Hủy
Người Tiên Phong

Nhà vừa túi tiền cứu tín dụng

Minh Đức Thứ Năm | 23/11/2023 15:37

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), phân khúc trung và cao cấp vẫn chiếm gần 90% nguồn cung căn hộ trên thị trường. Ảnh: TL.

Nút thắt tín dụng có thể được giải quyết bằng việc tạo cú hích cho thị trường bất động sản với phân khúc giá phù hợp với sức mua của số đông.
 

Thông thường, tín dụng sẽ tăng mạnh trong nửa cuối năm, song theo đánh giá chung, tín dụng khó tăng đột biến và cả năm nay, khả năng chỉ tăng tối đa 9-10%. Vấn đề này được Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, nhận định: “Doanh nghiệp đa phần không còn đủ điều kiện vay vốn và thực sự không biết vay để làm gì. Do khả năng trả nợ sụt giảm, lòng tin của ngân hàng với doanh nghiệp cũng yếu đi, ngân hàng có tiền cũng không dám cho vay khi doanh nghiệp không có đơn hàng, không chứng minh được khả năng trả nợ”.

Tín dụng khó tăng đột biến 

Thời điểm hiện tại, dòng tiền vẫn đổ vào gửi ngân hàng, vì có vẻ đây là kênh an toàn nhất với người có tiền. Trong khi đó, phía ngân hàng thừa tiền mà không cho vay được ra nền kinh tế phục vụ sản xuất. Vì vậy, để thúc đẩy tín dụng, bên cạnh việc hạ lãi suất, gỡ điều kiện vay vốn, cần có các giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế; đồng thời, phải gỡ khó cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp... 

 

“Để phục hồi cầu tín dụng trong nước, đầu tiên, phải đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Bên cạnh đó, cần phải phục hồi thị trường bất động sản trên nền tảng nhà ở giá rẻ”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Hiện nay, tín dụng bất động sản chiếm tỉ trọng khoảng 21% so với tín dụng toàn nền kinh tế. Do đó, khi tín dụng bất động sản tăng cao sẽ kéo theo tín dụng toàn hệ thống tăng. Thực tế, hiện lãi suất cho vay đã giảm liên tục, nhiều ngân hàng thương mại đã xây dựng các gói giải pháp cho vay đặc thù đối với từng nhóm khách hàng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng cho lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đến ngày 30/9 đạt 2,74 triệu tỉ đồng, tăng 6,04% so với đầu năm. Trong đó, tín dụng tập trung vào mục đích tiêu dùng chiếm 64%, dư nợ với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 36%. Con số này cho thấy các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã bắt đầu phát huy tác dụng. Tuy nhiên, thị trường này vẫn chưa có cú hích đủ lớn để tạo ra sức bật hồi phục mạnh mẽ.

Nguyên nhân chính đã được đề cập trong thời gian dài, đó là do cơ cấu sản phẩm không hợp lý, dư thừa sản phẩm ở phân khúc cao cấp; thiếu nhà ở giá rẻ, phù hợp với nhu cầu của người dân; các dự án bất động sản gặp khó khăn về mặt pháp lý, nên không đáp ứng được điều kiện tín dụng, dẫn tới khó tiếp cận nguồn vốn. Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), phân khúc trung và cao cấp vẫn chiếm gần 90% nguồn cung căn hộ trên thị trường; căn hộ bình dân, giá dưới 25 triệu đồng/m2 đã giảm 98% so với năm 2019.

Lời giải cho nhà vừa túi tiền

Trong khi đó, theo khảo sát của Batdongsan, phân khúc căn hộ giá 2-4 tỉ đồng đang được tìm kiếm nhiều nhất. Tuy nhiên, khả năng mua căn hộ ngày càng khó đối với người dân khi tốc độ tăng thu nhập không bắt kịp tốc độ tăng giá nhà. Khi thanh khoản thị trường còn yếu, cung - cầu vốn chưa gặp nhau thì khó tạo sự đột phá trong tăng trưởng tín dụng. Mặc dù nhiều ngân hàng liên tục tung ra hàng loạt gói tín dụng ưu đãi với lãi suất rất thấp; doanh nghiệp giới thiệu các chính sách bán hàng hấp dẫn, nhưng trước bối cảnh kinh tế khó khăn, nhu cầu vay mua nhà cũng chưa phục hồi.

 

Ngay cả khi Chính phủ đã ký đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 nhưng do thủ tục đầu tư kéo dài, ưu đãi cho doanh nghiệp nhà ở xã hội thiếu hấp dẫn... khiến phân khúc này chưa phát triển mạnh. Đây là một trong những lý do khiến gói 120.000 tỉ đồng (chương trình tín dụng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư) đến nay mới giải ngân được hơn 100 tỉ đồng.

Do đó, lời giải cho thị trường nhà ở giá phù hợp hơn, đúng nhu cầu thực của thị trường vẫn đối mặt nhiều thách thức. Điểm lạc quan là Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát và thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản; chỉ đạo các ngân hàng thương mại có giải pháp phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn... Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cũng theo đuổi các dự án nhà có giá phù hợp với số đông người mua thật với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn như Vinhomes, Hưng Thịnh, Thắng Lợi, Đồng Tâm, Hòa Bình...

Ông Tạ Hoài Hạnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty BV Land, cho biết: “Thời gian qua bất động sản nổi sóng khắp nơi là do những người đầu cơ mua đi bán lại là chính. Tuy nhiên, BV Land sẽ hướng đến khách mua để ở thực chứ không phải lướt sóng. Công ty đang có kế hoạch triển khai một dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích sàn khoảng 150.000 m2”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng, ngoài vấn đề pháp lý, cũng cần giải quyết bài toán tín dụng, khơi thông dòng tiền bằng các chính sách hướng đến người có nhu cầu mua nhà ở thực, doanh nghiệp phát triển dự án cho người có nhu cầu. “Vấn đề mấu chốt vẫn là cần tháo gỡ khó khăn để cho nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá vừa túi tiền được xây dựng, tăng nguồn cung. Còn như bây giờ, người có thu nhập trung bình muốn mua nhà cũng không có nhà để mua, nguồn cung không có lấy đâu ra để mua trong khi nguồn cung cao cấp lại dồi dào”, ông Châu nhấn mạnh. 

Có thể bạn quan tâm 

Nhu cầu về nhà ở của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới