Vốn Việt Nam xuất ngoại: Tìm kiếm nguồn lực mới
Khác với vẻ ngoài tĩnh lặng, xanh mát và cổ kính, bên trong văn phòng của Cục Đầu tư Nước ngoài khu vực phía Nam, không khí làm việc lại khá nhộn nhịp. Những ngày cuối năm, số lượng dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (FDI) của cá nhân người Việt Nam đang tăng cao, chiếm đến 12,5% tổng số vốn FDI của Việt Nam ra nước ngoài. Theo nhận định của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), các tập đoàn Việt Nam cũng nằm trong xu thế chung của nhóm nền kinh tế đang phát triển là tăng mạnh hoạt động FDI ra ngoài lãnh thổ.
Trong xu thế đó, dòng vốn Việt xuất ngoại trong 3 quý của năm 2015 ước đạt 360 triệu USD, gồm 50 dự án từ công nghệ cao như viễn thông, y dược đến những lĩnh vực truyền thống như nông lâm nghiệp. Thông tin chính thức cho biết, lũy kế FDI đầu tư ra ngoài lãnh thổ Việt Nam đã đạt gần 1.000 dự án với giá trị trên 20 tỉ USD. Làn sóng đầu tư ra ngoài biên giới cũng chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của khối doanh nghiệp tư nhân.
Các nước trong khu vực như Lào và Campuchia từ lâu được xem là thị trường đầu tư truyền thống của các doanh nghiệp Việt, với số vốn FDI lần lượt là 3,9 và 3,2 tỉ USD. Năm nay, dòng vốn Việt đã vươn xa ra khỏi khu vực lận cận và tiến vào những thị trường phát triển. Cụ thể, riêng quý III/2015, thị trường Mỹ đã chiếm hơn 25% tổng vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam, đồng thời trở thành đối tác thu hút nhiều vốn nhất khi dẫn đầu cả về số dự án mới (9 dự án) và tổng số vốn đầu tư (50,6 triệu USD).
Thời điểm trước năm 2005, các công ty quốc doanh là những gương mặt tiên phong “đem chuông đi đánh xứ người”. Tiêu biểu như Viettel Global kinh doanh đầu tư vào các mạng viễn thông tại Lào, Campuchia, Đông Timor, Mozambique, Cameroon và Haiti. Mới đây, Vinamilk cũng đầu tư nhà máy tại Ba Lan (3 triệu USD) và Campuchia (23 triệu USD).
Lý do chính để các doanh nghiệp quốc doanh mở rộng kinh doanh ở nước ngoài là nhằm tận dụng nguồn cung hàng hóa trong nước, hoặc tận dụng nguồn nhân sự giá rẻ tại nước thứ 3. Ví dụ, 90% các dự án của Sông Đà tại nước ngoài sử dụng vật liệu xây dựng nhập từ Việt Nam. Hay như dự án 300 triệu USD mà Viettel đầu tư sang Tanzania có tới 100 triệu USD là giá trị hàng hóa máy móc thiết bị từ Việt Nam xuất khẩu sang.
Gần đây, cơ cấu dòng vốn đầu tư ra nước ngoài đã có sự thay đổi mạnh về lĩnh vực hoạt động. Ðó là sự chuyển dịch từ dầu khí, lĩnh vực có số vốn thực hiện lớn nhất (2,9 tỉ USD), tài chính (230 triệu USD) sang tập trung vào lĩnh vực thông tin truyền thông (450,6 triệu USD). Một gương mặt mới là ngành nông lâm nghiệp và thủy sản cũng đạt mức đầu tư 660 triệu USD. Đặc biệt, tín hiệu lợi nhuận lũy kế chuyển về nước cho đến nay là khá tích cực khi đạt gần 1 tỉ USD, so với số vốn lũy kế đã giải ngân là 6 tỉ USD.
Bên cạnh khối quốc doanh, những tập đoàn tư nhân lớn như FPT Software, Hoàng Anh Gia Lai, Bkav, Tôn Hoa Sen, Kymdan hay Tín Thành cũng góp phần tạo nên làn sóng doanh nghiệp tư nhân đầu tư tại nước ngoài. Trong số các dự án đầu tư ra nước ngoài năm 2014, phần lớn dòng vốn Việt đổ ra ngoài lãnh thổ lại xuất phát từ các doanh nghiệp tư nhân, chiếm 76% tỉ trọng.
Tiêu biểu là Tập đoàn Hùng Vương, doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực đầu tư nhà máy chế biến thủy sản tại Nga với tổng giá trị 30 triệu USD. Những hợp đồng xuất khẩu cá tra và các sản phẩm thủy hải sản đến thị trường Nga đã chiếm gần 60% tổng sản lượng xuất khẩu của Hùng Vương trong năm 2015.
Sau nhiều năm khảo sát, Hùng Vương nhận thấy do ngành công nghiệp chế biến thủy hải sản ở Nga chưa phát triển, nên sản phẩm chỉ được bán dưới dạng thô. Nhiều năm nay, người Nga phải sử dụng sản phẩm nhập khẩu từ châu Âu và Mỹ. Bên cạnh đó, tham vọng sâu sa của Hùng Vương khi xây nhà máy ở Nga là nhằm tạo dựng danh tiếng cho thủy sản đóng gói thương hiệu Việt. Đương nhiên, cũng nhờ thành lập nhà máy mà doanh nghiệp này tận dụng được cùng lúc 2 nguồn thủy hải sản từ cá tra nguyên liệu của Việt Nam và nguồn hải sản tại Nga.
Với những thuận lợi từ hoạt động kinh doanh tại thị trường Nga, doanh thu dự kiến của Hùng Vương năm nay sẽ đạt 20.000 tỉ đồng. Trong đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất sẽ chạm ngưỡng 800 tỉ đồng. Theo Chủ tịch Dương Ngọc Minh của Hùng Vương, một trong những tín hiệu hỗ trợ cho quyết định mở rộng đầu tư kinh doanh hướng đến các thị trường mục tiêu ở nước ngoài là “nương” theo những chính sách và hiệp định thương mại. Hùng Vương đã tận dụng tốt lợi thế cạnh tranh với ưu đãi hưởng thuế suất bằng 0% của Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và liên minh thuế quan với Nga.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, cái bắt tay giữa các doanh nghiệp Việt Nam và châu Phi cũng mở màn cho sự tăng trưởng dòng vốn Việt trên sân khách. Từ lâu, các giao dịch về gạo của châu Phi đã đứng thứ 3 thế giới, tương đương khoảng 40% lượng gạo nhập khẩu toàn cầu với giá trị trung bình lên tới 2 tỉ USD. Riêng Angola hằng năm phải nhập khẩu khoảng 400.000 tấn gạo, dù quốc gia này có khoảng 58 triệu ha đất nông nghiệp, gồm 25.000 ha được sử dụng trồng lúa nước.
Thế là mới đây, Công ty VCCC của Angola đã thuê chuyên gia nông nghiệp Việt Nam sang khảo sát xây dựng dự án trồng lúa trên quy mô lớn, với nguồn đầu tư bằng tín dụng từ ngân hàng tại quốc gia châu Phi này. Theo tính toán, nếu được đầu tư khai thác tốt, diện tích phục vụ cho trồng lúa mà doanh nghiệp Việt có thể khai thác sẽ lên tới 3,7 triệu ha.
Việt Nam cũng được đánh giá là nước ứng dụng thành công nhất thành tựu của Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế IRRI. Còn nhớ năm 2006, Giáo sư Võ Tòng Xuân từng sang tận một quốc gia châu Phi khác là Sierra Leone để giúp trồng lúa nước. Sau đó, Nigeria, Mozambique và Mauritania, Lào, Campuchia đã lần lượt trở thành điểm đến đầy tiềm năng của FDI ngành nông nghiệp Việt, khi chiếm 27,5% trong tổng số các dự án đầu tư mới trong năm qua.
Nguyệt Nguyễn
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Minh Đức
-
Hải Vân
-
Công Sang
-
Hải Đăng
-
Trung Nam