu tư tìm đến giải pháp năng lượng điện mặt trời, nhất là chính sách khuyến khích phát triển nguồn năng lượng sạch này đã tích cực hơn rất nhiều.
Lực đẩy từ chính sách
Chính phủ đã có bước tiến mới góp phần xây dựng cơ chế quan trọng cho thị trường sản xuất và sử dụng điện mặt trời với Quyết định số 11 ban hành tháng 4 vừa qua và có hiệu lực vào tháng 6 tới. Theo Quyết định này, các dự án điện mặt trời sẽ được miễn giảm một số loại thuế đối với hàng hóa phục vụ cho dự án, hay giảm tiền sử dụng đất, chi phí đấu nối lưới điện... cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, ngoài những ưu đãi về thuế, một yếu tố quan trọng nhất trong chính sách mới là cơ chế về giá bán. Theo đó, bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án nối lưới điện với mức giá được đưa ra là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), đương đương 9,35 cent/kWh. Mức giá này giảm so với mức dự kiến trong dự thảo trước đó và thấp hơn một số nước trong khu vực nhưng vẫn nhận được sự đánh giá tích cực từ các nhà đầu tư.
“Mức giá Chính phủ ban hành như vậy trong giai đoạn này thì những nhà đầu tư thực sự có kinh nghiệm mới đảm bảo có lãi một chút”, ông Sơn nhận định. Các yếu tố kinh nghiệm ở đây bao gồm kinh nghiệm về quá trình thực hiện đầu tư, lựa chọn giải pháp, thiết bị, thi công và quan trọng nhất là nguồn vốn giá rẻ. Theo tính toán, với lãi suất thương mại trung bình khoảng 10,5% như hiện nay thì thời gian hoàn vốn bình quân cho các dự án điện mặt trời là khoảng 10 năm, ông Sơn cho biết. Điều này còn tùy thuộc vào khả năng thu xếp nguồn vốn giá rẻ, tất nhiên, nguồn vốn nước ngoài bao giờ cũng rẻ hơn. Các nhà đầu tư tài chính nước ngoài cũng được lợi với chính sách mới vì giá bán điện đã được điều chỉnh theo biến động của tỉ giá neo theo đồng USD. Chính sách này cũng chỉ áp dụng theo tiêu chuẩn dự án có tấm pin mặt trời mang lại hiệu suất lớn, nhằm kích thích đầu tư mang tính hiệu quả. Đây cũng là nhân tố quan trọng đảm bảo khả năng hiện thực hóa lợi nhuận của các nhà đầu tư nước ngoài ở thị trường mà rủi ro tỉ giá là rất lớn như ở Việt Nam.
Trong khi các nhà đầu tư nhà máy điện mặt trời đã có cơ chế tốt hơn và rõ ràng hơn để đầu tư, những hộ đầu tư cá nhân đang phấn khích vì họ cũng có thể trở thành nhà sản xuất. Theo đó, lượng điện mặt trời sản xuất dư thừa (lớn hơn lượng điện tiêu thụ) sẽ được trừ ra cho kỳ thanh toán tiếp theo. Đến hết năm hoặc kết thúc hợp đồng mua điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua theo giá quy định. Với các nhà đầu tư cá nhân, việc đầu tư hệ thống điện mặt trời đơn thuần là bài toán tài chính dễ tính, cân đo đong đếm giữa chi phí bỏ ra và lợi ích mà những tấm pin mặt trời mang lại. Theo đại diện Nhóm Năng lượng và Khai khoáng của World Bank, một nghiên cứu của nhóm này vào năm 2013 cho thấy, nếu toàn bộ các tòa nhà cao tầng tại TP.HCM được lắp đặt pin năng lượng mặt trời thì có thể cung cấp năng lượng mặt trời tương ứng 110MWP. Điều này có thể tăng tính khả thi cho mục tiêu trong dự án điện mái nhà của TP.HCM là đến năm 2020, năng lượng tái tạo trên địa bàn Thành phố phải đạt trên 1,74% tổng công suất tiêu thụ năng lượng của toàn Thành phố.
Rõ ràng, công nghệ tiến bộ đáng kể, giá thành rẻ và giá bán hợp lý đi cùng cơ chế khuyến khích kiểu thị trường sẽ giúp điện mặt trời bùng nổ trong thời gian tới. Quan trọng hơn, những nhà máy điện mặt trời và cả những tấm quang điện trên mái nhà người dân sẽ trở thành biểu tượng cho thấy Việt Nam đi theo xu thế phát triển năng lượng sạch trên thế giới.
Việt Dũng
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư