Hủy
Phong Cách Sống

Duyên tương ngộ giữa nghệ thuật và lịch sử

Lê Phan Thứ Bảy | 10/02/2024 10:00

Thực tế cho thấy, thị trường Việt Nam vẫn chưa xem tranh hay các tác phẩm mỹ thuật là một dạng tài sản như bất động sản hay các dạng tài sản hữu hình. Ảnh: Quý Hòa.

Quang San Art Museum là một không gian văn hóa cho các cuộc đối thoại về nghệ thuật...
 

Bảo tàng nghệ thuật tư nhân đầu tiên tại TP.HCM, đã thu hút đông đảo công chúng yêu nghệ thuật trong và ngoài nước cũng như du khách nước ngoài muốn tìm hiểu văn hóa Việt.

Hơn 2 thập kỷ sưu tập tranh

Tọa lạc tại phường Thảo Điền, quận 2, Quang San Art Museum có diện tích hơn 2.000 m2, do kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn thiết kế. Hơn 80% diện tích dành cho việc trưng bày khoảng 300 bức tranh, một con số khiêm tốn trong bộ sưu tập tư nhân xấp xỉ 1.300 tác phẩm của ông Nguyễn Thiều Quang, sáng lập bảo tàng và vợ - bà Phùng Minh Nguyệt. 20% còn lại là không gian lưu trú của vợ chồng ông Quang để tiện cho công tác bảo quản, chăm sóc các bức tranh quý. Về tổng thể, bảo tàng mang dáng dấp của một con tàu đang căng buồm hướng ra sông Sài Gòn. Thiết kế này giúp bảo tàng tận dụng ánh sáng ban ngày, hòa vào cảnh quan xung quanh cũng như tạo các vách ngăn bên trong một cách tự nhiên nhất để treo các tác phẩm.

Bảo tàng là ấp ủ và có thể nói là tâm huyết cả đời của ông Quang để công chúng có thể thưởng lãm các tác phẩm mỹ thuật yêu thích, thay vì chỉ để thụ hưởng cá nhân. Ông nói, cơ chế thành lập bảo tàng tư nhân Việt Nam hiện nay đã mở, phía ông trong quá trình xây dựng cũng nhận được sự giúp đỡ của các cấp thẩm quyền. Điều khiến ông tiếc nuối nhất chính là quy mô xây dựng nhỏ hơn so với dự kiến ban đầu, khiến không gian trưng bày tác phẩm còn hạn chế.

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật (cha là nhà văn Nguyễn Xuân Thiều), từ nhỏ ông Quang đã mang lòng say mê nghệ thuật. Ông bắt đầu sưu tập từ những năm 2000 khi công việc tại ngân hàng dần khởi sắc. Tuy nhiên, hành trình nghệ thuật của ông chưa bao giờ đứt đoạn. Trước đó, quãng thời gian được cơ quan cho đi học tại nước ngoài, ông cũng đã kết giao với nhiều họa sĩ bản địa, đi triển lãm. “Nhờ họ mà kiến thức về mỹ thuật của tôi được củng cố thêm nhiều”, ông nói.

Như nhiều nhà sưu tập khác, ông Quang cũng xem tranh là một kênh đầu tư. Tuy nhiên, điểm độc đáo trong cách sưu tập của ông chính là khởi điểm ông mua rải rác, song song với việc nghiên cứu sâu về hội họa. Quyết định được ông và vợ theo đuổi đến hiện tại: chỉ sưu tầm tranh Việt Nam và thay vì chỉ mua tranh của một hoặc vài tác giả, ông mua đều các tác phẩm ở các giai đoạn, thời kỳ mỹ thuật Việt khác nhau. “Tôi chọn tranh Việt Nam vì thứ nhất, phù hợp với điều kiện của tôi lúc bấy giờ. Thứ 2, tôi muốn cổ xúy cho thị trường mỹ thuật Việt, tranh Việt, vốn èo uột và được nhiều nhà đầu tư nước ngoài thâu mua”, ông Quang nói.

Hành trình sưu tập của ông Quang cũng có lúc ngậm trái đắng khi mua phải tranh giả. Nhưng điều đó không làm ông mất niềm tin vào những gì đang theo đuổi. Hướng dẫn chúng tôi đi tham quan bảo tàng, giới thiệu từng bức tranh và lai lịch của nó, bà Phùng Minh Nguyệt nhìn chồng đầy trìu mến và tự hào. Bà nói, mỗi người đều có sở thích, đam mê riêng. Có người thích xe, có người thích nhà. Nhìn thấy đam mê của chồng, bà rất mực ủng hộ vì biết ông đang nỗ lực giữ gìn những giá trị có tính lịch sử của mỹ thuật Việt. Trong một cuộc trò chuyện vui với các bạn trẻ đang xem tranh, ông Quang thể hiện lòng biết ơn dành cho vợ: “Mua tranh mà không cân đối kinh tế và vợ không ủng hộ thì dễ mỗi người mỗi nơi lắm”.

Thực tế, từ lúc sưu tập cho đến nay, ông Quang chưa bao giờ bán ra bức tranh nào. Chính tình yêu mãnh liệt của ông mà nhiều bức tranh được chính gia đình họa sĩ hoặc nhà đầu tư tin tưởng bán lại.

Ấp ủ ưu lại giá trị cho cộng đồng

Không gian Quang San Art Museum được chia làm 3 tầng. Tầng trệt tập trung trưng bày tác phẩm của các danh họa, nhà điêu khắc cống hiến lớn trong thời kỳ đầu của mỹ thuật Việt Nam, từ các giảng viên người Pháp đã khởi xướng cho nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại đến thế hệ sinh viên những khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, như các bộ tứ hội họa Trí - Cẩn - Vân - Lân, Nghiêm - Liên - Sáng - Phái hay Thứ - Phổ - Lựu - Đàm. Các tác phẩm nghệ thuật trưng bày ở tầng này thuộc bộ sưu tập cố định của bảo tàng.

Tầng 1 chia thành 2 khu vực. Khu vực 1 tiếp nối chủ đề về những họa sĩ các khóa đầu tiên của Trường Mỹ thuật Đông Dương và một số họa sĩ cùng thời kỳ như Nguyễn Khang, nhạc sĩ Văn Cao, Mai Văn Hiến, Phan Kế An... Khu vực 2 tập trung vào thời kỳ kháng chiến và chiến tranh chống Mỹ, trưng bày tác phẩm của những họa sĩ có cuộc đời gắn bó với chiến tranh, những họa sĩ khóa kháng chiến tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, Trường Mỹ thuật Gia Định và một số họa sĩ gia nhập quân ngũ.
Tầng 2 trưng bày các tác phẩm thời kỳ thống nhất đất nước và bắt đầu chính sách Đổi Mới (1986) của nền mỹ thuật hiện đại ở Việt Nam.

Số lượng tranh đang trưng bày trong bảo tàng sẽ luân phiên thay đổi theo mùa hoặc theo quý trong tổng số 1.300 bức thuộc bộ sưu tập của ông Quang. Bên cạnh đó, bảo tàng cũng tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, workshop hoặc tạo điều kiện kết hợp giao lưu, trưng bày với các nhà sưu tập khác như Tuần lễ trưng bày tranh danh họa Trần Phúc Duyên của nhà sưu tập Phạm Lê. 

Công việc điều hành bảo tàng hiện do anh Nguyễn Thiều Kiên, con trai ông Quang phụ trách. Kiên từng theo học ngành thiết kế đồ họa 6 năm tại Mỹ, sau đó học thạc sĩ kinh doanh tại Singapore. Đồng hành cùng Kiên là người em Nguyễn Thiều Minh Thư, từng tốt nghiệp quản lý nghệ thuật tại London (Anh). Thư hiện đang theo học khóa giám tuyển tại Singapore.

Với mong muốn xây dựng Quang San Art Museum thành không gian văn hóa cho các cuộc đối thoại về nghệ thuật, thúc đẩy thị trường mỹ thuật Việt phát triển và lưu lại giá trị bền vững cho cộng đồng cùng thụ hưởng, ông Quang đang từng bước nỗ lực vận động các thủ tục liên quan đến thuế, đăng ký tranh thành tài sản thuộc bảo tàng, thay vì sở hữu cá nhân.

Thực tế cho thấy, thị trường Việt Nam vẫn chưa xem tranh hay các tác phẩm mỹ thuật là một dạng tài sản như bất động sản hay các dạng tài sản hữu hình. Hành lang pháp lý cho việc mua bán các tác phẩm nghệ thuật vẫn chưa có cơ chế cụ thể. Và một thực tế đau lòng khác, mà có lẽ ông Quang đang cố hết sức để tránh chính là tình trạng chảy máu tác phẩm nghệ thuật ra nước ngoài mà ông từng chứng kiến, khi những người chủ phòng tranh danh tiếng tại Việt Nam qua đời. Các tác phẩm được chia năm xẻ bảy cho các con và tứ tán khi quan điểm không đồng nhất. “Nếu tác phẩm thuộc về bảo tàng, nó sẽ vẫn ở đó để người xem thưởng thức”, ông Quang nói.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới