Hủy
Tạp chí số 838

Du lịch nối lại mạch tăng trưởng

Hà Cúc Thứ Ba | 09/04/2024 07:30

Khách du lịch tại TP.HCM. Ảnh: Quý Hòa

Còn rất nhiều rào cản để du lịch Việt Nam có thể trở lại đường đua tăng trưởng sau nhiều năm trì trệ bởi dịch bệnh.
 

Mặc dù giá vé máy bay tăng cao, nhưng tại sự kiện “Party chào hè”, Saigontourist áp dụng tặng 100% trị giá vé máy bay khứ hồi Vietnam Airlines cho khách hàng từ TP.HCM đi tour miền Trung, miền Bắc trong mùa hè 2024. Trong khi đó, Hưởng ứng Ngày hội Du lịch TP.HCM lần thứ 20 năm 2024 với chủ đề “20 năm hành trình sống động”, Du lịch Việt tung chương trình khuyến mãi đặc biệt, khuyến khích khách hàng đặt tour sớm dịp lễ 30/4-1/5 và chùm tour hè với tổng ưu đãi lên đến 5 tỉ đồng.

Mục tiêu khả thi

Những chương trình trên cho thấy sự sôi động trở lại của thị trường du lịch sau nhiều năm “ngủ đông” vì dịch bệnh. Tháng 3/2024, gần 1,6 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, đánh dấu lượng khách cao nhất trong 3 tháng đầu năm. Tính chung 3 tháng đầu năm, lượng khách đạt hơn 4,6 triệu lượt, tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019 - năm rất thành công của du lịch Việt.

 

“Mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2024 có vẻ rất khả thi với những nỗ lực đã và đang được thực hiện cùng các chiến lược đa dạng hóa và chính sách thị thực thuận lợi”, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn Đại học RMIT, Tiến sĩ Jackie Ong nhận định. Theo quan sát của Tiến sĩ Ong, các chiến lược tiếp thị, định hướng xây dựng sản phẩm đặc sắc và chính sách thị thực mở cửa trong thời gian qua đã bổ trợ hiệu quả cho nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú sẵn có ở Việt Nam. Các sản phẩm du lịch đang mở rộng sang du lịch sông nước, du lịch ẩm thực, du lịch nông thôn, du lịch chăm sóc sức khỏe và du lịch lễ hội.

Theo ông Nguyễn Hồng Nhật, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Du thuyền cao cấp châu Á (APC Group), các chính sách mới của Chính phủ và các hãng hàng không gia tăng số lượng chuyến bay, mở rộng quy mô sẽ là những nhân tố thuận lợi hỗ trợ ngành du lịch. Công ty này sẽ đẩy mạnh phát triển ở các thị trường tiềm năng của châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc... nhằm tạo nên một hệ sinh thái du lịch dành cho du khách nước ngoài tới Việt Nam.

Trong khi đó, bà Ngô Hương, Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh và Marketing Vinpearl, đề xuất cần kiến tạo những điểm đến vừa mang bản sắc Việt vừa có tính quốc tế cao, phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa của ngành du lịch. Đây là xu thế phát triển điểm đến đẳng cấp và đa trải nghiệm với những sản phẩm du lịch có khả năng thu hút và giữ chân du khách liên tục trong nhiều năm.

Sau bước phục hồi vào năm ngoái, các doanh nghiệp du lịch đang nỗ lực xây dựng sản phẩm mới, đẩy mạnh đa dạng tour du lịch, làm mới hình ảnh doanh nghiệp để chinh phục những mục tiêu mới trong năm 2024. Đáng chú ý, du lịch kết hợp với hoạt động hội nghị, hội thảo, khen thưởng, triển lãm (MICE) cũng có đà phát triển tốt trong bối cảnh Việt Nam đang trở thành một điểm đến cho công việc và giải trí được ưa chuộng ở châu Á - Thái Bình Dương.

Ngành du lịch MICE của Việt Nam ước đạt mức tăng trưởng kép hằng năm 5% trong 5 năm tới. Đây là thông tin tích cực vì du lịch MICE có thể kích thích kinh tế đáng kể bằng cách thu hút đối tượng khách đi công tác với nhu cầu chi tiêu cho các hoạt động lưu trú, ăn uống và giải trí tại địa phương. Loại hình này cũng thúc đẩy khả năng nhận diện của điểm đến và thu hút du khách quay lại. Thị trường MICE ở Việt Nam hiện chủ yếu đón du khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật. Việt Nam cũng có thể hưởng lợi từ việc nhắm đến các thị trường ngách có khả năng chi tiêu cao, chẳng hạn như thu hút giới siêu giàu Ấn Độ chọn Việt Nam làm nơi tổ chức đám cưới.

Cơ hội hồi phục và đi tiếp

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh nhận định, lượng khách quốc tế phục hồi mạnh mẽ nhờ chính sách visa thị thực thuận lợi, chương trình kích cầu xúc tiến du lịch đã dần phát huy hiệu quả.

 

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp du lịch và lữ hành đang đề xuất mở rộng chính sách miễn thị thực như bước đi cần thiết tiếp theo khi hàng loạt quốc gia đã chủ động tạo đòn bẩy từ chính sách thị thực. Chẳng hạn, trong bối cảnh các nước láng giềng như Thái Lan và Malaysia đã nới lỏng yêu cầu thị thực, Việt Nam có thể hưởng lợi khi thu hút du khách kết hợp thăm nhiều quốc gia Đông Nam Á trong một chuyến đi.

Bên cạnh đó, Việt Nam nên xem xét miễn thị thực cho các nước có chi tiêu du lịch lớn và có tiềm năng lưu trú dài hạn, bao gồm các quốc gia như Úc, Canada, Mỹ và thành viên còn lại của Liên minh châu Âu mà Việt Nam chưa miễn thị thực. Các chuyên gia RMIT cho rằng, nếu Việt Nam trì hoãn mở rộng chính sách miễn thị thực thì sẽ có nguy cơ mất đi cơ hội thu hút du khách từ các thị trường du lịch lớn.

Một rào cản lớn khác đang cản trở du lịch Việt Nam là sự sụt giảm đội bay hàng không. Theo Cục Hàng không Việt Nam, số máy bay hoạt động thương mại của 6 hãng hàng không đến cuối tháng 3 khoảng 170, giảm 40-45 chiếc so với cùng kỳ năm 2023. Khi đội máy bay của các hãng thiếu hụt, giá vé sẽ bị đẩy lên cao. Mặt khác, khả năng cung ứng của hãng hàng không không kịp đáp ứng những lúc cao điểm do hạn chế về nguồn lực và giới hạn hạ tầng ở một số sân bay. Điều này khiến giá tour trọn gói bị đẩy lên cao, ảnh hưởng tới quyết định du lịch của khách hàng.

Với nhiều vấn đề còn tồn tại, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận định, khách du lịch tăng khá nhanh nhưng so với tiềm năng và nhu cầu của nền kinh tế còn thấp. Để lượng khách tăng trưởng tốt rất cần có chiến lược xúc tiến du lịch quốc gia và các tỉnh, thành cũng phải dành kinh phí thực hiện xúc tiến.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới